MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bà mẹ thạc sĩ ở Hà Nội áp dụng 2 chiêu "thưởng phạt" giúp con tự giác học tiếng Anh: Kết quả bất ngờ sau 15 năm

18-10-2024 - 10:33 AM | Sống

Động cơ hay động lực để một người làm việc, hay để trẻ học tiếng Anh xuất phát từ việc: Phải thấy lợi ích của việc mình cần làm.

Chị Nguyễn Thị Hồng Liên là thạc sĩ giáo dục ở Hà Nội. Năm lớp 11, con trai lớn của chị Liên thi IELTS được 8.0 còn con trai thứ hai đạt band điểm IELTS 7.0 từ năm lớp 9. Con trai cả của chị cũng apply và nhận được học bổng của một số trường đại học ở Mỹ.

Thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cũng như những tài liệu dạy con học tiếng Anh, chị Liên cho rằng, câu hỏi chị nhận được của nhiều phụ huynh khi đồng hành cùng con đó là: Làm sao để con chịu học? Câu hỏi này cũng tương tự như làm sao để con chịu làm việc nhà, làm sao để con biết yêu thương bố mẹ hay làm sao để con chịu làm theo con đường đã vạch ra của bố mẹ.

Tất cả đều xuất phát từ việc: Bố mẹ mong muốn 1 việc và muốn con làm theo ý của mình. Tuy nhiên, muốn người khác làm theo ý mình không phải dễ dàng, và phải hiểu quy luật tâm lý con người thì lúc đó mới sử dụng được biện pháp khuyến khích.

Động cơ hay động lực để một người làm việc, hay để trẻ học tiếng Anh xuất phát từ việc: Phải thấy lợi ích của việc mình cần làm.

Bà mẹ thạc sĩ ở Hà Nội áp dụng 2 chiêu "thưởng phạt" giúp con tự giác học tiếng Anh: Kết quả bất ngờ sau 15 năm- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Lợi ích dài hạn, lợi ích thực của việc học tiếng Anh: Con có thể sử dụng được tiếng Anh như chơi game, đọc các hướng dẫn thuốc, thông số sản phẩm, sách hướng dẫn, xem phim tiếng Anh, xem các kênh truyền hình, đi du lịch con có thể tự tin hỏi đường và con dùng tiếng Anh để giao lưu được với mọi người, rồi giỏi tiếng Anh sẽ giúp con đi thi các cuộc thi, sẽ khiến con tỏa sáng… Giỏi tiếng Anh sau này còn giúp con dễ dàng đi du học, hoặc xin vào các công ty nước ngoài, rồi chưa kể giỏi tiếng Anh ban ngày đi làm tối còn đi dạy được nữa. Thi cấp 3 hay đại học mà có IELTS thì còn được miễn trừ thi, được cộng điểm khi xét hồ sơ.

"Cứ bắt đầu học mình đều hỏi con: Nào con nói cho mẹ lợi ích của việc học tiếng Anh nào, nêu ít nhất 5 lợi ích. Thế là từ đó con và mình không bao giờ phải tranh cãi tại sao chúng ta phải học tiếng Anh. Và không chỉ có tiếng Anh, bất cứ cái gì mình muốn con làm như việc nhà, hay là đi học ngoại khóa, mình đều luôn nói trước cho con biết lý do và yêu cầu con nói lại các lý do đó", chị Liên chia sẻ.

Tuy nhiên các lợi ích lâu dài này cũng phải dần dần mới thể hiện rõ, và cần nhất là thời gian, cần môi trường mới thực chứng được. Do đó, bố/mẹ và thầy cô cần các động lực thấy ngay cho trẻ.

Lợi ích ngắn hạn do bố mẹ, thầy cô tạo ra cho các con để giúp các con vượt qua những khó khăn bước đầu cho việc học tiếng Anh. Thường thì chị Liên có rất nhiều cách tạo ra động lực ngắn hạn và thấy ngay khiến trẻ ngày ngày đều mong đến giờ học tiếng Anh.

Thứ nhất, là lời khen và sự ghi nhận ngay lập tức. Ngay khi thấy con làm được bài, chịu học là khen ngay: Mẹ yêu con, mẹ tự hào vì con mẹ hôm nay biết tự giác ngồi học này; Mẹ vui vì con mẹ đã tự giác ngồi nghe CD này; Ồ câu này khó mà con làm được, sao con siêu thế. Nói chung là luôn tìm được điểm gì đó để khen con, để con tự tin con là một đứa trẻ tốt.

Thứ hai, chị cho mỗi đứa 1 quyển sổ, gọi là sổ khen thưởng và có 1 cái dấu "good job" , mỗi ngày con làm tốt cái gì, kể cả việc học tiếng Anh là đóng cho con một dấu kèm với việc ghi rõ là con đã làm điều gì tốt. Chị có quy định rõ là nếu con đạt đủ dấu thì có thể đổi quà như sau:

o Nếu 10 dấu là một cái kẹo mà con thích.

o Nếu 30 dấu là một cái đồ chơi trị giá 50 nghìn đồng.

o Nếu 50 dấu là một bữa đi chơi và đi ăn cuối tuần ở nơi con thích.

o Nếu 500 dấu là một chuyến đi du lịch cùng cả nhà.

Thứ 3 là không chỉ khen thưởng , mỗi tuần chị đều tranh thủ ngày chủ nhật có nhiều thời gian ngồi cùng con và đọc những điều tốt đẹp mà con đã làm để được dấu good job đã ghi lại trước đó. Nhờ việc ghi nhận này mà con rất tự tin con là đứa trẻ tốt và cũng hạn chế được việc con làm những hành vi không mong đợi.

Thứ 4 là điều tốt mà con làm được nên được bố mẹ ghi nhận , đọc đi đọc lại khiến những thứ này đi vào tiềm thức của con, khiến con luôn định hình mình là đứa trẻ tốt. Còn khi con thực hiện những điều chưa tốt, chúng ta chỉ nên nói với con hành vi đó không tốt, mẹ không muốn con làm vậy hoặc nặng hơn thì bố mẹ có thể phạt và còn phải rút kinh nghiệm chứ không ghi lại và để lại dấu ấn trong đầu con. Con cần quên đi những hành vi chưa tốt ở bản thân và hướng tới những điều tích cực. Đây là một dạng ám thị quan trọng mà cha mẹ phải làm cho con.

2. Trẻ sẽ bị phạt nếu không thực hiện nhiệm vụ về tiếng Anh

Bên cạnh việc khen thưởng để tạo động lực, thì trẻ vẫn là đứa thích chơi hơn học,. Do đó, nếu muốn trẻ học tiếng Anh chăm chỉ thì bên cạnh việc cho trẻ khen thưởng và động lực thì khi trẻ không làm, không học thì sẽ có hình phạt tương ứng. Các để làm hình phạt như sau:

- Cùng trẻ thảo luận hình phạt nếu trẻ từ 5 tuổi trở lên (nếu trẻ bé hơn thì rất dễ đưa trẻ vào khuôn khổ, cứ vui là trẻ sẽ học, không cần phải thảo luận). Ví dụ, nếu con hàng ngày làm đủ nhiệm vụ tiếng Anh hay việc nhà được 1 dấu good job, còn nếu không làm thì bị phạt cho nhớ. Các hình thức phạt thì bố mẹ có thể thảo luận đưa ra phù hợp với tuổi của con. Ví dụ: Sẽ không được xem tivi, sẽ không được sang nhà bạn chơi, sẽ bị đứng vào góc suy ngẫm 15 phút.

- Nhắc nhở khi trẻ vi phạm: Nên mua một cái đồng hồ đặt ở bàn, và cứ giao nhiệm vụ có kèm thời gian. Vừa dạy con xem đồng hồ vừa dạy con biết kiểm soát thời gian của bản than. Khi trẻ vi phạm như không học dù đã hết giờ thì bố mẹ sẽ nhắc nhở. Sự giám sát và nhắc nhở rất quan trọng, bởi trẻ nhiều khi còn nhỏ, hay lơ là và hay quên.

- Kỷ luật và giáo dục trẻ: Khi trẻ vi phạm hành vi không mong muốn nhiều lần như không chịu học, không chịu ngồi bàn, mẹ có thể áp dụng các hình thức kỷ luật và giáo dục như sau:

o Sử dụng body language: Với những hành vi không mong muốn mẹ phải thể hiện cho bé biết việc đó không được phép. Mẹ có thể dừng lại, không nói năng gì và nhìn một cách nghiêm khắc. Lúc này bé tự nhiên sẽ khựng lại và nhìn lại mẹ. Mẹ sẽ nói "không con nhé". Nhìn thẳng vào mắt con là vô cùng quan trọng. Lúc này trông mặt mẹ phải thật nghiêm.

o Tách trẻ ra khỏi hoạt động - time out: Thông thường có thể cho bé mỗi 1 tuổi là 1 phút time out và hiệu quả với trẻ dưới 8 tuổi. Khi cho con tạm lắng phải chọn 1 chỗ dễ nhìn mọi người nhưng con phải đứng yên. Nếu con khóc bám theo phải kiên quyết nói "không con ngồi đó nếu con tiếp tục đi ra thời gian ngồi 1 chỗ sẽ tăng thêm".

o Cho con tự nhận hệ quả của hành động của mình: Như khi con làm đổ nước con phải tự đi lau. Con quên đồ tự về lấy, Con quên đồ dùng học tập phải tự chịu phạt ở trường. Thường chị sẽ trao đổi: "Mẹ cần nói chuyện riêng với con, con vào đây". Vậy là con biết có chuyện và rất là sợ rồi. Sau đó chị sẽ ngồi nói chuyện về hành vi của con mà mình không hài lòng, và nói rõ lý do, kèm hỏi con là con nên thay đổi hành vi đó theo hướng nào.

o Lấy đi vật yêu thích hay việc yêu thích: Chị thường chỉ hay cho con chơi 15-30 phút điện thoại 1 ngày (tăng dần theo độ tuổi). Nếu con có vấn đề thì giờ chơi bị mất. Hoặc rất nhiều thứ như đi chơi, mua đồ chơi yêu thích đều không được làm nếu con có nhiều việc vi phạm.

o Quy tắc đèn xanh, vàng và đỏ: Khi mẹ thấy không hài lòng về một hành động của con mẹ sẽ nói: Mẹ bắt đầu ko hài lòng, cảm thấy con cứ xem tivi là rất khó chịu. Con tắt đi (đèn vàng); Mẹ bắt đầu cáu lắm rồi đấy (kèm giọng nghiêm trọng và ánh mắt lừ lừ), bà ngoại nhờ con lấy nước mà gọi con 3 lần rồi con chưa làm. Con biết khi mẹ cáu không kiểm soát được thì nó thế nào rồi đó (Đèn đỏ).

o Hình phạt cao nhất: Tùy vào văn hóa gia đình mà lựa chọn. Mỗi một gia đình có 1 hình phạt cao nhất theo văn hóa gia đình, do đó hình phạt nào là cao nhất trong mỗi gia đình chỉ có gia đình bạn mới quyết định được.

Có những phụ huynh không bao giờ dùng roi vọt mà con rất ngoan, có phụ huynh dùng roi cả ngày mà con vẫn không ngoan. Chính vì vậy, dùng biện pháp gì với con chỉ có gia đình mình mới biết được để mà đưa ra cho phù hợp.

3. Trẻ phải có thói quen ngồi học và tư duy, và phải cảm thấy việc học và tư duy này là dễ dàng thực hiện được

Bên cạnh việc dùng lợi ích, thưởng rồi phạt khi muốn con học tiếng Anh thì việc tạo cho con thói quen ngồi học và rèn cho con kỹ năng tự học mới là điều quan trọng nhất mà bố mẹ phải làm với con. Hàng ngày bố mẹ nên cho con ngồi vào bàn đúng giờ, và nên bắt đầu từ khi con 4-5 tuổi, trước khi con vào lớp 1, ko cần phải nhiều, mỗi ngày chỉ cần 15-60 phút và không nhất thiết là ngồi bàn là phải học. Thời gian ngồi nên tăng dần theo thời gian chứ đừng bắt con phải ngồi ngay được 60 phút.

Ngoài việc dạy ngồi bàn thì chị Liên thường hay đọc sách cho con và nói chuyện với con quanh cuốn sách đó. Khi con lên lớp 1, chị yêu cầu con vẽ lại quyển truyện mẹ và con vừa đọc, rồi sau đó lên lớp 2 mẹ yêu cầu vẽ sơ đồ tư duy đúc kết quyển sách đã đọc rồi kể lại. Lên lớp 3 hỏi xem con rút ra được bài học gì và áp dụng gì vào cuộc sống.

Đây chính là cách chị dạy con kỹ năng tự học, tự nghiên cứu. Lên lớp 6-7 bắt đầu giao chủ đều và con phải tự tìm hiểu về chủ đề đó và viết lại phân tích về chủ đề như: Lý do tại sao trẻ em không nên ăn đồ ngọt, hay trẻ em có nên có bài tập về nhà không? Hay hiện tại khí hậu thế giới đang thay đổi thế nào và nó ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của con, con sẽ làm gì cho việc thay đổi khí hậu đó? Vì con có kỹ năng tự học, và lại được mẹ dạy khả năng đúc kết và áp dung kiến thức nên con học khá chủ động.

4. Xây dựng sự dân chủ trong gia đình

Nhà chị Liên được cái là thường xuyên hỏi ý kiến các con và để cho các con được làm theo ý kiến của mình, ít khi ép con phải làm cái này hay cái kia. Ngoài việc học và làm việc nhà là trách nhiệm của con và từ bé thì còn lại việc gì chị cũng hỏi và cho con tự quyết: Mặc gì, ăn gì, chơi gì, ở đâu, mua gì… đều luôn là con chủ động. Thậm chí chủ động đến nỗi con tự tìm chỗ ăn, chỗ chơi, chỗ mua đồ và tự đưa bố mẹ đến đó thông qua google map. Do đó các con nhà chị rất chủ động tự sắp xếp việc học, việc làm việc nhà và việc chơi của bạn ấy.

Thỉnh thoảng chị hỏi: Mẹ có cần thay đổi điều gì để làm cho gia đình này hạnh phúc hơn, các con vui hơn hay không? Nếu các bạn ấy có góp ý gì, chị đều rất mở lòng nghe con và có làm theo.

"Để dạy một đứa trẻ yêu thích và học tốt một môn học hay là làm tốt bất cứ việc gì đòi hỏi bố mẹ phải hiểu rõ việc đó cũng như phải mất nhiều công sức. Dạy con không khó, chỉ cần kiên trì. Dạy trẻ là một nghệ thuật và muốn làm bố mẹ tốt cũng phải học từng ngày", chị Liên nói.

Theo Hiểu Đan

Phụ nữ mới

Trở lên trên