Bà Mai Kiều Liên: Đầu tư dài hạn cổ phiếu Vinamilk sẽ lời, ngành sữa còn nhiều việc để làm
Bà Mai Kiều Liên nhận định rằng giai đoạn khó khăn nhất của ngành sữa đã qua. Quý 4/2018 đã ổn định trở lại rồi và từ năm 2019 về sau lại giữ được tốc độ tăng trưởng 7-8%/năm.
Trong những ngày cuối năm, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với bà Mai Kiều Liên. Nữ tướng ngành sữa đã khẳng định rằng tương lai Vinamilk không bùng nổ như thời sơ khai nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Khó khăn của ngành sữa cũng đã qua rồi.
Cổ phiếu VNM đã tăng gấp 30 lần trong 10 năm và tạo ra sự giàu có cho cổ đông, từng được nhà đầu tư vinh danh "Vinamilk chỉ có một trên đời". Tuy nhiên, 2 năm gần đây, cổ phiếu VNM đã biến động khá thất thường, ai vào đúng sóng thì lãi to, ai lệch sóng thì…ăn đủ. Đầu tư vào cổ phiếu VNM còn tốt không, thưa bà?
Nếu đứng về góc độ đầu tư, tôi nghĩ muốn đầu tư vào một công ty thì mình phải nhìn vào tiềm năng. Tiềm năng của Vinamilk bao gồm quá khứ, hiện tại và đang trông chờ vào tương lai. Tôi nghĩ tương lai Vinamilk không bùng nổ như thời sơ khai vì thời đó qua rồi. Tuy vậy, khi đại hội cổ đông, rất nhiều người nói với tôi là chỉ đầu tư vào Vinamilk thôi chứ không đầu tư vào cái gì khác, cứ ổn định thế thôi. Họ đi khắp nơi, xem xét nhiều nơi nhưng cuối cùng vẫn chọn Vinamilk vì thực ra là nếu nhảy sạp thì tôi không dám nói còn đầu tư lâu dài thì anh không lỗ, anh có lời.
Mỗi một năm Vinamilk đều trích đến 70% lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Các doanh nghiệp khác mấy doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt, họ chia cổ phiếu, pha loãng…chứ tiền mặt họ không muốn chi cổ tức. Vinamilk không những trả cổ tức tiền mặt mà còn trả cổ phiếu thưởng nữa. Nói chung là tôi thấy tiềm năng phải nhìn vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhiều người đặt câu hỏi biết đâu Vinamilk tìm được mảng gì đó giúp công ty phát triển bùng nổ vì Vinamilk có năng lực, có kinh nghiệm để làm, có nguồn tài chính tốt… điều đó có thể xảy ra không?
Nhiều người hỏi tôi như thế. Có những cái mình không nói trước được. Có nhiều người mong như thế nhưng các cổ đông của công ty lại nói với tôi: thôi chị ơi, chị đừng đầu tư ra cái gì khác, chị cứ tập trung vào sữa giùm.
Nhiều ý kiến trái chiều lắm. Còn ý kiến của tôi thì linh hoạt. Khi có cơ hội thì Vinamilk sẽ nắm bắt. Hiện tại, ngành sữa của mình vẫn còn nhiều dư địa để phát triển vì nếu mình phát triển chăn nuôi tốt thì hạ giá thành cũng được rất lớn và lợi nhuận cũng tăng trưởng.
Ngoài ra, ngành sữa cũng còn rất nhiều việc phải làm như organic. Organic có tiềm năng rất lớn và mình phải có nguyên liệu. Nguyên liệu trong nước thì mình làm gì có đất nữa đâu nên Vinamilk vừa mua một khu vực bên Lào rộng 5.000 héc ta. Ở Việt Nam không kiếm được. Ở Thanh Hoá có kiếm được 2.000 héc ta thì đã khoán cho hộ nông dân mà động đến đất của nông dân là cả một vấn đề, lại đền bù, tranh luận…phức tạp lắm mà mình cũng không muốn. Vinamilk thấy bên Lào cũng ngay gần, đi có 6-7 tiếng là về đến Việt Nam (Nghệ An) rồi. Mình làm bên đó với lại cả người Nhật. Họ cũng rất là có kinh nghiệm trong chăn nuôi bò sữa. Mình kết hợp làm organic, Vinamilk góp 51% và họ 49%.
Mình chở 6-7 tiếng bằng xe lạnh về đến đây rồi mình chế biến, thời gian cũng bằng chở từ Lâm Đồng về TP.HCM.
Câu chuyện khó khăn của ngành sữa mấy năm gần đây bản chất là thế nào ạ?
2018 là năm không ai nghĩ tới. Thực sự ra là tại vì năm 2017 tăng trưởng quá lớn, mười mấy phần trăm. Năm 2018 tăng trưởng khoảng 2-3% thì cộng 2 năm lại tăng trưởng 7-8% cũng là đúng.
Năm 2018 bùng nổ chứng khoán, bùng nổ bất động sản nên phần phân phối có hơi bị trục trặc. Mọi người không tập trung phân phối. Mọi người tập trung lấy tiền, quay vòng đầu cơ bất động sản, cổ phiếu. Đến hết quý 1, đầu quý 2 chứng khoán, bất động sản giảm thì phân phối mới quay trở lại và mọi người nhìn vào kết quả kinh doanh quý 4 của Vinamilk thấy khác hẳn, tăng trưởng lợi nhuận ba mấy phần trăm so với cùng kỳ.
Cũng có thời điểm mọi người nói là có nhiều thứ để uống, nhiều thứ để ăn và chán uống sữa chẳng hạn. Cũng có lúc như thế, giảm toàn ngành luôn. Những kết quả này là bên thứ 3 khảo sát chứ không phải mình. Chưa năm nào mà ngành sữa tăng trưởng âm của toàn Việt Nam. Để tìm được nguyên nhân, chúng tôi đã phải xem hệ thống phân phối của mình. Các điểm bán của mình tận 252 ngàn điểm lẻ thì thấy số lượng điểm lẻ của mình bị co lại rồi các điểm lớn cũng co lại luôn. Các nhà phân phối cũng có lượng tiền nhất định, họ chỉ cần đặt cọc 500 triệu thì họ có thể bán quay vòng bất động sản trong vòng tháng, nửa tháng là có thể lời cả tỷ, tỷ rưỡi. Chuyện đó là chuyện bình thường.
Nhưng tôi nghĩ giờ thôi, không nói nữa vì đã qua rồi. Qua rồi. Quý 4 này đã ổn định lại rồi. Năm 2019 về sau lại giữ được tốc độ tăng trưởng 7-8%/năm.
Nhưng kể cả tăng trưởng âm thì Vinamilk vẫn lấy được thị phần. Đây mới là điều quan trọng. Trong xu hướng giảm chung của ngành thì mình giảm ít hơn đối thủ nên mình vẫn lấy được thêm thị phần.
Kế hoạch 5 năm mình đặt mỗi một năm tăng được bình quân 1% thị phần. Bây giờ mình đang 58-59% rồi. Năm 2017 mình tăng tới 2% là đã dư cho năm 2018 rồi nhưng năm 2018 dù cả ngành tăng trưởng âm nhưng mình cũng tăng được 0,9- 1%.
Trí Thức Trẻ