MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bác sĩ BV Việt Đức cảnh báo về căn bệnh "khó nói", ám ảnh cuộc sống của hơn 50% dân số Việt Nam: Dân văn phòng và người trung niên càng dễ mắc

10-11-2020 - 15:45 PM | Sống

Bệnh trĩ tuy lành tính nhưng lại khiến cho người bệnh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Người xưa có câu “Thập nhân cửu trĩ” (cứ 10 người thì có đến 9 người mắc bệnh trĩ). Theo ước tính, tại Việt Nam, hơn 50% dân số đang mắc phải căn bệnh “khó nói” này. Trĩ không trực tiếp nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh, nhưng cũng gây không ít khó chịu cho họ trong sinh hoạt thường ngày.

Mới đây, PGS. TS. Phạm Xuân Hùng - Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng - Tầng sinh môn, Bệnh viện Việt Đức - đã có buổi tư vấn trực tuyến về nguyên nhân và phương pháp điều trị bệnh trĩ. 

Bác sĩ BV Việt Đức cảnh báo về căn bệnh khó nói, ám ảnh cuộc sống của hơn 50% dân số Việt Nam: Dân văn phòng và người trung niên càng dễ mắc - Ảnh 1.

PGS. TS. Phạm Xuân Hùng - Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng - Tầng sinh môn, BV Việt Đức

Người trung niên, người già và dân văn phòng là những đối tượng dễ mắc bệnh trĩ

Theo PGS. TS Phạm Xuân Hùng, trĩ là những cấu trúc giải phẫu có chức năng sinh lý bình thường của một người từ khi mới sinh ra. Trong quá trình sinh hoạt thường ngày, những cấu trúc giải phẫu bị biến đổi, phát sinh các triệu chứng như đại tiện ra máu, sa búi trĩ, đau đớn…

Nguyên nhân dẫn tới bệnh trĩ có thể là do di truyền hoặc bệnh lý cơ thể. Thông thường, búi trĩ nằm trong hậu môn, ở phần thấp của trực tràng. Khi các cấu trúc giải phẫu giữ các đám rối tĩnh mạch này bị sa xuống, người bệnh sẽ bị sa búi trĩ khi đại tiện. Ngoài ra, nếu ở vùng hậu môn và trực tràng xuất hiện các bất thường về mạch máu, tăng tưới máu cũng có thể gây sa búi trĩ. 

Thói quen ăn uống thiếu lành mạnh (ăn cay, ăn ít chất xơ, uống ít nước, lười vận động, dùng chất kích thích…) cũng là một yếu tố dẫn tới căn bệnh này. Nó gây viêm và thoái hóa các biểu mô ở vùng trực tràng thấp và hậu môn, khiến cho búi trĩ chảy máu, thậm chí là vỡ.

Ngồi đại tiện quá lâu do táo bón hoặc tiêu chảy cũng tạo áp lực lên vùng hậu môn, gây sa giãn dây chằng, khiến người bệnh bị trĩ. Phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ bị trĩ do thay đổi nội tiết, tử cung chèn ép, cản trở luồng máu tĩnh mạch trở về, gây ứ trệ máu ở vùng búi trĩ.

Bác sĩ BV Việt Đức cảnh báo về căn bệnh khó nói, ám ảnh cuộc sống của hơn 50% dân số Việt Nam: Dân văn phòng và người trung niên càng dễ mắc - Ảnh 2.

Theo PGS. TS Phạm Xuân Hùng, bệnh trĩ thường xuất hiện nhiều ở lứa tuổi trên 30. Tỷ lệ mắc bệnh trĩ cao nhất thuốc về nhóm tuổi 45-60, do cơ thể bắt đầu lão hóa, hệ thống tĩnh mạch tại hậu môn-trực tràng dần suy yếu. Tuổi già cũng kéo theo bệnh xương khớp, khiến mọi người ngồi nhiều, ít đi lại, càng tạo điều kiện cho trĩ phát triển.

Dân văn phòng cũng là đối tượng dễ mắc bệnh trĩ, do tính chất công việc thường phải ngồi nhiều, ít vận động. Điều này sẽ làm tăng áp lực đối với các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng, hình thành trĩ. Stress từ công việc cũng làm giảm nhu động ruột gây táo bón, mà táo bón lại là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh trĩ.

Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm như tắc mạch trĩ ngoại, tắc mạch trĩ nội, trĩ sa nghẹt, vỡ búi trĩ, viêm nhiễm hậu môn, nhiễm khuẩn máu…

Khi đại tiện ra máu, xuất hiện khối bất thường ở hậu môn, người bệnh nên đến gặp bác sĩ

PGS. TS Phạm Xuân Hùng cho biết, trĩ chủ yếu có 2 loại: trĩ nội và trĩ ngoại.

- Trĩ ngoại: Búi trĩ xuất hiện phía dưới đường lược (đường ngăn cách giữa hậu môn và trực tràng), nằm ngay ở rìa hậu môn. 

- Trĩ nội: Búi trĩ xuất hiện phía trên đường lược, ở phần thấp của trực tràng. Người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng khó chịu như đại tiện ra máu, sa búi trĩ…, đòi hỏi sự can thiệp của bác sĩ.

Bác sĩ BV Việt Đức cảnh báo về căn bệnh khó nói, ám ảnh cuộc sống của hơn 50% dân số Việt Nam: Dân văn phòng và người trung niên càng dễ mắc - Ảnh 3.

Việc phân độ bệnh trĩ sẽ dựa vào sự tiến triển của búi trĩ còn nằm bên trong hay đã sa ra khỏi hậu môn.

- Trĩ độ 1: Búi trĩ vẫn nằm trong hậu môn. Bệnh nhân có các triệu chứng như sưng viêm, đại tiện ra máu. Các thương tổn chỉ có thể thấy được khi soi hậu môn-trực tràng.

- Trĩ độ 2: Dây chằng giữa các búi trĩ vẫn đàn hồi tốt. Bình thường trĩ vẫn nằm trong hậu môn, chỉ thập thò ra bên ngoài khi đại tiện, có thể tự co lại.

- Trĩ độ 3: Mỗi khi làm việc nặng hoặc đại tiện, búi trĩ lại sa ra ngoài. Người bệnh phải dùng tay đẩy nhẹ búi trĩ vào trong.

- Trĩ độ 4: Búi trĩ thường xuyên sa ra ngoài.

PGS. TS Phạm Xuân Hùng chia sẻ, trong quá trình khám và điều trị, ông nhận thấy bệnh nhân thường mắc các sai lầm không đáng có. Do bệnh xảy ra ở vùng kín, nhiều người - đặc biệt là phụ nữ - rất ngần ngại đi khám dù đã bị chảy máu hàng chục năm. Có những người được gia đình và bạn bè mách nước, tự mua thuốc về uống nên khỏi, chủ quan nghĩ rằng mình đã hết bệnh. 

Ngoài ra, hiện tượng đại tiện ra máu hay xuất hiện khối bất thường ở vùng hậu môn cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm khác, chẳng hạn như ung thư trực tràng, viêm đại trực tràng chảy máu, polyp đại tràng... Nếu cứ lầm tưởng đây là bệnh trĩ và tìm cách chữa tại nhà, bệnh nhân sẽ bỏ qua thời gian vàng để điều trị, khiến bệnh tiến triển nặng thêm.

Để đảm bảo an toàn và điều trị hiệu quả, ông khuyến cáo mọi người nên tìm đến các cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng đáng nghi, thay vì tự ý mua thuốc về dùng.

Bác sĩ BV Việt Đức cảnh báo về căn bệnh khó nói, ám ảnh cuộc sống của hơn 50% dân số Việt Nam: Dân văn phòng và người trung niên càng dễ mắc - Ảnh 4.

Chăm chỉ vận động là một cách đề phòng ngừa bệnh trĩ

Điều trị bệnh trĩ như thế nào cho hiệu quả?

Theo PGS. TS Phạm Xuân Hùng, có 3 phương pháp điều trị bệnh trĩ: điều trị nội khoa, can thiệp bằng thủ thuật, và điều trị bằng phẫu thuật.

- Điều trị nội khoa: Dành cho bệnh nhân trĩ nhẹ, đại tiện ra máu ít, không đau. Bệnh nhân cần tiến hành cắt giảm các yếu tố gây bệnh trĩ cấp như ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước, chăm vận động, hạn chế gia vị cay-nóng, uống thuốc,...

- Can thiệp bằng thủ thuật: Dành cho bệnh nhân có búi trĩ nhỏ, búi trĩ có cuống, chưa cần phẫu thuật. Bệnh nhân có thể ra về sau 1-2 tiếng. Nhược điểm là bệnh nhân dễ bị tái phát lại.

- Điều trị bằng phẫu thuật: Dành cho bệnh nhân có mức độ sa trĩ nặng, chảy máu nhiều. 

PGS. TS Phạm Xuân Hùng cho biết, 50% bệnh nhân có thể sống chung với bệnh trĩ, không cần can thiệp bằng thủ thuật hoặc phẫu thuật. Đây không phải là căn bệnh lành tính, không quá nguy hiểm và hoàn toàn có thể chữa. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng xuất hiện nhiều và nặng hơn, bệnh nhân nên đến bác sĩ để có phương thức xử lý kịp thời.

Những lưu ý khi điều trị bệnh trĩ

Tây Y

- Tuyệt đối không tự ý mua thuốc và sử dụng tại nhà

- Cần đến bệnh viện, các cơ sở y tế để khám và điều trị

- Cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc điều trị do bác sĩ chỉ định

- Luôn vệ sinh hậu môn trước khi dùng thuốc

- Chú ý giữ sạch sẽ, hoạt động nhẹ nhàng sau khi phẫu thuật

Đông Y

- Kiên trì sử dụng thuốc để nhận được kết quả

- Sử dụng và kết hợp các vị thảo dược đúng tỷ lệ, phù hợp tình trạng bệnh

- Đảm bảo vệ sinh vùng hậu môn

- Kết hợp chế độ dinh dưỡng lành mạnh

- Có chế độ sinh hoạt khoa học

Linh Hân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên