Bác sĩ cảnh báo căn bệnh khiến 2.000 – 3.000 người nhập viện mỗi năm, điều trị không kịp thời có thể gây liệt
Đáng chú ý, hơn 70% số ca xảy ra ở người trên 50 tuổi với thời gian nằm viện trung bình là 6,6 ngày.
- 04-11-20248 dấu hiệu của bệnh viêm gan C - căn bệnh mà nữ diễn viên Pamela Anderson gặp phải và được chẩn đoán chỉ sống thêm 10 năm
- 29-10-2024Căn bệnh ung thư đứng đầu tại Việt Nam với 24.563 ca mỗi năm
- 23-10-2024Cậu bé mắc căn "bệnh lạ" nhưng cứ được đưa ra công viên hay khu vui chơi là tự nhiên khỏi?
Cảnh báo từ chuyên gia
Vừa qua, Tại Hội nghị Da liễu toàn quốc thường niên tại TP. Huế với 1.000 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự, PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: Năm 2022, bệnh viện đã ghi nhận 62% số ca đến khám có biến chứng đau sau zona. Đáng chú ý, hơn 70% số ca xảy ra ở người trên 50 tuổi với thời gian nằm viện trung bình là 6,6 ngày.
Theo PGS.TS Lê Hữu Doanh, bệnh nhân zona phải chịu các chi phí trực tiếp khi điều trị nội trú chăm sóc thứ cấp, điều trị ngoại trú, thuốc... Thêm vào đó, bệnh nhân có biến chứng liên quan đến zona phải chịu chi phí cao hơn 42% so với bệnh nhân không có biến chứng, chủ yếu đến từ sự gia tăng các dịch vụ nội trú. Đó là chưa kể đến các chi phí gián tiếp như giảm năng suất lao động cùng nhiều gánh nặng khác đối với người chăm sóc các bệnh nhân lớn tuổi mắc zona.
Đau dây thần kinh sau zona có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng, thậm chí nhiều năm, điều này làm cản trở sinh hoạt hàng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh và tạo áp lực không nhỏ cho người chăm sóc. Chính vì vậy, việc chủ động phòng ngừa, nhằm giảm thiểu các hệ lụy nghiêm trọng của zona là vô cùng quan trọng.
Theo thống kê từ Bệnh viện Da liễu Trung ương, mỗi năm, có khoảng 2.000 – 3.000 bệnh nhân mắc zona thần kinh nhập viện. Ngoài các biểu hiện zona cấp tính, bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị hội chứng đau sau zona, rất nhiều trường hợp cần điều trị nội trú. Chuyên gia da liễu khuyến cáo, với bệnh nhân zona nếu nhẹ thì có thể điều trị tại nhà, nhưng các trường hợp mắc zona ở vị trí đặc biệt như vùng quanh tai, mắt, vị trí thần kinh, vùng sinh dục… nguy cơ gây liệt vùng đó thì cần nhập viện. Hoặc bệnh nhân có tổn thương lan rộng, xuất huyết ở vùng khác của da, bệnh nhân zona quá đau thì phải nhập viện. Tuy nhiên, hiện nay, zona thần kinh đã có thể phòng ngừa hiệu quả nhờ vắc-xin.
Tại Hội nghị, PGS.TS Lê Hữu Doanh đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của bác sĩ điều trị trong tư vấn phòng ngừa zona từ sớm cho bệnh nhân là rất quan trọng. Trong đó, tài liệu tham khảo "Dự phòng bệnh zona bằng vaccine" là cơ sở cho nhân viên y tế tham khảo và tư vấn giúp bệnh nhân được dự phòng zona, nhất là đối với những người có bệnh lý nền kết hợp như tim mạch, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính.
Tài liệu tham khảo "Dự phòng bệnh zona bằng vaccine" do Tổng Hội Y Học Việt Nam và các chuyên gia đầu ngành từ các Hội y học chuyên ngành và Công ty trách nhiệm hữu hạn Dược phẩm GSK Việt Nam phối hợp thực hiện đã cung cấp thông tin về tác động của zona ở những người trên 50 tuổi và có bệnh lý đi kèm. Đồng thời, hướng dẫn dự phòng zona, hỗ trợ thực hiện các hướng dẫn của Bộ Y tế về bệnh zona trong thực hành thường quy.
Những điều cần biết về bệnh zona
Zona thần kinh là một biến chứng của bệnh zona. Zona là bệnh nhiễm trùng do virus Varicella-Zoster (VZV) gây ra. Người nhiễm virus VZV lần đầu sẽ có biểu hiện bệnh thuỷ đậu. Sau khi người bệnh khỏi hoàn toàn thủy đậu, virus Varicella vẫn tồn tại và sống ẩn (ngủ) trong hạch thần kinh trong nhiều tháng, nhiều năm, khi gặp điều kiện thuận lợi như: suy giảm miễn dịch, căng thẳng, suy nhược cơ thể… virus sẽ hoạt động trở lại (thức dậy), rời vị trí trú ngụ, di chuyển dọc dây thần kinh để ra ngoài da và gây ra những biểu hiện của bệnh Zona (gồm triệu chứng tổn thương ở da và dây thần kinh). Zona thần kinh có thể kéo dài nhiều năm sau khi sang thương Zona ở da đã lành.
Bệnh zona thường bắt đầu với những cảm giác bất thường như ngứa, rát hoặc ngứa ran ở một vùng da của cơ thể. Một số người có thể gặp thêm tình trạng sốt, mệt mỏi, đau đầu. Trong khoảng thời gian từ một đến hai ngày, các phát ban hoặc mụn nước xuất hiện ở một bên cơ thể. Phát ban zona thường ảnh hưởng đến cơ thể tại các vị trí như: ngực, bụng và lưng. Tuy nhiên, phát ban có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Nếu các phát ban zona xuất hiện ở mắt thì có thể ảnh hưởng vĩnh viễn đến thị lực.
Người bệnh zona có thể xuất hiện các cơn đau từ mức độ nhẹ hoặc dữ dội và gây bỏng rát làn da. Cơn đau có thể bắt đầu vài ngày trước khi phát ban zona xuất hiện. Bên cạnh đó, cơn đau có thể giới hạn ở phần da bị ảnh hưởng bởi phát ban, nhưng cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động hàng ngày của người bệnh bao gồm cả giấc ngủ. Cơn đau xảy ra thường nặng hơn ở những trường hợp người bệnh cao tuổi.
Trong khoảng từ 3 đến 4 ngày, mụn nước zona có thể trở thành vết loét hở, ở những người trưởng thành thì những vết loét này có thể đóng vảy và không lây nhiễm. Những phát ban zona này có thể biến mất trong vòng ba đến bốn tuần. Sẹo có thể thay đổi sậm màu và tồn tại lâu kể cả trường hợp bệnh zona đã khỏi.
Trong hầu hết các trường hợp thì bệnh zona sẽ tự khỏi mà không gây ra bất kỳ vấn đề nào ảnh hưởng đến sức khoẻ. Tuy nhiên, nếu thể trạng yếu, sức đề kháng suy giảm thì người bệnh có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm và gây phiền toái cho người bệnh trong thời gian lâu dài.
Điều trị bệnh zona thường bao gồm sự kết hợp giữa thuốc kháng virus với thuốc giảm đau. Bên cạnh đó, các vùng da phát ban cần được vệ sinh và giữ sạch, khô ráo. Tốt nhất người bệnh nên tránh thoa kem dưỡng da lên vùng da bị ảnh hưởng, vì điều này có thể gây kích ứng da nhiều hơn nữa.
Thanh niên Việt