MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bà Thái Hương: "Chấp nhận thử thách không phải để bước lên bục vinh quang"

Đầu tư vào nông sản, thực phẩm sạch đang gặp rất nhiều thách thức lớn mà trước hết đó là những rào cản minh bạch và thiếu những chính sách khuyến khích doanh nghiệp.

Rót vốn tới hàng trăm tỷ đồng để hình thành chuỗi liên kết chăn nuôi - chế biến các sản phẩm sữa, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH cho biết dự án đầu tư này được bắt nguồn từ chính sự kiện sữa nhiễm melamine ở Trung Quốc, làm cho hàng triệu người bị ảnh hưởng sức khỏe.

"Chúng tôi chấp nhận thử thách không phải bước lên bục vinh quang mà mang lại giá trị sống đích thực. Cuộc cách mạng phải đến từ toàn xã hội, với sự kiện sữa nhiễm melamine, tôi đã họp ngay hội đồng và nói "hãy làm sữa đi" - Bà Thái Hương chia sẻ tại diễn đàn "Đón sóng thực phẩm sạch" do báo điện tử Trí Thức Trẻ, Soha.vn phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược (Bộ NN&PTNT) tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Tại Việt Nam, theo bà Thái Hương thời điểm đó có tới 92% sữa Việt Nam nhập khẩu sữa bột từ Trung Quốc về pha lại, nhưng được ghi là sữa tươi. Do đó, vị doanh nhân xây dựng nên thương hiệu sữa TH True Milk đã gửi đơn là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cả Bộ Công an để "đòi" hai chữ minh bạch.

Doanh nghiệp mòn mỏi đòi hai chữ "minh bạch"

"Tôi cũng đòi hỏi sản phẩm sữa của mình phải minh bạch trong chính bao bì sản phẩm, phải ghi rõ thế nào là thanh trùng, tiệt trùng, sữa tươi, sữa tiệt trùng, thành phần như thế nào cần phải ghi rõ. Chúng tôi đã không mệt mỏi, tham vấn và thảo luận rất nhiều với các cơ quan chức năng. Do đó, cần phải sớm đưa ra quy chuẩn sữa và không thể chậm trễ hơn nữa" - bà Thái Hương đề nghị.

Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vấn đề an toàn thực phẩm và minh bạch đối với các sản phẩm thực phẩm sạch đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Bên cạnh các văn bản được Quốc hội, Chính phủ ban hành, nhiều đợt xử lý cao điểm tập trung vào các vấn đề như vi phạm chất cấm trong chăn nuôi và đã phát hiện nhiều trường hợp.

Theo đó, năm 2016 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phát động đây là năm hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm, với ba trọng tâm chính:

Thứ nhất tiếp tục thanh kiểm tra xử lý vi phạm về sử dụng chất lượng vật tư đầu vào cung ứng theo doanh mục và quy định, lạm dụng hóa chất kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi, đặc biệt trong lĩnh vực trồng trọt kiểm soát chất lượng phân bón, thuốc trừ sâu và các vấn đề khác.

Theo đó, thực hiện trọng tâm này Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp Bộ Công an thanh kiểm tra và xử lý vi phạm và lạm dụng chất lượng vật tư đầu vào, hiện tập trung vào vùng nuôi tôm Đồng bằng sông Cửu Long.

Có chính sách khuyến khích vào nông nghiệp

Thứ hai, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng sẽ chỉ đạo các địa phương tập trung xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn. Thứ trưởng cho biết, hiện Bộ được giao quản lý 19 chuỗi sản phẩm trong nông nghiệp, quản lý đầu vào, quy trình sản xuất và sản phẩm đầu ra.

Thứ ba, sẽ kết nối sản phẩm nông sản an toàn có xác nhận của cơ quan nhà nước đến người tiêu dùng, kết nối giữa DN làm ăn chân chính với người tiêu dùng. Theo Thứ trưởng, mặc dù có nhiều địa phương sản xuất, DN làm ăn chân chính, sản xuất sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng nhưng có những sản phẩm không biết bán ở đâu và người tiêu dùng không biết bán sản phẩm ở chỗ nào nên việc kết nối sản phẩm an toàn sẽ được đẩy mạnh.

Đồng tình với quan điểm cần công khai, minh bạch về sản phẩm, Thứ trưởng Tám cho rằng thời gian tới sẽ tăng cường thông tin tuyên truyền công khai minh bạch. Đồng thời, kết nối những hoạt động chính sách với người tiêu dùng, trao đổi thẳng thắn với người tiêu dùng.

Còn theo bà Thái Hương, để minh bạch về sản phẩm thì cần rõ ràng và minh bạch trong ba khâu gồm: Giống; phân và quy trình trồng trọt; chế biến và bảo quản. Dẫn chứng từ hiện trạng phân bón giả hiện nay được nhập từ Trung Quốc, có giá rẻ nhưng chất lượng sản phẩm không đảm bảo và cũng chưa rõ về định tính định lượng sản phẩm.

Bên cạnh sự minh bạch, bà Thái Hương cũng cho rằng chính sách đầu tư vào nông nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều rào cản, chưa thực sự khuyến khích cho DN đầu tư. Theo đó, bà THái Hương đề nghị có những chính sách thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp, để DN đi đầu trong đầu tư và từ đó dẫn dắt và đưa nông dân vào chuỗi sản xuất.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên