MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bà Merkel phạm sai lầm, chính trường Đức chao đảo sau gần 70 năm

29-09-2017 - 16:19 PM | Tài chính quốc tế

Tâm lý chung của người Đức trước cuộc bầu cử quốc hội năm nay là muốn trừng phạt liên minh CDU/CSU và SPD của bà Merkel, tức là không muốn liên minh này tiếp tục cầm quyền.

Ở các nước Châu Âu, cơn ác mộng chính trị có tên gọi riêng. Ở nước Đức hiện tại, cái tên gọi ấy là đảng Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD). Màu sắc được đảng này chọn để làm biểu tượng bản sắc là màu xanh nước biển, khác biệt với màu xanh lá cây của đảng Xanh, màu đỏ của đảng Xã hội dân chủ (SPD) và đảng Cánh tả, màu vàng của đảng Dân chủ tự do (FDP) và màu đen của 2 đảng Liên minh dân chủ thiên chúa giáo (CDU) và Liên minh xã hội thiên chúa giáo (CSU).

AfD hiện đã trở thành cơn ác mộng chính trị thực sự đối với nước Đức bởi giành về 12,6% phiếu bầu trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 24/9 vừa qua, trở thành đảng lớn thứ 3 trong quốc hội Đức sau liên minh CDU/CSU và đảng SPD - ở ngay lần thứ 2 ra tranh cử quốc hội nước Đức.

AfD được thành lập vào tháng 2/2013 tập hợp những người Đức phản đối chính phủ Đức của Thủ tướng Angela Merkel trong chuyện đối phó với khủng hoảng tài chính, nợ công và giải cứu đồng Euro. Những người này có thái độ không thân thiện với EU, không muốn hợp tác và liên kết châu lục, muốn khôi phục lại đồng Deutsche Mark (DM).

Cũng trong năm ấy, AfD tham gia tranh cử quốc hội Đức lần đầu tiên nhưng chỉ đạt được kết quả bầu cử ở ngay dưới ngưỡng 5% do pháp luật quy định nên là đảng đối lập ngoài nghị viện. Lần bầu cử quốc hội này, AfD đạt luôn được kết quả bầu cử rất ấn tượng. Lần đầu tiên kể từ thập kỷ 50 của thế kỷ trước, trong quốc hội Đức lại hiện diện đảng còn hữu và bảo thủ hơn cả đảng CDU và CSU.


Dù tái đắc cử trở thành Thủ tướng Đức nhưng bà Merkel sẽ gặp nhiều thách thức trước sự trỗi dậy của đảng cực hữu AfD. Ảnh: Reuters

Dù tái đắc cử trở thành Thủ tướng Đức nhưng bà Merkel sẽ gặp nhiều thách thức trước sự trỗi dậy của đảng cực hữu AfD. Ảnh: Reuters

Cơn ác mộng chính trị dậy sóng chính trường Đức

Người Đức vốn ít hài hước nhưng giàu trí tưởng tượng chính trị nên rất hay chơi cuộc chơi pha trộn những màuu sắc trên quang phổ chính trị. Theo đó, AfD còn "đen" hơn cả CDU và CSU, ở phía bên phải của CDU và CSU - như đảng Xanh và đảng Cánh tả định hình dần ở phía bên trái của đảng SPD.

AfD được coi giống như đảng Mặt trận quốc gia ở Pháp hay phe cánh ủng hộ ông Donald Trump ở Mỹ, tức là cực hữu, dân tộc chủ nghĩa và dân tuý. Thắng cử vang dội vừa rồi của đảng này lại không liên quan chính đến lý do ra đời của nó mà liên quan đến chính sách của bà Merkel về giải quyết vấn đề người tỵ nạn.

Tâm lý chung của người Đức trước cuộc bầu cử quốc hội năm nay là muốn trừng phạt liên minh CDU/CSU và SPD của bà Merkel, tức là không muốn liên minh này tiếp tục cầm quyền, là mất lòng tin vào bà Merkel nên không còn ủng hộ đảng CDU và CSU như trước và lo ngại sâu sắc về an ninh, đặc biệt lo ngại về người tỵ nạn mà bà Merkel nhận về cho nước Đức, đe doạ an ninh và cuộc sống của họ, đồng thời lại cảm nhận là bà Merkel và phe cầm quyền không coi trọng và quan tâm thoả đáng đến lo ngại này của họ.

Rất nhiều cử tri Đức vốn luôn bỏ phiếu cho các đảng phái chính trị khác thì lần này bỏ phiếu cho đảng AfD, để phản đối các đảng kia hoặc vì tin rằng chỉ có đảng AfD mới thật sự giúp xua tan mọi lo ngại của họ. Đảng này giành về được kết quả như thế nhờ 3 bộ phận cử tri quan trọng là cử tri thật sự ủng hộ đảng, cử tri vốn vẫn bầu cho các đảng khác nhưng nay bỏ phiếu cho AfD và diện cử tri vốn không bao giờ đi bỏ phiếu thì lần này đi bỏ phiếu cho AfD.

Có khoảng một phần tư số cử tri Đức thường không tham gia bầu cử.

Đảng AfD trong thực chất là một sản phẩm của 12 năm cầm quyền của bà Merkel ở nước Đức. Tiềm năng cực hữu, cực đoan, dân tộc chủ nghĩa và dân tuý ở nước Đức luôn luôn có và không khi nào yếu.

Nhưng phải nhờ đến phong cách cầm quyền của bà Merkel luồn lách giữa các vấn đề, không dứt điểm giải quyết ngay mà cứ lần lữa theo khẩu hiệu "Chúng ta làm được" và nhờ những chính sách cầm quyền sai lầm, đặc biệt trong vấn đề người tỵ nạn của bà Merkel thì tiềm năng này mới hội tụ lại được thành đảng AfD và trở thành lực lượng chính trị xã hội có chính danh, có tổ chức và từ nay có cả quyền lực trong quốc hội.

AfD đưa lại bằng chứng mới nhất và khẳng định xu thế chính trị phát triển ở châu Âu là các đảng lớn tiếp tục suy yếu và sa sút, các đảng nhỏ ở ngoài rìa ngày càng lấn sân các đảng lớn ở trung tâm và các đảng cực đoan, dù là tả hay hữu, xâm lấn chính trường ngày càng nhiều.

Khi xưa, đảng Xanh và đảng Cánh tả cần nhiều nhiệm kỳ quốc hội, tức là phải trải qua nhiều lần bầu cử quốc hội, mới định vị chắc chắn được trên chính trường và trong xã hội. Đảng AfD hiện tại sẽ không khác, nhưng rõ ràng điều kiện chính trị xã hội nội bộ ở nước Đức và cả bên ngoài thuận lợi cho đảng này hơn nhiều so với cho hai đảng kia khi xưa.

Nước Đức là nơi mà cánh tả có truyền thống luôn gặp khó khăn thì bây giờ gặp phải thách thức lớn nhất từ phía cánh cực hữu. Chỉ cần đảng AfD từ nay bớt cực đoan và có khôn khéo chính trị, thực tế chứ không ảo tưởng, nhìn xa chứ không ngủ quên trong chiến thắng thì bà Merkel và những đảng phái lớn nhỏ khác ở nước Đức sẽ gặp nhiều khó khăn phức tạp trong nhiệm kỳ quốc hội này.

Theo Đại sứ trần Đức Mậu

Trí thức trẻ

Trở lên trên