MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bà Pelosi thăm Đài Loan vì chất bán dẫn?

03-08-2022 - 11:26 AM | Tài chính quốc tế

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (giữa) đến Đài Loan tối 2-8 - Ảnh: REUTERS

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (giữa) đến Đài Loan tối 2-8 - Ảnh: REUTERS

Báo Washington Post sáng 3-8 đưa tin Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi sẽ họp cùng ông Mark Liu, chủ tịch Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC).

Nội dung cuộc họp được cho sẽ tập trung vào Dự luật về chip và khoa học (CHIPS and Science Act), được Hạ viện Mỹ thông qua ngày 28-7, tức ngay trong giai đoạn căng thẳng ngoại giao Mỹ - Trung vì chuyến đi của bà Pelosi.

Dự luật về chip và khoa học là gói hỗ trợ 52 tỉ USD cho việc thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn nội địa Mỹ, cải thiện năng lực cạnh tranh với Trung Quốc. Dự luật này cũng đã qua ải Thượng viện với sự ủng hộ của lưỡng đảng và chờ Tổng thống Joe Biden ký thành luật trong tuần này.

Thông tin trên là một trong những sự kiện cụ thể hiếm hoi được ghi nhận trong chuyến đi của bà Pelosi tới Đài Loan, và rất có thể cũng chính là mục tiêu then chốt trong chuyến thăm Đài Loan lần này của chủ tịch Hạ viện Mỹ. 

Số phận "công ty quan trọng nhất hành tinh"

Tối 2-8, chuyến bay chở bà Pelosi đã hạ cánh tại Đài Loan. Sự kiện này khiến căng thẳng Mỹ - Trung leo thang. Bắc Kinh xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không tách rời của Trung Quốc và nhìn nhận chuyến thăm của chủ tịch Hạ viện Mỹ như động thái khiêu khích, không tôn trọng nguyên tắc "Một Trung Quốc".

Chất bán dẫn (semiconductor) là vật liệu quan trọng trong sản xuất chip điện tử, thành phần không thể thiếu trong thời đại này.

Đài Loan, với TSMC là ngọn cờ đầu, hiện nay đang thống trị ngành sản xuất chất bán dẫn. Các số liệu thống kê gần đây cho thấy vùng lãnh thổ này chiếm từ 55-60% thị phần sản xuất bán dẫn toàn cầu.

Tính trong số các nhà sản xuất bán dẫn theo hợp đồng, TSMC là công ty sản xuất lớn nhất thế giới và khách hàng của họ là những thương hiệu hàng đầu như Qualcomm, Nvidia, Apple…

Sản xuất theo hợp đồng nghĩa là TSMC sẽ chịu trách nhiệm sản xuất chất bán dẫn hoặc chip điện tử theo thiết kế đặt hàng của các công ty khác.

Điều này đồng nghĩa kể cả khi một công ty như Nvidia được gọi là "công ty sản xuất chip", bản thân Nvidia cũng chỉ thiết kế và phải sử dụng chất bán dẫn do TSMC sản xuất theo dạng thuê ngoài (outsource).

Về lượng, trong nhiều năm qua các công ty công nghệ Trung Quốc đã được khuyến khích chú trọng ngành bán dẫn và doanh số đã vượt mặt Đài Loan. Nhưng xét về chất, TSMC chiếm tới 90% thị phần trong phân khúc sản xuất bán dẫn tiên tiến nhất.

Nói cách khác, công nghệ bán dẫn của TSMC và Đài Loan nói chung vẫn vượt xa phần còn lại, khiến họ trở thành đối tượng không thể thay thế. Quan trọng hơn, việc nắm công nghệ tối tân cũng giúp Đài Loan đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vì lý do trên, trang tin Asia Financial năm 2021 từng dẫn lời ông Scott Kennedy, chuyên gia về Trung Quốc và chất bán dẫn tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), trụ sở ở Washington (Mỹ), nhận xét rằng TSMC "có khả năng là công ty quan trọng nhất hành tinh này".

Bà Pelosi thăm Đài Loan vì chất bán dẫn? - Ảnh 1.

Nhà máy TSMC ở Đài Loan - Ảnh: CNA

TSMC giữa cạnh tranh Mỹ - Trung 

Như đã nói, lâu nay các công ty công nghệ Mỹ đều sản xuất chip điện tử dựa trên vật liệu bán dẫn của Đài Loan và các nước khác. Các công ty này, tiêu biểu như Nvidia của Mỹ, được gọi là "fabless", tức chỉ phát triển nhờ thiết kế sáng tạo thay vì tự sản xuất khép kín.

Cách sản xuất kiểu "thuê ngoài" này giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và đồng thời đảm bảo lợi nhuận lớn hơn nhiều so với việc đầu tư tự sản xuất bán dẫn.

Nhưng trong Dự luật về chip và khoa học, tới đây Chính phủ Mỹ mong muốn các công ty Mỹ phải sản xuất chip nội địa.

Cho đến nay, có tới 75% chất bán dẫn được sản xuất tại Đông Á. Một số quốc gia đang nổi lên trong lĩnh vực này ở châu Âu là Đức và Hà Lan. Về lý thuyết, việc nội địa hóa sẽ giúp Mỹ bớt lệ thuộc, hỗ trợ phát triển bền vững trong công nghệ, bảo đảm chuỗi cung ứng, tạo ra việc làm…

Nhưng một động lực quan trọng khác cho đạo luật mới này có thể nằm ở chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc. Theo Bloomberg, dự luật trên bao gồm việc các công ty nhận tài trợ phải cam kết không tăng cường sản xuất chip tiên tiến ở Trung Quốc.

Nguy cơ xung đột Mỹ - Trung hoặc xung đột hai bờ eo biển Đài Loan khiến các công ty như TSMC rơi vào thế kẹt và cân nhắc chuyển sản xuất sang Mỹ và Nhật Bản.

Trong cuộc phỏng vấn với CNN tuần này, chủ tịch Mark Liu của TSMC nói rằng xung đột có thể khiến các nhà máy của TSMC ở Đài Loan "không thể vận hành" và chiến tranh nổ ra thì tất cả cùng bất lợi.

Theo Reuters, TSMC đã khởi công nhà máy trị giá 12 tỉ USD ở Arizona (Mỹ) giữa năm 2021 và có thể mở thêm 5 xưởng sản xuất nữa. Tương tự, TSMC cũng có dự án 7 tỉ USD ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, nếu Mỹ mong muốn đưa công ty Đài Loan tới sản xuất trên đất Mỹ, đây chưa hẳn là chuyện dễ dàng.

Chủ tịch Liu của TSMC nói: "Trung Quốc chiếm khoảng 10% kinh doanh của chúng tôi… Nếu họ cần chúng tôi, đó không phải điều gì tồi tệ cả. Không ai trong giới doanh nghiệp muốn thấy chiến tranh xảy ra… Chiến tranh chỉ có thể mang tới rắc rối cho cả ba phía. Chúng tôi cần chuẩn bị cho điều tệ nhất, nhưng cũng nên hy vọng điều tốt đẹp nhất".

Giáo sư chính trị tại ĐH Quốc gia Singapore, ông Alfred Wu, nói rằng dù sao thì quan hệ kinh tế vẫn sẽ là một trong những sợi dây cuối cùng kết nối Đài Loan và đại lục.

Còn tạp chí Fortune trong bài viết ngày 2-8 cho rằng giới doanh nghiệp Đài Loan phải rất cẩn trọng, quan sát quan hệ Mỹ - Trung.

Theo Nhật Đăng

Tuổi Trẻ

Trở lên trên