Bà Thái Hương: "Ly sữa học đường muốn thành công thì chất lượng phải đặt lên hàng đầu"
Ngay khi triển khai Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi bằng trái tim và tấm lòng người mẹ làm nên thương hiệu sữa TH true MILK, bà Thái Hương bắt tay vào khởi xướng Chương trình Sữa học đường với những căn cứ thuyết phục nhất ở cả thế giới và căn cứ pháp lý ở Việt Nam.
- 13-09-2018Bà Thái Hương: Tôi mang sang Nga 3 giá trị "nghiêm túc, chân chính và kiêu hãnh”
- 08-09-2018TH true MILK khởi công nhà máy sản xuất sữa tại Kaluga: Lời khẳng định cho con mắt nhạy bén và tinh thần thép của bà Thái Hương
- 29-08-2018Doanh nhân Thái Hương và cuộc cách mạng về sữa học đường
Chúng tôi đã có may mắn được ngồi cùng nữ doanh nhân quyền lực của ngành sữa ngay sau khi TH nhận giải thưởng Dự án CSR truyền cảm hứng của WeChoice Awards 2018 cho việc khởi xướng Chương trình Sữa học đường. Và ngay lập tức, chúng tôi hiểu rằng vì sao mọi bước đi của TH đều thành công và tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ.
Ngay từ những câu nói, cho đến sự nhiệt thành, nỗi lo lắng chất chứa trong từng chia sẻ của bà, chúng tôi đã cảm nhận được tình yêu và sự quan tâm chân thành của bà Thái Hương tới nguồn dinh dưỡng học đường dành cho trẻ nhỏ sâu sắc đến nhường nào.
Bà Thái Hương - Nhà sáng lập và tư vấn đầu tư Tập đoàn TH.
- Điều gì thôi thúc bà bắt tay vào khởi xướng Chương trình Sữa học đường?
Rất dễ để nói ra điều thôi thúc tôi làm sữa. Đó là từ sự cố melamine năm 2008 tại Trung Quốc khiến cho hàng triệu trẻ em mắc bệnh sạn thận. Sữa Việt Nam khi đó 92% là sữa nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc về, có những nơi còn kinh doanh bằng sữa cân, sữa ký, nhiều hãng lớn vẫn sử dụng sữa bột pha lại, trong khi sữa tươi đúng quy chuẩn mới là tốt nhất.
Còn điều thôi thúc tôi bắt tay làm sữa học đường xuất phát từ các cơ sở khoa học và thực tiễn. Về cơ sở khoa học: khoa học đã chứng minh lứa tuổi vàng của một đời người, nền tảng để nâng cao sức bật về thể chất - mà chủ yếu là chiều cao - 86% được phát triển trong độ tuổi mẫu giáo và tiểu học - từ 2 đến 12 tuổi (là lứa tuổi tiếp nối giai đoạn một ngàn ngày vàng đầu đời từ trong bụng mẹ 0 đến 2 tuổi)
Cơ sở thực tiễn thì rất rõ ràng: Đất nước Nhật Bản ngay sau khi kết thúc chiến tranh, đứng trước muôn vàn khó khăn, nhưng với tầm nhìn xa về nguồn lực cho đất nước, họ đã ban hành ngay Luật sữa học đường. Chỉ sau mấy chục năm đã không còn hình ảnh người Nhật thấp bé mà hay gọi là "Nhật lùn", khi mà chiều cao trung bình của nam thanh niên Nhật Bản hiện nay đã lên đến mức 171,5cm. Và rất nhiều nước trên thế giới đều có Chương trình Sữa học đường cho lứa tuổi vàng này. Đứng trước thực trạng vấn nạn an toàn thực phẩm, đất nước chúng ta được xếp vào nhóm có tỷ lệ tăng trưởng ung thư cao nhất thế giới, và chiều cao thì từ năm 1993 đến nay chỉ tăng được 3 cm, chiều cao nam thanh niên Việt Nam hiện nay chỉ đạt 163,7cm, thấp hơn 13,1cm so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và chiều cao trung bình của nữ Việt Nam là 153cm, thấp hơn 10,7cm so với chuẩn
Từ cơ sở khoa học và thực tế, tôi khởi xướng Chương trình và đưa ra nhiều đề xuất để trẻ em thực sự được uống sữa tươi học đường đúng chuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm, giúp phát triển tầm vóc, thể lực. Đề xuất của tôi đã được Chính phủ lắng nghe. Khung chính sách về Sữa học đường đã được cụ thể hóa bằng Quyết định 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sữa học đường Quốc gia.
Bà Thái Hương khởi xướng Chương trình Sữa học đường
- Điều gì khiến bà tin tưởng sự thực tiễn của chương trình này để quyết tâm dồn toàn bộ tâm trí và sự quyết tâm để thực hiện sữa học đường?
Tới thời điểm này, theo Bộ NNPTNT cả nước đã có thể sản xuất gần 1 tỷ lít sữa tươi. Theo tính toán của tôi, nếu toàn bộ trẻ em lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học trong cả nước uống sữa học đường thì cũng chỉ cần tới hơn 400 triệu lít sữa tươi/năm. Ngành sữa phát triển nhanh, số lượng đàn bò sữa cũng tăng mạnh. Sữa tươi không thiếu nhưng tiêu chuẩn sữa thô như thế nào và chế biến sữa như thế nào để phù hợp với con trẻ thì cần có nghiên cứu, cần có tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng. Hiện Bộ NNPTNT đã ban hành thông tư 29 về tiêu chuẩn sữa thô, Bộ Y tế ban hành Quyết định 5450/QĐ-BYT quy định tạm thời về tiêu chuẩn sữa học đường, tôi tin tưởng rằng đây sẽ là cơ sở để giúp con trẻ có được ly sữa tốt nhất.
Bản thân người mẹ luôn mong muốn con mình có được những điều tốt nhất. Thế nhưng vấn nạn về mất an toàn thực phẩm đang ngày càng gia tăng. Chúng ta chưa giải quyết được vấn nạn này cho tất cả, thì cần làm cho con trẻ trước đã. Chúng ta không thể thờ ơ trước những con số thống kê về nước ta: Tỷ lệ mắc ung thư cao nhất thế giới, chiều cao lại thấp nhất khu vực. Nếu trẻ được uống sữa học đường đúng chuẩn sẽ giải quyết được cả 2 vấn đề trên.
- Bà luôn đấu tranh để sữa học đường phải là loại sữa tươi đúng tiêu chuẩn, vì sao lại là sữa tươi, thưa bà?
Bởi vì trên thị trường còn nhiều loại sữa khác nhập nhèm về chất lượng. Tại sao tôi nhấn mạnh sữa học đường là sữa tươi nguyên chất, không phải là sữa bột pha lại bởi có căn cứ khoa học:
- Một ly sữa tươi theo khoa học đã chứng minh có hơn 18 axit amin, trong đó đầy đủ 9 axit amin thiết yếu cùng nhiều dưỡng chất quan trọng, bao gồm nhóm chất đạm, chất béo, chất bột đường, các vitamin và khoáng chất.
- Một ly sữa bột cũng là từ sữa tươi, nhưng đã được sử dụng công nghệ sấy phun làm bay hơi nước giữ lại các chất khô trong sữa. Công nghệ dùng nhiệt bay hơi nước nên đương nhiên các vi chất không chịu được nhiệt như các vitamin, acid amin cũng bị biến chất hoặc phá hủy.
Loại sữa dạng lỏng pha lại từ sữa bột chỉ là để đánh vào lòng tin của người tiêu dùng rằng đó cũng là một dạng sữa tươi vì sữa tươi tốt hơn sữa bột. Chính vì thế, đã có sự nhập nhèm khái niệm mấy chục năm qua dưới tên gọi là "sữa tiệt trùng" trong khi tiệt trùng chỉ là biện pháp công nghệ.
Bà Thái Hương triển khai Sữa học đường với tất cả lòng nhiệt huyết, truyền tải khát vọng trẻ em dù ở thành thị hay nông thôn, vùng sâu vùng xa - cũng đều được uống một ly sữa ngon lành, đủ chất và tươi sạch.
- Nhìn lại hành trình của mình, điều gì khiến bà tự hào nhất là mình và TH đã làm được?
Điều tự hào nhất là chúng tôi đã làm được một ly sữa học đường minh bạch, mở ra cuộc cách mạng về dinh dưỡng học đường. Tôi nghĩ, ly sữa học đường muốn thành công thì chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Chúng tôi đã đấu tranh để minh bạch về các tiêu chí mô tả về chất lượng sản phẩm ly sữa học đường; đấu tranh để minh bạch khi lựa chọn nhà cung cấp (đấu thầu hay là dựa vào tiêu chí để chỉ định là tùy thuộc vào từng địa phương; thực sự không phải là vấn đề, mà là tính minh bạch khi chọn nhà cung cấp có bảo đảm năng lực để cung cấp ly sữa học đường như đã quy định hay không) hay lại làm sân cho tổ nhóm trục lợi mà lại ngụy biện là lợi ích cho con trẻ từ đồng vốn ngân sách quý báu.
Về minh bạch chất lượng sản phẩm sữa, tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, để có một ly sữa tươi đúng nghĩa đầy đủ, cần bảo đảm các chỉ số đã được mô tả, nhưng quan trọng bậc nhất vẫn là quy trình sản xuất. Để dễ hiểu tôi sẽ mô tả thế nào là ly sữa tươi đúng quy chuẩn: cô bò này được ăn khẩu phần như thế nào để khi cho sữa bảo đảm được những vi chất tốt nhất, khi chăm sóc, thú y có quy trình ra sao, có tuân thủ quy trình để khi vắt sữa không tồn dư những kháng sinh mà quy định không được tồn dư không, mủ máu không lẫn lộn, vùng tiểu khí hậu không xâm nhập,...Có quy trình sản xuất sạch mới có ly sữa tươi sạch, như vậy trẻ mới được thụ hưởng ly sữa tươi học đường đúng nghĩa.
Tôi cũng tự hào với đề xuất "người mẹ xã hội" nhấn mạnh về tạo nguồn lực về tài chính: trong quá trình khởi động chương trình Sữa học đường Quốc gia, qua khảo sát, tôi thấy rằng 90% người mẹ đang bỏ tiền cho con mình uống sữa hàng ngày, 10% còn lại thì có 4 - 5% chỉ đáp ứng được một nửa, còn 5 - 6% là người mẹ hoàn toàn không đủ khả năng mua sữa cho con. Chính vì thế, chúng tôi đã đưa ra đề án về tài chính "bà mẹ xã hội": gồm vốn ngân sách, các nhà hảo tâm, các bà mẹ có điều kiện,… để giúp cho 10% nói trên.
Chúng tôi đang triển khai Chương trình Sữa học đường tại Nghệ An. Nghệ An là một tỉnh nghèo đã làm được điều này rất tốt, thì tôi cho rằng các tỉnh khác cũng làm được điều này, khi chúng ta truyền tải đúng ý nghĩa Chương trình Sữa học đường và minh bạch rõ ràng thì không có gì là không thể, nếu như điều mong muốn của chúng ta là chính đáng.
- Bà có thể chia sẻ thêm về mô hình Sữa học đường mà TH đang triển khai rất thành công ở Nghệ An?
Nghệ An thành công là bởi tôi là người con quê hương, tôi nghiên cứu rõ ràng về mảnh đất này. Trang trại của TH cũng ở đó, thế nên những người mẹ hiểu ngay chất lượng ly sữa con mình sẽ được uống, nên số lượng đăng ký tham gia Chương trình Sữa học đường rất lớn. Năm học 2017-2018, số lượng đăng ký lên tới hơn 70% cho dù tỉnh Nghệ An có địa lý trải dài với nhiều huyện vùng sâu vùng xa. Ly sữa học đường muốn thành công, thì chất lượng phải đặt lên hàng đầu chứ không phải giá cả.
Hiện tại, chương trình vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Tôi tin rằng, khi những người mẹ trang bị nhận thức tốt về ly sữa học đường đúng tiêu chuẩn thì sẽ có lựa chọn đúng đắn dòng sữa sẽ giúp con của họ phát triển tầm vóc, thể lực và trí tuệ trong tương lai.
- Cảm ơn bà về buổi trò chuyện này.
Thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) là cách các doanh nghiệp lớn hành động nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng. Năm nay, với thông điệp "Mặt trời ẩn trong tim", WeChoice 2018 tôn vinh những dự án CSR có ảnh hưởng tích cực cho xã hội để tiếp tục lan tỏa những hành động tốt đẹp và niềm cảm hứng từ mặt trời đến với nhiều người hơn. Trong khuôn khổ Gala WeChoice diễn ra vào 5/1/2019, giải thưởng "Dự án CSR truyền cảm hứng" trân trọng trao cho dự án Sữa Học Đường - Vì Tầm Vóc Việt khởi xướng bởi Tập đoàn TH. Tập đoàn TH là doanh nghiệp sữa đầu tiên đã có nghiên cứu lâm sàng về sữa học đường, xây dựng tiêu chuẩn sữa học đường và đã thành công trong nghiên cứu này. TH cũng là đơn vị khởi xướng Chương trình Sữa học đường, dẵn dắt các doanh nghiệp tham gia Chương trình cần tuân thủ tiêu chuẩn sữa học đường quốc gia. Mô hình sữa học đường đã được TH triển khai thành công ở Nghệ An góp phần làm giảm nhanh tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, nhẹ cân, thấp còi. Bên cạnh ly sữa quy chuẩn, TH phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An triển khai chính sách hỗ trợ giá sữa 100% cho trẻ em nghèo, 50% cho trẻ em cận nghèo và 30% cho các trẻ em còn lại.
Cùng với việc triển khai Chương trình trong trường học, trong vòng hơn 8 năm qua, tập đoàn TH đã tặng hơn 25 triệu ly sữa tươi cho học sinh 49 tỉnh, thành phố phía Bắc và phía Nam. Đây là con số ấn tượng mà TH đã nỗ lực nhằm chung tay phát triển thể lực, trí lực của trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam, hướng đến mục tiêu nâng tầm vóc Việt trong tương lai.
Trí thức trẻ