MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bà Merkel đang đánh mất cả Đức và EU?

22-09-2016 - 20:46 PM | Tài chính quốc tế

Có thể sau này người ta sẽ nhìn nhận hội nghị Bratislava là nơi mà bà Merkel bắt đầu chính thức đánh mất châu Âu.

Trong những tuần qua, có lẽ Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nỗ lực hết sức để hối thúc các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đạt được một sự đồng thuận nhất định trong giai đoạn hậu Brexit - việc Anh rời EU.

Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh EU-27 (khối EU không có Anh) ở Brastislava (Slovakia) ngày 16/9, bà Merkel đã gặp trực tiếp 24 trên tổng số 26 đối tác châu Âu. Bà đã đến Warsaw (Ba Lan), Talinn (Estonia), Prague (Cộng hòa Séc), Paris (Pháp) và đảo Ventotene (Italy). Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực nhằm thể hiện rằng Đức không “đơn thương độc mã” đều trở nên vô nghĩa.

Hội nghị Bratislava là một sự thất bại nặng nề. Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng nước chủ nhà Slovakia Robert Fico đã cùng nhau công bố “Lộ trình Bratislava”, vạch ra một hướng đi cho châu Âu. Tuy nhiên, Thủ tướng Italy Matteo Renzi và Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngay lập tức chỉ trích kế hoạch này. Ông Renzi phát biểu hồi cuối tuần qua: “Tôi không biết bà Merkel đang đề cập đến điều gì khi bà ấy nói về ‘tinh thần Bratislava’. Nếu mọi thứ tiếp diễn theo lộ trình ấy, chúng ta sẽ nói về ‘bóng ma châu Âu’ thay vì tinh thần Bratislava”.

Gần một thập kỷ qua, bà Merkel luôn là người định hướng cho châu Âu, từ phản ứng của khối được đưa ra tại Berlin (Đức) trước cuộc khủng hoảng đồng euro, cho tới thỏa thuận Minsk để ổn định tình hình tại miền Đông Ukraine, và Hiệp ước EU-Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hạn chế dòng người nhập cư vào châu Âu năm 2015. Tuy nhiên Hội nghị Bratislava vừa qua đã cho thấy rằng chính những vấn đề mà bà Merkel phải đối mặt ở trong nước, cụ thể là kết quả đáng thất vọng của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) tại cuộc bỏ phiếu địa phương ở Berlin hôm 18/9, đang làm xói mòn ảnh hưởng của bà trên trường quốc tế.

Một cựu quan chức EU từng hợp tác chặt chẽ với bà Merkel trong suốt cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro cho biết: “Từ kết quả cuộc khủng hoảng người di cư, bà Merkel đang nhận ra rằng bà không có nhiều người ủng hộ bà ở châu Âu. Và bà cần những người bạn và các đồng minh trong rất nhiều vấn đề khác”. Vị quan chức này cho biết rằng ông không thấy ai trong số các thành viên CDU, hay tại Đức và châu Âu đủ sức thay thế bà Merkel. Tuy nhiên, ông tin rằng sự phản đối nhằm vào nhà lãnh đạo này sẽ tiếp tục gia tăng.

Bà Merkel đại diện cho chính sách khắc khổ của Đức và việc mở cửa biên giới châu Âu- hai chính sách hiện đang trở thành lý do để các các đảng phái theo chủ nghĩa dân túy gia tăng chỉ trích, kích động tinh thần dân tộc và trỗi dậy trên khắp EU. Giới chức tại một số quốc gia châu Âu thậm chí còn cho rằng chính hai chính sách này đã tác động tới tâm lý cử tri Anh, khiến họ quyết định bỏ phiếu ủng hộ việc Anh rời EU.

Khả năng bà Merkel cương quyết và nỗ lực giành thêm một nhiệm kỳ thủ tướng nữa tại cuộc bầu cử năm tới được cho là khá lớn, bất chấp chuỗi thất bại liên tiếp của CDU tại các cuộc bầu cử địa phương và những chỉ trích từ các đồng minh Bavaria của bà, Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU), đối với chính sách chào đón người tị nạn.

Tại cuộc họp báo bất thường hôm 19/9 nơi bà Merkel đã thừa nhận sự chia rẽ ở châu Âu trong vấn đề người tị nạn, bà đã từ chối trả lời về khả năng tranh cử nhiệm kỳ thứ tư. Tuy nhiên nếu bà tham gia tranh cử và giành chiến thắng, bà sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước như một nhân vật ít ảnh hưởng ở cả trong nước và ở châu Âu. Điều này có thể tác động tới nhiều vấn đề của châu Âu.

Berlin thừa nhận họ phải chịu thiệt thòi trong chính sách kinh tế, buộc phải chấp nhận sự vô dụng của luật ngân sách EU trong các vụ vi phạm thâm hụt ngân sách của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, hay chính sách tiền tệ dễ dãi của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Bà Merkel cũng thừa nhận thất bại trong việc thuyết phục các đối tác EU của Berlin chấp nhận hạn ngạch phân bổ người di cư, và tại hội nghị ở Bratislava vừa qua đã phải nhượng bộ trước các quốc gia Đông Âu, và chấp nhận đề xuất “đoàn kết linh hoạt” trong cuộc khủng hoảng người di cư.

Việc duy trì EU đoàn kết trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine có thể sẽ là một phép thử mới đối với sức ảnh hưởng của Đức. Bất chấp nỗ lực ngoại giao con thoi của Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, giới quan chức Đức ngầm hiểu rằng họ buộc phải nghĩ về một giải pháp thay thế thỏa thuận Minsk, giải pháp có thể phải tính đến cả việc gỡ bỏ trừng phạt đối với Nga.

Thủ tướng Renzi và Thủ tướng Orban, những người đã phản đối bà Merkel ở Bratislava, là những người tỏ ý hoài nghi nhiều nhất về các lệnh trừng phạt tài chính và kinh tế mà EU áp đặt đối với Moskva hai năm trước, sau khi quốc gia này sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và hỗ trợ quân nổi dậy ở phía Đông. Hồi cuối tuần qua, Thủ tướng Slovakia Fico cho rằng các lệnh trừng phạt trên là “không hiệu quả” và gây tổn hại đến EU. Trả lời hãng tin Reuters, ông Fico cho rằng Nga đã thực hiện các cam kết của họ theo Thỏa thuận Minsk còn nhiều hơn Ukraine.

Một phép thử khác đối với bà Merkel và EU đó là Brexit – một vấn đề lớn ở Hội nghị Bratislava. Sau cuộc trưng cầu ý dân ở Anh hồi tháng 6/2016, bà Merkel có thêm một ưu tiên đó là tìm kiếm một thỏa thuận với London. Tuy nhiên, bà phải đối mặt với các chỉ trích mạnh mẽ, nhất là từ Pháp, nước đã cam kết rằng sẽ khiến người Anh phải trả một giá đắt vì đã lựa chọn Brexit.

Quan hệ Berlin-Paris trong hàng thập kỷ qua là động lực của sự hội nhập châu Âu, nay có thể sẽ là nhân tố giúp khối này tìm cách đương đầu với nguy cơ tan rã. Mối quan hệ này cũng có thể giúp xác định được xem liệu bà Merkel còn có thể tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính sách ở châu Âu hay sẽ trở thành một nhận vật ít tiếng nói hơn và bị cô lập hơn.

Ông Hollande sẽ rời vị trí lãnh đạo vào đầu năm 2017. Nếu người thay thế ông là Alain Juppe, cựu Thủ tướng có tư tưởng ôn hòa, thì có khả năng bà Merkel sẽ tái thiết lập một mức độ đồng thuận và hướng đi mới cho châu Âu. Cựu quan chức EU giấu tên nói trên cho rằng: “Nếu như bà Merkel tái đắc cử và ông Juppe giành chiến thắng, Đức và Pháp có thể một lần nữa trở thành đầu tàu của châu Âu”.

Nhiều người lo ngại rằng nếu cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy đắc cử, những triển vọng trên sẽ bị dập tắt. Khi bà Merkel và ông Sarkozy cùng giữ cương vị lãnh đạo Đức và Pháp trong giai đoạn 2007-2012, họ đã cùng nhau vượt qua sự khởi đầu khó khăn, đoàn kết trong những năm tháng đầy căng thẳng để đối phó với hàng loạt cuộc khủng hoảng, và thậm chí người ta còn gọi mối quan hệ thân thiết và đồng điệu giữa hai nhà lãnh đạo này bằng cái tên “Merkozy”.

Tuy nhiên trong những tháng gần đây, ông Sarkozy đã bày tỏ quan điểm phản đối bà Merkel ở rất nhiều vấn đề lớn như người tị nạn và bản sắc quốc gia, hay vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Brexit và thậm chí là cả biến đổi khí hậu. Một quan chức cấp cao Đức cho biết: “Khoảng cách (của bà Merkel) với ông Sarkozy đã trở nên vô cùng lớn. Nếu như ông ấy đắc cử, đó sẽ là một vấn đề lớn với bà Merkel”.

Có thể sau này người ta sẽ nhìn nhận hội nghị Bratislava là nơi mà bà Merkel bắt đầu chính thức đánh mất châu Âu.

PV

Theo Tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên