Bác sĩ điều trị ung thư: Đây là dấu hiệu ‘cảnh báo đỏ’ của ung thư đại tràng mà không phải ai cũng biết
Triệu chứng này thường bị bỏ qua và đây là điều khiến nhiều người phát hiện ung thư đại tràng khi đã ở giai đoạn muộn.
- 25-04-2024Cô gái suýt mất tử cung ngay một tháng trước khi kết hôn, bác sĩ chỉ ra căn bệnh nên đặc biệt lưu ý
- 25-04-2024Bé trai nổi mẩn cả người, bác sĩ xác nhận đã tiếp xúc với chất gây ung thư cấp độ 1 quá lâu: Hiểm nguy không ngờ từ món đồ trẻ em nào cũng có
- 24-04-2024Cô gái bị câm điếc bẩm sinh suốt 22 năm, vừa lấy chồng ngay lập tức nói được: Dân làng bảo "phép màu tình yêu", bác sĩ làm xét nghiệm phát hiện sự thật bất ngờ
Với thực trạng ngày càng có nhiều người trẻ được chẩn đoán mắc ung thư đại tràng, việc có những hiểu biết về căn bệnh này là vô cùng cần thiết.
Theo Tiến sĩ Michael Cecchini, bác sĩ chuyên điều trị ung thư của Trung tâm Ung thư Yale (thuộc Đại học Yale - Mỹ), tỷ lệ mắc ung thư đại tràng ở những người dưới 50 tuổi đã gia tăng kể từ những năm 1990.
Lý do chính xác tại sao tỷ lệ này ngày càng gia tăng vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự thay đổi trong lối sống, môi trường sống và chế độ ăn uống có thể là yếu tố nguy cơ. Cho tới nay, các nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân chính xác dẫn tới thực trạng này. Thế nhưng, có một điều quan trọng mà bạn cần nhớ đó là: hãy luôn cảnh giác với ung thư đại tràng, ngay cả khi bạn còn trẻ tuổi. Các dấu hiệu cảnh báo bệnh là một trong những điều mà bạn cần lưu tâm.
1 dấu hiệu ‘cảnh báo đỏ’ của ung thư đại tràng
Trên mạng xã hội, một người phụ nữ chia sẻ trong một khoảng thời gian, cô nhận thấy phân của mình có hình dạng mỏng hơn so với bình thường. Ngoài triệu chứng này, cô còn có thêm các triệu chứng khác như giảm cân không rõ nguyên nhân và tiêu chảy. Vì cho rằng mình chỉ mắc hội chứng ruột kích thích nên ban đầu cô đã không đi khám. Cuối cùng, khi các triệu chứng không thuyên giảm, cô đến bệnh viện thăm khám và được chẩn đoán mắc ung thư đại tràng giai đoạn 4.
Tiến sĩ Cecchini cho biết, phân mỏng, dẹt hơn so với bình thường có thể là dấu hiệu cảnh báo đỏ của bệnh ung thư đại tràng. "Một số bệnh nhân có thể thấy phân mỏng hơn nhiều so với bình thường, có người lại thấy phân có hình dạng như chiếc bút chì", tiến sĩ Cecchini nói thêm.
Vị chuyên gia ung thư giải thích, phân mỏng, dẹt có thể xuất hiện nếu các khối u xuất hiện ở gần cuối đại tràng hoặc nếu chúng nằm dọc toàn bộ bên trong đại tràng, làm thu hẹp kích thước của phân.
Tiến sĩ Jeffrey Dueker, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa của Trường Y, Đại học Pittsburgh (Mỹ), cho biết triệu chứng đại tiện phân mỏng, dẹt sẽ là vấn đề đáng lo ngại nếu kéo dài dai dẳng.
Phân mỏng hoặc nhỏ như bút chì là một trong những dấu hiệu ít phổ biến hơn của ung thư đại tràng. Các dấu hiệu thường gặp hơn của bệnh là có máu trong phân, đau bụng và giảm cân không rõ nguyên nhân. Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào, bạn cũng nên đi khám để tìm hiểu nguyên nhân chính xác.
Ai cần sàng lọc ung thư đại tràng?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ, mọi người có thể bắt đầu sàng lọc ung thư đại tràng khi bước sang tuổi 45. Những người có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao hơn nên có sự tư vấn của chuyên gia về thời điểm bắt đầu sàng lọc cũng như các xét nghiệm phù hợp với mình.
Những người có nguy cơ cao mắc ung thư đại tràng là:
- Người có tiền sử gia đình mắc ung thư đại tràng hoặc polyp đại tràng.
- Những người có tiền sử mắc viêm đại tràng mạn tính, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, hội chứng Lynch hoặc polyp đại tràng.
- Người có chế độ ăn nhiều thịt đỏ hoặc đồ ăn chế biến sẵn và ít chất xơ.
- Người béo phì hoặc ít vận động.
- Người hút thuốc lá và uống rượu nhiều.
Để giảm nguy cơ mắc bệnh, ngoài việc tham gia các chương trình sàng lọc ung thư đại tràng theo khuyến nghị của bác sĩ, mọi người nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa như duy trì chế độ ăn lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất, hạn chế rượu và không hút thuốc.
Đời sống Pháp luật