MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bạc Liêu khát vọng ngành công nghiệp tôm

26-03-2018 - 07:37 AM | Thị trường

Vài năm trở về trước, ở tỉnh Bạc Liêu nếu nói nuôi tôm để trở thành ngành công nghiệp sẽ bị cho là điên rồ, song hiện ngành công nghiệp này đang dần hình thành và địa phương quyết tâm biến điều đó thành hiện thực.

Đầu năm 2018, tại vùng đất ven biển Bạc Liêu (xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự lễ khởi công "Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu". Dự án này có quy mô gần 419 ha, tổng vốn đầu tư 3.217 tỉ đồng, lớn nhất Đông Nam Á. Đây cũng được xem là bước đặt nền móng cho khát vọng đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp của ngành tôm cả nước.

Mở hướng đi mới

Trước đó, người thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong nhà kính đầu tiên ở Việt Nam là ông Đinh Vũ Hải (ngụ ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu). Mô hình này ra đời trong bối cảnh tôm nuôi của người dân ở các tỉnh ven biển trong khu vực ĐBSCL bị thiệt hại nặng nề vì dịch bệnh lây lan trên diện rộng. 

Trong lúc các ngành chức năng quá khó khăn trong việc xác định nguyên nhân tôm chết, ông Hải đã tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi để tự cứu mình. Ông sang tận Thái Lan để tham quan, học tập mô hình nuôi tôm trong nhà kính của Tập đoàn C.P. Qua đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, ông Hải cùng gia đình đã áp dụng thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà kính tại Bạc Liêu với năng suất mỗi vụ từ 60-90 tấn/ha. "Do tôm nuôi mau lớn, thời gian nuôi ngắn nên một năm có thể nuôi từ 3-4 vụ, đạt tổng sản lượng trên 200 tấn/ha/năm" - ông Hải cho biết.

Tiếp sau đó, nhiều doanh nghiệp (DN) rầm rộ triển khai hàng loạt mô hình nuôi tôm trong nhà kính ở Bạc Liêu. Điển hình là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính của Tập đoàn Việt - Úc với 2 khu sản xuất phức hợp được đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng trên diện tích hơn 500 ha tại xã Hiệp Thành (TP Bạc Liêu) và Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình). Đây là mô hình sản xuất khép kín từ khâu sản xuất con giống, nhà máy chế biến thức ăn, quản lý nuôi cho đến chế biến hàng xuất khẩu và trở thành dự án nuôi tôm sạch lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay.

Ưu điểm của mô hình này là không chỉ làm thay đổi cách nuôi truyền thống, cho sản lượng tăng thêm từ 10-15 lần mà còn mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi tôm ở Bạc Liêu.

Bạc Liêu khát vọng ngành công nghiệp tôm - Ảnh 1.

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính ở Bạc Liêu

Bảo vệ môi trường để nuôi tôm

Từ hiệu quả của các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, lãnh đạo tỉnh cùng các bộ, ngành trung ương và Chính phủ đặt kỳ vọng biến Bạc Liêu thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước, đưa Việt Nam trở thành thủ phủ tôm của thế giới.

Thể hiện quyết tâm cho mục tiêu to lớn này, tỉnh đã kiến nghị và được Chính phủ chấp thuận bỏ nhà máy điện than để phát triển điện năng lượng tái tạo. Mục đích là tạo môi trường sạch để nuôi tôm công nghệ cao. Hiện các dự án điện gió, điện mặt trời và nuôi tôm công nghệ cao đã trở thành những lĩnh vực được nhà đầu tư quan tâm nhất trong năm qua ở Bạc Liêu, có vốn đăng ký đầu tư gấp chục lần năm trước đó.

Cụ thể, các nhà đầu tư đã đăng ký vốn gần 100.000 tỉ đồng vào điện gió và đã khởi công 2 nhà máy có tổng công suất 172 MW vào ngày 30-1. Bên cạnh đó, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm vừa khởi công đã có 20 DN đăng ký đầu tư nhưng tỉnh này mới chọn 7 DN đủ tiềm lực.

Khi hình thành, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm sẽ có hơn 100 mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ở hộ gia đình do các DN triển khai. Ở đó, trong ao nuôi tôm có một con chip kiểm soát 16 chỉ tiêu môi trường và sức khỏe của tôm. Khi con tôm cần ăn, con chip sẽ phát ra sóng siêu âm và máy tự động phun thức ăn xuống ao, khi tôm không ăn thì đóng lại, vừa tiết kiệm vừa tránh tình trạng dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường.

Ông Lương Thanh Văn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt - Úc, phân tích: "Công nghệ có vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị ngành nuôi tôm, trước hết từ tôm bố mẹ, tôm giống, thức ăn, nuôi và chế biến. Hiện nay, Tập đoàn Việt - Úc đã phối hợp với Viện Tôm của Úc chọn lọc lai tạo, chọn giống nhằm chủ động nguồn giống bố mẹ. Về tôm giống, Tập đoàn Việt - Úc đang sở hữu công nghệ sản xuất tôm giống tiên tiến và đứng đầu tại Việt Nam về cung cấp giống. Còn thức ăn, tập đoàn đã sở hữu công nghệ riêng. Khâu nuôi thì áp dụng công nghệ hàng đầu như nuôi thâm canh trong nhà kính. Hiện tập đoàn đang nhân rộng công nghệ nuôi này bằng cách chuyển giao cho các hộ nông dân nuôi tôm với quy mô nhỏ và ký hợp đồng bán tôm nguyên liệu cho các công ty chế biến thủy sản. Hướng phát triển trong thời gian tới là tập đoàn sẽ ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất để chế biến tôm thành một chuỗi giá trị khép kín...".

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nhìn nhận Bạc Liêu vẫn là tỉnh nghèo, thuộc nhóm cuối của ĐBSCL. Do đó để đạt được mục tiêu trở thành tỉnh khá ở ĐBSCL trong 15 năm tới, Bạc Liêu cần phải bứt phá, đi tắt đón đầu. Phát triển ngành nuôi tôm công nghệ cao trở thành một trong những trụ cột quan trọng để tỉnh thực hiện được mục tiêu đó. "Nếu biết khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng, lợi thế của tỉnh gắn với xu hướng công nghệ mới, Bạc Liêu hoàn toàn có thể trở thành viên ngọc xanh bên bờ biển phía Nam của Tổ quốc. Do đó, cần tạo môi trường đầu tư tốt hơn nữa để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước" - ông Trung kỳ vọng.

Những tín hiệu tích cực

Cho đến thời điểm này, những mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở Bạc Liêu đã cho thấy hiệu quả như kỳ vọng.

Điển hình như mô hình nuôi tôm trong bể nổi trong nhà kính của Công ty TNHH Long Mạnh (huyện Hòa Bình) được thực hiện trên 4 ao với diện tích 2.000 m2, đạt năng suất 5 tấn/ao. Đây là một trong những mô hình ứng dụng công nghệ cao được ngành chức năng đánh giá rất hiệu quả và cần nhân rộng.

Mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn của Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Trúc Anh ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu) cũng đang được ngành chức năng khuyến cáo nhân rộng. Giai đoạn 1, tôm được nuôi trong nhà lưới 20-30 ngày nhằm tránh tác động của thời tiết và các yếu tố từ bên ngoài. Lúc này, môi trường ao nuôi, dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, tôm thả nuôi mật độ 1.000-3.000 con/m2. Khi tôm có trọng lượng 1,5-2 g/con thì chuyển sang giai đoạn 2 ở ao nuôi liền kề, mật độ 200-300 con/m2, nuôi cho đến khi đạt kích cỡ 40-60 con/kg. Tổng thời gian nuôi 80-100 ngày. Trong quá trình nuôi không sử dụng hóa chất, chỉ dùng chế phẩm sinh học; không thay nước hoặc thay nước rất ít và chỉ châm bù nước.

Mỗi năm, Công ty Trúc Anh nuôi 3 vụ, thu hoạch 150 tấn tôm/ha. Đây là quy trình nuôi tôm dễ thực hiện, phù hợp với quy mô nhỏ lẻ lẫn trang trại lớn.

Ngoài các DN, một số hộ dân cũng đầu tư và ứng dụng quy trình nuôi tôm công nghệ cao đạt hiệu quả, như hộ ông Dương Hà (xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu) có 2 ao nuôi tôm (diện tích 1.200 m2) ứng dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao của Tập đoàn C.P…


Theo Duy Nhân

Người lao động

Trở lên trên