Bác sĩ 13 đời gia truyền "bóc mẽ" 4 điều sai và nguy hiểm của thuốc Đông y "nhà tôi 3 đời"
Các loại thuốc đông y gia truyền không rõ nguồn gốc, công dụng với những lời quảng cáo trên mạng "nhà tôi ba đời…" đã khiến nhiều người phải vào viện cấp cứu.
- 02-04-2021Đừng mơ lấy được vợ khi không có nổi 3,5 tỷ trong tay và nỗi ám ảnh của những "soái ca" Trung Quốc vùng vẫy trong nợ nần sính lễ
- 02-04-2021MC Diễm Quỳnh - người phụ nữ quyền lực của VTV mất 8 năm ở trường đại học với ngã rẽ số phận từ chối vào Bộ ngoại giao để làm MC nhà đài
- 02-04-2021Sử dụng đậu đen để giảm cân và giải nhiệt cực tốt nhưng đừng dại phạm phải 6 sai lầm này kẻo "rước bệnh vào thân"
Thế nào mới là thuốc gia truyền chân chính?
Bác sĩ Hoàng Sầm – Chủ tịch Hội y học bản địa Việt Nam cho biết, các quảng cáo "Nhà tôi ba đời làm gia truyền" trên mạng xã hội từ Youtube tới Facebook đều là đánh lừa vào tâm lý của người dân.
BS Sầm cho biết, bài thuốc gia truyền có tiêu chuẩn như thế nào đều được quy định rõ ràng chứ không phải muốn nói thế nào cũng được.
Theo đó, bài thuốc gia truyền là bài thuốc được đúc kết từ kinh nghiệm lâu đời của dòng tộc, gia đình truyền lại qua các thế hệ, có hiệu quả điều trị với một bệnh nhất định, có tiếng ở trong vùng, được nhân dân tín nhiệm, được Hội Đông y và y tế xã, phường, thị trấn sở tại và Sở Y tế công nhận.
Những bài thuốc mới được nghiên cứu, sử dụng trong các tài liệu, sách vở hoặc kinh nghiệm của bản thân đều không thuộc chuẩn khái niệm "bài thuốc gia truyền".
Các bài thuốc phải có thành phần các vị thuốc cụ thể, cách bào chế, cách sử dụng, liều dùng, đường dùng, chỉ định, chống chỉ định và chẩn đoán bệnh.
Bài thuốc phải được chính quyền địa phương chứng nhận cho người được dòng tộc giao quyền kế tục hành nghề.
BS Hoàng Sầm.
Bác sĩ Sầm cho biết, gia đình nhà ông đến nay đã được chứng nhận 13 đời làm nghiên cứu về thuốc gia truyền nhưng chưa khi nào ông quảng cáo về bài thuốc gia truyền 13 đời của nhà mình.
Các đời gia truyền đều có giấy chứng nhận của sở y tế, mỗi đời đều trải qua 20 – 25 năm. Các bài thuốc đều được nhân dân tín nhiệm, đủ tiêu chuẩn 100 bệnh nhân chữa khỏi trong 1 năm theo đúng quy định.
Còn với những quảng cáo "3 đời nhà tôi chuyên trị bệnh..." đang lan truyền trên mạng hiện nay chỉ là quảng cáo lừa đảo. Xuất xứ và nguồn gốc của những sản phẩm trị bệnh này vô cùng mập mờ, chỉ dựa vào những tuyên bố không hề có căn cứ của người quảng cáo.
BS Sầm từng trực tiếp nghe quảng cáo thuốc gia truyền chữa rụng tóc, bạc tóc trên mạng xã hội. Ông đã tìm đến tận địa chỉ ghi trong mẩu quảng cáo ở thị trấn Hoàng Su Phì, Hà Giang. Nhưng khi đến đó, chính quyền địa phương khẳng định hoàn toàn không có bà Hoè nào như vậy.
Trong khi đó, trên mạng vẫn quảng cáo thuốc gia truyền bà Hoè đã khiến cho cả nghìn người bị mắc lừa.
BS Sầm cho biết, người quảng cáo nắm được các điểm yếu của người dân rồi đánh vào lòng tin của họ, nhờ những người có chức tước đã về hưu, đại tá quân đội, "ông nọ, bà kia", thậm chí, có những quảng cáo thuê người dân tộc thiểu số hoặc là người Kinh mặc quần áo, giả giọng nói người dân tộc thiểu số để quảng cáo cho các bài thuốc gia truyền.
Bóc mẽ các chiêu lừa đảo
Trước các nội dung các quảng cáo bán thuốc gia truyền "3 đời" chữa dứt điểm đủ các bệnh từ tiểu đường, thoái hóa khớp, sỏi thận, giảm cân, giúp sinh con trai..., bác sĩ Sầm cho biết, chỉ cần nghe quảng cáo cũng đủ biết hầu như đều là nói sai.
BS Sầm chỉ ra những cái sai trong quảng cáo thuốc gia truyền 3 đời:
Thứ nhất, với sỏi thận, sỏi mật, người ta quảng cáo là "Ung thư thì không thể khỏi nhưng sỏi thận, sỏi gan, sỏi mật, sỏi to cỡ nào cũng hết" – chỉ cần nghe đã biết không đúng.
BS Sầm cho biết, không thể đánh đồng sỏi thận và sỏi mật. Sỏi cũng có các dạng sỏi khác nhau như sỏi cholesterol, sỏi oxalat... Có loại sỏi tan trong nước nhưng cũng có loại sỏi chỉ tan trong dầu. Nếu một loại thuốc mà tan được cả hai loại sỏi đã đủ thấy không đáng tin.
Thứ hai, đối với bệnh xương khớp, có hàng trăm loại bệnh xương khớp khác nhau thì không thể 1 bài thuốc là chữa khỏi được. Bệnh về khớp có nhiều loại như thoái hoá khớp, chấn thương khớp... nên không phải cái gì cũng chữa được.
Thứ ba, về bệnh thận, bác sĩ Sầm cho biết, người bị bệnh thận nếu dùng thuốc linh tinh sẽ rất nguy hiểm. Thuốc nam có chứa nhiều kali nếu người suy thận uống có thể gây ngừng tuần hoàn, có thể tử vong bất cứ lúc nào.
Hoặc các loại thuốc có thành phần như tế tân, râu mèo, mộc thông, dây thần sấm… dùng lâu có thể gây ung thư thận, suy thận.
Thứ tư, với thuốc chữa hen, đáng sợ nhất trong thành phần của thuốc người ta cho cà độc dược khi uống vào sẽ gây tăng nhịp tim, suy tim, rất nguy hiểm cho người bệnh.
Nếu quảng cáo các sản phẩm gia dụng, xe đạp hay cái xoong nồi, nếu sai công năng thì không ảnh hưởng nhiều nhưng với thuốc, thực phẩm liên quan tới sức khoẻ thì không thể chấp nhận được.
Ông cho rằng, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, chỉ cần tìm qua các số điện thoại là có thể truy ra nguồn gốc của những người lừa đảo bệnh nhân.
Người tiêu dùng cũng hết sức cảnh giác với những quảng cáo các bài thuốc gia truyền hay những thần y mà không được kiểm chứng bởi các công trình khoa học đã được công bố.
Doanh nghiệp và Tiếp thị