Bà chủ Canva gây dựng kỳ lân công nghệ 40 tỷ USD, trở thành nữ tỷ phú U40 tự thân giàu nhất thế giới, nhưng chưa bao giờ coi tiền là của mình
Tất cả bắt đầu từ những bức xúc đối với phần mềm thiết kế không thân thiện với người dùng.
- 14-09-2021Ngày càng có nhiều kỳ lân IPO thành công, giới đầu tư khởi nghiệp đặt cược gấp đôi vào khu vực Đông Nam Á
- 11-09-2021Kỳ lân công nghệ giúp giới trẻ 'sống ảo' trở thành mối đe doạ lớn của 'ông hoàng' photoshop Adobe
- 03-09-2021Những quỹ đầu tư 'chống lưng' cho nhiều kỳ lân nhất thế giới
Ứng dụng Canva phổ biến với mọi đối tượng để tạo logo, sơ yếu lý lịch, tờ rơi, bài thuyết trình… với hơn 7 tỷ thiết kế được tạo ra bởi người dùng trên toàn thế giới.
Bắt nguồn từ những bức xúc
Trong khi theo học tại đại học Perth ở Australia, Melanie Perkins đã tham gia dạy thêm thiết kế vào năm 2008. Cô trở nên thất vọng với các công cụ thiết kế trên máy tính để bàn cồng kềnh mà cô phải cố gắng giảng giải cho học sinh của mình.
Perkins nhớ lại một bài đăng trên Medium vào năm 2018: "Facebook đang thành công rực rỡ vào thời điểm đó. Mọi người có thể tham gia và sử dụng nó một cách dễ dàng. Tuy nhiên, các công cụ thiết kế lại mất nhiều năm đào tạo học hỏi". Từ bài viết đó, cô muốn tạo ra phần mềm thiết kế đơn giản, trực tuyến và dễ dàng làm việc hơn.
Đó chính là công thức tạo nên chiến thắng. Vòng gọi vốn tuần trước đã định giá công ty thiết kế đồ họa Canva ở mức 40 tỷ USD. Theo Bloomberg Billionaires Index, điều này mang lại cho mỗi người, Perkins (34 tuổi) và chồng cô cũng là người đồng sáng lập Cliff Obrecht (35 tuổi), số tài sản 5,9 tỷ USD.
Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu CB Insights, vòng gọi vốn gần đây nhất đã biến công ty có trụ sở tại Sydney trở thành kỳ lân khởi nghiệp lớn thứ 5 trên thế giới. Perkins đã trở thành nữ tỷ phú tự thân giàu có nhất dưới 40 tuổi. Các nhà đầu tư của Canva bao gồm Franklin Templeton và Sequoia Capital Global Equities.
Định hướng đúng
Cặp đôi Perkins và Obrecht mới kết hôn đầu năm 2021, trả lời phỏng vấn rằng họ không chậm lại. "Chúng tôi muốn xây dựng một trong những công ty có giá trị lớn nhất thế giới. Chúng tôi đang đi đúng hướng, nhưng chúng tôi vẫn chưa đến đích", giám đốc điều hành Perkins nói.
Người dùng Canva đã tạo ra hơn 7 tỷ thiết kế, nhưng Perkins tham vọng Canva sẽ xuất hiện ở mọi nơi, bao gồm cả việc những chiếc sơ yếu lý lịch PDF sẽ thay bằng công cụ trên web.
Perkins tiết lộ trong một bài đăng thông báo về việc định giá công ty trên Medium rằng hai vợ chồng sở hữu ít nhất 30% cổ phần của công ty. Cựu nhân viên của Google, Cameron Adams, cũng là người đồng sáng lập, mặc dù số cổ phần của ông không được tiết lộ.
Canva hiện rất phổ biến với các blogger, sinh viên, marketer. Họ có thể chọn các mẫu và sau đó tùy chỉnh để tạo ra logo, sơ yếu lý lịch, tờ rơi hoặc thậm chí là thiết kế áo phông.
Canva còn được tin dùng bởi hơn 10 triệu sinh viên và giáo viên, cũng như các công ty như: American Airlines Group, Zoom, SkyScanner, Intel, Salesforce.com, PayPal và Marriott International.
Canva cho biết công ty đang trên đà vượt qua 1 tỷ USD doanh thu hàng năm vào cuối năm 2021.
Những người đồng sáng lập Canva (từ trái sang): Cameron Adams, Cliff Obrecht và Melanie Perkins. Nguồn: Canva
Tỷ phú công nghệ
Theo Bloomberg Index, khối tài sản mới của đôi vợ chồng khiến họ lọt vào top 10 người giàu nhất Australia. Trong khi tài sản của đất nước từ lâu đã gắn liền với các ngành công nghiệp hàng hóa, Perkins và Obrecht đã tham gia vào một nhóm dẫn đầu bởi các nhà sáng lập công nghệ Mike Cannon-Brookes và Scott Farquhar của Atlassian, một công ty phát triển phần mềm.
Perkins cũng trở thành người phụ nữ giàu thứ hai ở Australia, sau Gina Rinehart (67 tuổi), người có tài sản ròng trị giá 17,9 tỷ USD chủ yếu từ việc kinh doanh quặng sắt.
Trong bài đăng mới nhất trên Medium, Perkins cam kết rằng hai vợ chồng sẽ quyên góp phần lớn vốn chủ sở hữu Canva của họ. Họ dự định sẽ chuyển khoản quyên góp của mình qua Quỹ Canva và đã công bố chương trình hợp tác với tổ chức phi lợi nhuận GiveDirectly, hỗ trợ 10 triệu USD cho người nghèo châu Phi.
Perkins nói rằng: "Thật kỳ lạ khi mọi người coi chúng tôi là tỷ phú vì chúng tôi chưa bao giờ có cảm giác đó là tiền của mình. Chúng tôi luôn cảm thấy rằng mình chỉ là người giám sát số tiền đó. Ý định từ lâu của chúng tôi là cho đi sự giàu có này".
Theo Bloomberg
Nhịp sống kinh tế