"Bà đầm thép Angela Merkel" chưa thể ngay lập tức về hưu để nhận 17.500 USD/tháng cùng một cuộc sống an nhàn
Kế hoạch nghỉ hưu của người phụ nữ được mệnh danh là bà đầm thép của nước Đức có lẽ đã gặp "trục trặc", khiến bà chưa thể bắt đầu sống cuộc sống an nhàn sau khi rời chiếc ghế quyền lực.
- 27-09-2021“Thời kỳ vàng son” của nước Đức liệu có chấm dứt khi bà Merkel rời đi?
- 25-09-2021Từ “kẻ ốm yếu” đến quốc gia giàu nhất châu Âu: Đức tiến xa như thế nào dưới thời bà Angela Merkel?
- 27-07-2020Mặc tương lai mơ hồ của đảng cầm quyền Đức, Thủ tướng Merkel trở lại 'huy hoàng' trong vai trò nhà lãnh đạo khủng hoảng
- 05-06-2020Tỉ lệ ủng hộ tăng cao, Thủ tướng Merkel vẫn lắc đầu với tái tranh cử
Cuộc đua chính trị của nước Đức đã ngã ngũ. Dù đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU/CSU) của bà Merkel đã thua sát nút đối thủ nhưng cả 2 đảng chỉ đạt khoảng 25% tổng số phiếu bầu, cách tỷ lệ quá bán rất xa. Chính vì thế, cả CDU/CSU và đối thủ Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) đều phải nỗ lực lập liên minh mới.
Theo kế hoạch, quá trình này có thể kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí có thể kéo dài tới Giáng Sinh mới có thể có kết quả cuối cùng. Cho đến lúc đó, bà Merkel vẫn chưa thể rời nhiệm sở. Điều này đồng nghĩa với việc "bà đầm thép" chưa thể nấu món ưa thích là súp khoai tây và nướng bánh mận với lớp trên cùng là bơ - món ăn đặc trưng của người Đức trong những tháng mùa thu, vào năm nay.
Tuy nhiên, việc bà đầm thép nghỉ hưu là điều chắc chắn không thể đảo ngược. Tờ DW, dựa trên những thông tin thu thập được, cũng đã phác họa vài nét đặc trưng về cuộc sống của bà Merkel sau khi rời nhiệm sở.
Đọc và ngủ một chút
Trong chuyến thăm Washington D.C hồi tháng 7, bà Merkel đã được hỏi về việc bà hình dung cuộc sống mình sẽ ra sao sau khi nghỉ hưu hay chưa? Mặc dù từng lảng tránh chủ đề này trong các lần trả lời phỏng vấn trước đó nhưng lần này, bà Merkel đã thẳng thắn cho biết mình sẽ nghỉ ngơi và không nhận bất cứ lời mời nào.
"Tôi phải chấp nhận rằng những công việc trước đây của mình giờ sẽ do người khác làm. Tôi nghĩ tôi sẽ rất thích điều đó", bà Merkel nói.
Trong thời gian đó, bà Merkel sẽ nghĩ về "điều gì khiến bà thực sự quan tâm". Người phụ nữ này đã có rất ít thời gian để làm việc đó suốt 16 năm qua. Sau đó, bà Merkel cho biết mình sẽ đọc cái gì đó, nhắm mắt lại khi thấy mệt, ngủ một chút.
Cuộc sống được đảm bảo
Khi không còn là Thủ tướng Đức, cuộc sống bà Merkel chắc chắn vẫn rất thoải mái. Gần 2 thập kỷ làm việc từ sáng sớm tới tối muộn và gánh trên vai trách nhiệm to lớn trong việc chèo lái một nền kinh tế hàng đầu châu Âu, bà Markel đã khiến cả thế giới trầm trồ thán phục. Tuy nhiên, chia sẻ về chủ đề này tại Berlin gần đây, bà Merkel nói rằng: "Bạn chỉ nhận ra những gì bạn bỏ lỡ khi bạn không còn nó nữa".
Tuy nhiên, đó là công việc. Bước sang tuổi 67 vào ngày 17/7/2021, cuộc sống của bà Merkel chắc chắn sẽ không cần lo lắng về tài chính. Trong vai trò Thủ tướng Đức, lương của bà là 29.000 USD/tháng. Ngoài ra, là thành viên của Quốc hội Đức trong suốt 30 năm qua, mỗi tháng bà Merkel nhận thêm gần 12.000 USD.
Ngay cả khi bà Merkel ngừng tất cả công việc, bà vẫn tiếp tục nhận lương đầy đủ trong 3 tháng và nhận trợ cấp chuyển tiếp bằng 1 nửa số lương khi đương nhiệm trong thời gian 21 tháng.
Khoản lương hưu 17.500 USD
Sau đó, bà Merkel sẽ nhận lương hưu. Do thời gian cống hiến kéo dài nên bà Merkel được nhận lương hưu rất cao. Cụ thể, trong một đạo luật năm 1953, Đức quy định một thủ tướng 4 năm có thể nhận 27,74% lương đương nhiệm sau khi về hưu. Mỗi năm tại nhiệm sau đó, quyền lợi của họ tăng thêm 2,39167%. Tuy nhiên, lương hưu của Thủ tướng Đức không được vượt quá 71,75% lương tại nhiệm.
Với phép tính này, bà Merkel có thể nhận 15.000 euro, khoảng 17.500 USD lương hưu mỗi tháng. Ngoài ra, bà còn được hưởng các quyền lợi về an ninh cá nhân và một chiếc xe kèm tài xế trong suốt phần còn lại của cuộc đời. Bà cũng có quyền có một văn phòng trong khuôn viên Quốc hội Đức ở Berlin với nhân sự bao gồm một quản lý, 2 cố vấn và 1 thư ký.
Sự nghiệp thứ hai?
Luật pháp yêu cầu các quan chức Chính phủ về hưu phải giữ bí mật với những gì họ biết. Tuy nhiên, ngay cả khi không được phép nói về những điều tối mật, họ vẫn nổi tiếng trong cộng đồng doanh nghiệp với tư cách là nhà tư vấn nhờ mối quan hệ chính trị rộng lớn của mình.
Một số người tiền nhiệm của bà Merkel đã chuyển sang lĩnh vực cố vấn thương mại. Cụ thể, sau khi ông Helmut Schmidt rời ghế thủ tướng vào năm 1982, ông trở thành đồng xuất bản tờ báo "Die Zeit" và là một diễn giả nổi tiếng. Trong cuộc phỏng vấn năm 2012, ông Schumidt nói rằng mình không thuyết trình nếu thù lao thấp hơn 15.000 USD.
Trong khi đó, các cựu thủ tướng Helmut Kohl và Gerhard Schröder đã biến quá khứ chính trị danh tiếng của họ thành "tiền mặt". Kohn lập một công ty tư vấn chính trị và chiến lược, kiếm được rất nhiều tiền với tư cách là nhà vận động hành lang và cố vấn. Trong khi đó, ông Schröder đầu quân cho công ty đường ống dẫn khí Nord Stream, công ty con của Gazprom, Nga. Schröder đã ủng hộ đường ống này khi ông còn là thủ tướng.
Tuy nhiên, động thái này đã khiến nước Đức phải ra luật mới, trong đó quy định cựu quan chức Chính phủ phải hỏi thủ tướng xem việc họ chuyển sang doanh nghiệp tư nhân có gây tổn hại gì tới lợi ích của đất nước hay không. Một ủy ban tư vấn đạo đức có thể áp dụng thời gian chờ đợi 18 tháng trong trường hợp phát hiện nghi vấn.
Chồng bà Merkel vẫn ở lại Berlin, ít nhất là lúc này
Không ai biết dự định tiếp theo của bà Merkel là gì. Đến thời điểm hiện tại, bà chưa nói lời nào về điều đó. Tuy nhiên, chồng bà, nhà toán học lượng tử Joachim Sauer, vẫn chưa nghĩ đến việc dừng lại các công trình của ông. Mặc dù là Giáo sư danh dự tại Đại học Humboldt của Berlin, người đàn ông 72 tuổi này đã gia hạn hợp đồng với tư cách là nhà nghiên cứu cao cấp cho ít nhất là năm sau.