MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bà Hứa Thị Phấn, cựu cố vấn cấp cao TrustBank qua đời

14-02-2023 - 15:58 PM | Tài chính - ngân hàng

Bà Hứa Thị Phấn, cựu cố vấn cấp cao TrustBank được xác nhận đã qua đời và chưa thi hành án tù do bà đang trong thời gian điều trị bệnh.

Ngày 14-2, một nguồn tin xác nhận bà Hứa Thị Phấn (SN 1947, cựu cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng Đại Tín - TrustBank) đã qua đời vào trưa 13-2.

Bà Hứa Thị Phấn được nhiều người hoạt động trong lãnh vực ngân hàng gọi là Sáu Phấn. Bà Phấn quê Đồng Tháp, từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ.

Năm 2007, bà Phấn đại diện Công ty đầu tư phát triển Phú Mỹ cùng người thân mua 85% cổ phần của Ngân hàng TMCP Đại Tín, tương đương 2.500 tỉ đồng và giữ chức vụ Cố vấn cấp cao Hội đồng quản trị ngân hàng này. Ngân hàng này có tiền thân là Ngân hàng Nông thôn cổ phần Rạch Kiến huyện Cần Đước, Long An.

Tuy giữ chức vụ cố vấn TrustBank nhưng bà sở hữu 85% cổ phần ngân hàng này và là người đứng sau điều hành, can thiệp toàn bộ hoạt động của TrustBank. Năm 2012, bà Sáu Phấn tham gia Hội đồng quản trị Tập đoàn SSG và rút khỏi HĐQT SSG vào năm 2016.

Bà Hứa Thị Phấn, cựu cố vấn cấp cao TrustBank qua đời - Ảnh 1.

Bà Hứa Thị Phấn

Ngày 25-8-2020, TAND cấp cao tại TP HCM đã tuyên án phúc thẩm vụ "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" đối với bị cáo Hứa Thị Phấn và đồng phạm gây thiệt hại của TrustBank (nay là CB Bank) hơn 1.338 tỉ đồng.

HĐXX đã bác kháng cáo xin giảm án đối với bà Hứa Thị Phấn, giữ nguyên mức án 20 năm tù. Liên quan đến vụ án, Trần Thị Kim Loan (nguyên thư ký của bà Phấn) lãnh 7 năm tù và Huỳnh Thị Xuân Dung (cháu bà Phấn) lãnh 5 năm tù giam.

Về dân sự, HĐXX phúc thẩm y án nội dung buộc bà Hứa Thị Phấn bồi thường hơn 437 tỉ đồng và 901 tỉ đồng.

Tòa nhận định bà Phấn là người cầm đầu việc thực hiện hàng loạt hành vi để chiếm đoạt tài sản. Bà Phấn cũng là người nắm 82% vốn điều lệ Trustbank, thâu tóm, chỉ đạo toàn bộ ban điều hành ngân hàng, làm thủ tục để ngân hàng đầu tư trực tiếp 1.037 tỉ đồng vào bất động sản của 3 công ty.

Tuy nhiên, số tiền này không được dùng vào đầu tư mà được bà Phấn rút ra sử dụng cá nhân, gây thiệt hại 901 tỉ đồng. Đồng thời, bà Phấn còn trực tiếp chỉ đạo thư ký và cháu gái thực hiện mua hai bất động sản tại TP HCM rồi chỉ đạo Trustbank mua lại bất động sản này. Vì vậy, bà Phấn là người chủ mưu, được hưởng lợi toàn bộ số tiền, là nguyên nhân dẫn đến nhiều cá nhân khác rơi vào vòng lao lý.

Trước đó, ngày 22-11-2019, TAND TP HCM tuyên phạt bà Phấn 20 năm tù, nhiều bị cáo khác lãnh từ 2 năm tù cho hưởng án treo đến 7 năm tù giam.

Theo án sơ thẩm, bà Hứa Thị Phấn lợi dụng nắm giữ 84,92% vốn điều lệ ngân hàng TrustBank, đã chỉ đạo toàn bộ HĐQT, Ban điều hành và cán bộ, nhân viên TrustBank làm các thủ tục để ngân hàng này đầu tư trực tiếp 1.037 tỉ đồng trái pháp luật vào 4 dự án bất động sản do Công ty Phú Mỹ, Công ty Địa ốc Lam Giang và Công ty Phú Mỹ làm chủ đầu tư. Các doanh nghiệp này đều thuộc quyền chi phối của Hứa Thị Phấn.

Với số tiền nêu trên, bà Hứa Thị Phấn không sử dụng để đầu tư vào dự án như hợp đồng hợp tác mà rút tiền mặt để chiếm đoạt cá nhân và đến nay chối bỏ toàn bộ trách nhiệm thanh toán phải trả lại TrustBank.

Sau khi mua lại 90% phần vốn góp vào Công ty Phú Mỹ từ bà Hứa Thị Phấn, bà Lý Kim Chi (Tổng Giám đốc Công ty Phú Mỹ) đã thanh lý Hợp đồng hợp tác và hoàn trả đủ cho Trustbank toàn bộ tiền gốc cùng lợi nhuận khoản tiền hơn 136 tỉ đồng đã đầu tư vào Dự án Khu Công nghiệp Tân Đông Hiệp B đã bị bà Hứa Thị Phấn chiếm đoạt. Do vậy, thiệt hại thực tế của TrustBank là hơn 901 tỉ đồng.

Hiện nay, 3 dự án bất động sản còn lại đều không được triển khai và đã bị cơ quan có thẩm quyền chấm dứt vai trò chủ đầu tư đối với các doanh nghiệp mà Trustbank góp vốn.


Theo Thái Phương - Phạm Dũng

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên