Ba tỷ phú USD Việt Nam đều sở hữu các dự án đình đám
Ba doanh nhân "quyền lực" là Phạm Nhật Vượng, Trịnh Văn Quyết và Bùi Thành Nhơn là những vị tỷ phú USD Việt Nam nắm trong tay hàng loạt đất vàng cùng nhiều dự án đình đám.
Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang sở hữu quỹ đất khổng lồ, với số lượng căn hộ, biệt thự lên tới hàng chục ngàn căn. Tập đoàn FLC của doanh nhân Trịnh Văn Quyết tiên phong trên thị trường bất động sản du lịch - giải trí - nghỉ dưỡng với hàng loạt quần thể dự án nghỉ dưỡng đình đám tại các địa phương từ Bắc chí Nam. Tập đoàn Novaland của ông Bùi Thành Nhơn nắm giữ 40 dự án với tổng quỹ đất khoảng 9,8 triệu m2.
Dấu ấn tiên phong
Là nhà phát triển bất động sản có hoạt động toàn diện trên thị trường từ nhà ở cao cấp tới bất động sản thương mại, bất động sản nghỉ dưỡng, Tập đoàn Vingroup đang giữ vị trí thống lĩnh trên thị trường bất động sản nhà ở phân khúc cao cấp với số lượng căn hộ khổng lồ khó có doanh nghiệp nào sánh kịp.
Vị trí thống lĩnh này của Vingroup càng được “củng cố” khi mới đây Tập đoàn này gây chấn động thị trường sau công bố từ năm 2017 sẽ bắt tay vào làm nhà giá rẻ với số lượng lên tới 30 vạn căn hộ ở 7 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Điểm tối ưu ở các dự án của Vingroup đó là mô hình khu đô thị khép kín với hạ tầng tiện ích và dịch vụ đồng bộ, gồm: giáo dục, y tế, thể thao, văn hóa, mua sắm, vui chơi giải trí, cảnh quan…Các khu đô thị của Tập đoàn này đã tiên phong làm thay đổi diện mạo đô thị Việt Nam.
Trong khi đó, Tập đoàn FLC của tỷ phú 7X Trịnh Văn Quyết được biết tới như nhà phát triển bất động sản tiên phong khai phá những tiềm năng còn ẩn dấu của các vùng biển đẹp ở Việt Nam nhưng chưa được khai thác xứng tầm. Nói cách khác, Tập đoàn này đã “đánh thức tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng”, tạo ra những điểm du lịch mới hấp dẫn và thành công ở mô hình mới mẻ này. Hiện FLC đã đổ hàng chục ngàn tỷ đồng kiến tạo các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, được đánh giá làm thayđổi hoàn toàn diện mạo du lịch trong vùng như FLC Sầm Sơn (Thanh Hoá), FLC Quy Nhơn (Bình Định), FLC Hạ Long (Quảng Ninh), FLC Vĩnh Thịnh Resort.
Mới đây nhất, ngày 27/12/2016, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, FLC đã ký kết cam kết đầu tư thêm 1,1 tỷ USD để triển khai giai đoạn 2 của dự án FLC Vĩnh Thịnh, là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại tỉnh này. “Bản đồ” resort mang thương hiệu FLC còn có FLC Quảng Bình và FLC Đồ Sơn cũng đang được gấp rút triển khai. Đến nay tổng diện tích các dự án nghỉ dưỡng của FLC đạt xấp xỉ 5.000 ha, với tổng mức đầu tư xấp xỉ 4 tỷ USD.
Không chỉ tạo dựng các khu nghỉ dưỡng hoành tráng, đồ sộ, FLC còn tạo ra các giá trị nội dung, đem tới sức hút mới cho du lịch địa phương. Hệ thống sân golf của FLC tại các khu nghỉ dưỡng này rất được yêu thích và trở thành tâm điểm thu hút khách du lịch cũng như các giải đấu thượng hạng của môn thể thao quý tộc này.
Tập đoàn Novaland của ông Bùi Thành Nhơn nổi bật trong hai năm trở lại đây với hoạt động “thâu tóm” các quỹ đất vàng khan hiếm khu vực nội đô và các khu đô thị trung tâm vùng đang phát triển như quận 7 và quận 2, TP.HCM. Hiện Novaland đang sở hữu 40 dự án bất động sản, trong đó có 30 dự án đang triển khai và 10 dự án đang hoàn thiện pháp lý và các điều kiện khác.
Và những điểm khác biệt
Ông Bùi Thành Nhơn, 57 tuổi được biết tới là một doanh nhân khá kín tiếng. Ông Nhơn là cử nhân ngành chăn nuôi thú y và cử nhân quản trị kinh doanh cao cấp HSB Tuck School of Business tại Đức. Ông Nhơn từng công tác tại Phòng Nông nghiệp UBND huyện Nhà Bè và Công ty Vật tư Chăn nuôi Thú y cấp I, TP.HCM, sau đó khởi nghiệp kinh doanh thuốc thu ý và mới chỉ bước vào thị trường bất động sản từ năm 2007.
Ông Nhơn hiện đứng thứ 4 trên sàn chứng khoán về mức độ giàu có, sau ông Phạm Nhật Vượng, ông Trịnh Văn Quyết và ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát HPG).
Ông Phạm Nhật Vượng, 48 tuổi, hiện sở hữu hơn 724 triệu cổ phiếu Vingroup, trị giá khoảng 1,3 tỷ USD cũng là một doanh nhân kín tiếng.
Ông Trịnh Văn Quyết, 41 tuổi, trẻ tuổi nhất trong 3 tỷ phú. Tính tới thời điểm cuối năm 2016, trị giá cổ phiếu các công ty mà ông Quyết sở hữu đạt khoảng 1,5 tỷ USD.
Trong lĩnh vực golf, ông Quyết được truyền thông châu Á gọi là “Mr Golf” và được Giải thưởng golf châu Á bình chọn là một trong những người “có quyền lực nhất” và “tầm nhìn tốt nhất” khu vực.
Khác với hai vị doanh nhân kín tiếng kể trên, ông Quyết là “hiện tượng” của thị trường bất động sản và chứng khoán (theo cách gọi của Tạp chí Forbes). Khởi nghiệp từ vai trò một luật sư rẽ ngang sang bất động sản, câu chuyện kinh doanh và con đường thành công của ông Quyết là đề tài tranh luận khá sôi nổi trên các diễn đàn và mạng xã hội cũng như truyền thông.
Ông Quyết được biết tới với nhiều “phát ngôn” gây sốc như tiêu chí “5 Không” (không xin, không mua lại, không làm chung, không làm nhỏ và không làm lâu) khi đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng. Trong đó, từ không làm lâu, FLC đã tạo nên những kỷ lục thế giới về tiến độ thi công như 9 tháng thi công xong quần thể FLC Sầm Sơn, 5 tháng thi công xong sân golf FLC Quy Nhơn…
Mới trở thành người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng ông Quyết cho biết không quan tâm nhiều lắm đến điều này mà tập trung để công ty của ông trở thành nhà phát triển bất động sản nghỉ dưỡng hàng đầu tại Việt Nam, phù hợp với xu thế ưu tiên phát triển ngành công nghiệp du lịch của đất nước những năm tới.
3 tỷ phú USD của Việt Nam đều là tỷ phú tự thân, đi lên từ số 0. Ngoài tài sản, danh tiếng của 3 tỷ phú này ngày càng được nâng cao khi có những đóng góp thiết thực làm thay đổi diện mạo đô thị, khơi dậy tiềm năng du lịch, tạo ra hàng vạn việc làm cho người dân trong vùng dự án. Cả 3 đều đang rất được truyền thông trong nước và quốc tế chú ý và cả 3 đều có điểm chung là rất hiếu thuận với cha mẹ và có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/12/2016, tổng tài sản của ông Trịnh Văn Quyết đạt 33.806 tỷ đồng, dẫn đầu bảng xếp hạng người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong khi đó, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC) - người từng nắm giữ ngôi vị số 1 lâu nhất - về đích ở vị trí số hai. Tổng tài sản của ông Vượng tại ngày 30/12 là 30.410 tỷ đồng.
Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT của Novaland vừa niêm yết cổ phiếu NVL hai ngày trước đó đã leo lên vị trí thứ 4 với tổng giá trị tài sản lên tới 7.584 tỷ đồng.
Theo thống kê, tổng tài sản của 500 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam là hơn 167.483 tỷ đồng, trong đó, chỉ riêng 3 đại gia bất động sản kể trên đã chiếm tới 42,87% tổng khối tài sản khổng lồ đó.
Báo Ngày nay