Bác sĩ BV Việt Đức giải đáp loạt thắc mắc về bệnh xương khớp ở dân văn phòng: 80-90% dân số từng bị đau, muốn tránh cần chú ý những điều này
Dân văn phòng thường xuyên gặp phải các vấn đề về cổ tay, cột sống, đau vai, mỏi gáy,... Nếu không quan tâm đúng cách, điều này có thể gây ra tổn hại về lâu dài.
- 25-06-2021Bữa tối quyết định cân nặng và tuổi thọ: 5 kiểu ăn tối tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cực lớn, càng hạn chế càng tốt!
- 25-06-20214 món quen trong mâm cơm người Việt chính là "thủ phạm" gây bệnh tiểu đường, nếu muốn sống lâu thì càng ăn ít càng tốt
- 24-06-2021Đi tắm mùa hè, bất kể nam hay nữ cũng cần tránh xa 2 thời điểm sau nếu không muốn rước bệnh vào người
Một số vấn đề phổ biến liên quan đến bệnh xương khớp mà rất nhiều dân văn phòng gặp phải là các bệnh về cổ tay, cột sống, đau mỏi vai gáy...
Dân văn phòng thường xuyên phải ngồi một chỗ liên tục nhiều giờ, thậm chí đôi khi còn ngồi sai tư thế. Điều này trở thành nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng đau đốt sống và gây thoái hóa về lâu dài.
Mới đây, TS Nguyễn Hoàng Long - Phó trưởng khoa phẫu thuật cột sống, BV Việt Đức - đã giải đáp các thắc mắc về bệnh xương khớp cột sống, từ đó giúp dân văn phòng bảo vệ sức khỏe của mình tốt hơn.
Tôi ngồi nhiều nên tôi hay bị đau lưng. Lúc mỏi quá thì tôi ngồi vặn người cho bớt mỏi. Liệu điều này có ảnh hưởng tới cột sống của tôi không?
Điều này tạo cảm giác khoan khoái cho cơ thể. Ngồi lâu ở một tư thế sẽ làm tăng áp lực lên đĩa đệm cột sống, nên việc vặn xoắn sẽ làm giảm áp lực. Tuy nhiên, nếu vặn xoắn quá mạnh, quá nhanh, quá tần suất của cột sống cũng như các khớp trên cơ thể, có thể tạo nên những biểu hiện thoái hóa sau này.
Người bị bệnh xương khớp nên ăn uống thế nào?
Để xương khớp thêm khỏe, cơ thể sẽ cần được bổ sung thêm các chất cần thiết như canxi, vitamin D, ma-giê, kali, các vitamin nhóm B,... Chúng đều có mặt trong các thực phẩm hàng ngày chúng ta sử dụng.
VD: Rau màu xanh đậm sẽ chứa nhiều kali và vitamin D. Quả có múi (bưởi, cam,...) chứa nhiều vitamin C, giúp tăng cường hình thành chất xương cho cơ thể.
Tôi thường xuyên bị đau nhức 2 bên vai, bên trái đau hơn bên phải lúc vận động nhiều, đặc biệt là khi với lấy đồ vật trên cao hoặc khi thời tiết thay đổi, tôi có bị thoái hóa khớp vai?
Với các triệu chứng này, BS nghĩ nhiều đến triệu chứng khớp vai. Tuy nhiên, để khẳng định là bệnh lý về khớp vai hay các bộ phận cơ quan khác của cơ thể thì bạn cần đi khám. Khi khám bệnh, BS sẽ siêu âm hoặc thăm khám để đưa ra chẩn đoán cuối cùng.
Khi có kết quả thăm khám, nếu là bệnh lý khớp vai sẽ xem tổn thương ở phần nào khớp vai để có phương án điều trị cụ thể. Thông thường, đối với khớp vai, sẽ điều trị bằng thuốc, vật lý trị liệu. Một số ít trường hợp có tổn thương nặng sẽ phải phẫu thuật (phẫu thuật nội soi).
Làm sao để phòng chống và điều trị triệt để viêm gân khớp cổ tay? Tôi làm graphic designer, tôi mắc bệnh và đã bị tái viêm 3 lần, phải đi tiêm để điều trị 3 đợt nhưng chưa khỏi triệt để?
Qua mô tả, BS chưa biết rõ tổn thương cụ thể của bạn là gì, bởi ở cổ tay có nhiều thành phần gân, cơ khác nhau.
Nếu những tổn thương đó tái phát nhiều lần, cần tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh lý. VD: công việc làm tăng áp lực cổ tay quá nhiều, dùng chuột và bàn phím sai cách,...)
Ngoài điều trị viêm gân cổ tay bằng cách tiêm, bạn còn có rất nhiều phương án khác, chẳng hạn như vật lý trị liệu. Đây là phương pháp điều trị tốt, ít phải can thiệp và xâm lấn vào cơ thể người.
Tôi nghe nói bệnh xẹp đốt sống rất nguy hiểm. Người mắc phải bệnh này mà ngồi làm việc văn phòng nhiều thì phải làm gì để tránh biến chứng, không nguy hiểm?
Trong các bệnh lý của dân văn phòng thì bệnh lý về cột sống là hay gặp nhất, đứng đầu trong số các bệnh lý về xương khớp. Nguyên nhân là do chúng ta ngồi quá lâu, tạo áp lực lớn lên đĩa đệm và dần dần làm xẹp đĩa đệm, gia tăng áp lực lên các thành phần khác của cột sống.
Để tránh tình trạng này, bạn nên có tư thế ngồi đúng. Thứ hai, nên có những khoảng thời gian nghỉ ngơi thư giãn cho cơ thể. Cứ mỗi 25-30 phút, bạn nên làm động tác căng giãn khớp, cột sống lưng. Sau 2 giờ, bạn nên đứng lên vận động để giảm áp lực lên cơ thể.
Tôi năm nay 30 tuổi, thường bị đau lưng vào buổi sáng. Khi ngủ thường phải nằm nghiêng và co gối, không thể nằm ngửa. Tình trạng này đã kéo dài 3 năm nay. Tôi đi khám và được chẩn đoán loãng xương thể nhẹ. Tình trạng này có nguy hiểm không?
Trường hợp loãng xương ở tuổi 30 như bạn cũng rất ít gặp, bởi nó thường xảy ra ở tuổi trung niên. Nếu bị loãng xương khi còn trẻ, cần phải tìm căn nguyên của bệnh (do rối loạn nội tiết, thiếu các chất bổ sung cho cơ thể,...).
Bạn nên đến các chuyên khoa dinh dưỡng để tìm lời giải đáp. Loãng xương cũng là một trong những nguyên nhân gây đau lưng cho bạn.
Người đau cổ vai gáy, cột sống có nên chơi đá bóng nhiều không?
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, có 80-90% dân số từng bị đau cổ vai gáy, cột sống một lần trong đời. Việc đưa ra lời khuyên cho bạn rất khó vì bác sĩ chưa biết mức độ tổn thương thực thế của bạn nặng hay không.
Tuy nhiên, chơi thể thao vẫn là điều các bác sĩ khuyên nên thực hiện. Tuy nhiên, khi chơi thể thao đối kháng trực tiếp, chúng ta cần hết sức lưu ý tránh va chạm, cũng như khởi động kỹ trước và sau khi chơi.
Tôi có thói quen leo cầu thang ở văn phòng để giãn gân cốt sau một thời gian ngồi lâu làm việc. Nhưng liệu leo cầu thang nhiều có ảnh hưởng xấu đến khớp gối không?
Đối với những trường hợp đã có bệnh lý khớp gối như thoái hóa khớp gối, leo cầu thang sẽ ảnh hưởng đến khớp gối hơn so với người bình thường. Nó có thể tăng mài mòn của khớp gối, gây triệu chứng đau đầu gối. Nếu có biểu hiện đau khớp gối khi leo cầu thang thì nên hạn chế leo cầu thang và đi khám để tránh thoái hóa khớp gối.
Tôi bị thoái hóa đốt sống cổ, khi ngồi làm việc rất khó chịu. Tôi nên ngồi tư thế nào và luyện tập gì để tránh đau nhức?
Khi dành phần lớn thời gian trong ngày ngồi trước máy tính, bạn nên ngồi ở bàn có chiều cao từ 72-75 cm. Ngoài ra, khi ngồi ở ghế, các bạn nên có thêm đệm lưng để hỗ trợ phần thắt lưng của mình. Các bạn nên ngồi thẳng, sao cho từ vùng cổ đến hông đều nằm trên một đường thẳng.
Khoảng cách từ màn hình đến mắt nên duy trì ở mức 45-75 cm, khoảng 1 sải tay. Mép trên của màn hình phải ngang với tầm mắt, màn hình được xoay nghiêng khoảng 20 độ. Đó là tư thế sinh lý nên có khi ngồi làm việc.
Bên cạnh đó, các bạn nên nghỉ tại chỗ khoảng 25-30 phút và dành thời gian này để vận động. Cứ mỗi 2 tiếng, các bạn nên rời khỏi bàn làm việc để giải tỏa căng thẳng cho mắt và xương khớp.