MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bác sĩ "lười" rửa tay và sự thay đổi gốc rễ bắt nguồn từ cách làm ở một làng quê Việt Nam

11-03-2020 - 16:50 PM | Sống

Bài viết này sẽ chỉ ra vì sao các bác sĩ lại "lười" rửa tay xà phòng và nguồn gốc dẫn đến sự ra đời của sáng kiến ​​đa phương thức để thực hiện rửa tay sát khuẩn trong bệnh viện.

Lời tòa soạn: Dù Covid-19 có ở giai đoạn nào đi chăng nữa thì Rửa tay và Đeo khẩu trang đúng cách (test cách đeo khẩu trang, rửa tay đúng tại đây ) luôn là các biện pháp trọng yếu để phòng chống dịch trong cộng đồng.

Atul Gawande là bác sĩ ngoại khoa và là giáo sư y tế công tại Đại học Y Harvard. Năm 1992, khi chỉ mới 27 tuổi và còn là sinh viên ở trường Y, ông đã là chiến lược gia chính sách y tế cho Tổng thống Bill Clinton. Năm 2007, Atul Gawande xuất bản cuốn sách mang tên ‘Better’ (Tốt hơn) chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức trong thực hành y khoa của ông với những trải nghiệm thực tế cho đến giờ vẫn hết sức thiết thực với thực trạng y tế thế giới.

Một trong những kiến thức đó là "Rửa tay, rửa tay và rửa tay".

Trong bối cảnh mùa dịch Covid-19 vẫn đang lan rộng ra nhiều nước và có những diễn tiến chưa thể lường hết, xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc loạt bài viết về "Rửa tay" dưới đây do Trần Đặng Minh Trí và Hà Xuân Nam biên dịch từ một chương trong cuốn sách đó của ông.

Bài 1: ' Nếu không rửa tay, bác sĩ sẽ là bạo chúa của y học!'

Bài 2: Y tá sợ hãi nước rửa tay dù chiết xuất nha đam và đội 'cảnh sát' bất ngờ trong bệnh viện

VÌ SAO BÁC SĨ "LƯỜI" RỬA TAY VÀ CÁI KẾT CÓ HẬU

Joseph Lister (người đã đưa ra một giải thích rõ ràng về ý nghĩa của việc rửa tay trong bệnh viện vào nửa sau thế kỷ 19, sau khi BS. Semmelweis khởi xướng quy trình rửa tay trong bệnh viện năm 1847 nhưng bị phản đối dữ dội - người dịch) đã rất ngạc nhiên khi xem xét lại lịch sử của phòng phẫu thuật kể từ thời của BS. Semmelweis. Thời ấy không nhân viên nào trong phòng phẫu thuật tuân thủ tốt việc rửa tay, trong khi chỉ cần một bác sĩ, y tá hoặc phẫu thuật viên không rửa tay sạch, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng vài ngày sau đó.

Vô trùng và sát khuẩn - những thay đổi thần kỳ

Nhờ phát hiện này của Lister, bây giờ chúng tôi (BS Atul Gawande - người dịch) đã tiến hành vô khuẩn cho bệnh nhân bằng cách đeo găng tay, áo choàng vô trùng, mang khẩu trang, đội mũ, đặt màn vô trùng và bôi thuốc sát khuẩn cho bệnh nhân. Các dụng cụ phẫu thuật được khử trùng bằng hơi nước hoặc bằng nồi hấp. Chúng tôi đã sắp xếp lại hầu hết các quy trình, dụng cụ của phòng mổ để đảm bảo vô khuẩn cho bệnh nhân.

Ngoài ra, chúng tôi cũng bổ sung thêm một chức vụ gọi là y tá lưu hành để kiểm soát nhiễm khuẩn trong phòng mổ. Mỗi khi cần một dụng cụ không được chuẩn bị trên bàn mổ, chúng tôi sẵn sàng dừng cuộc phẫu thuật đến khi dụng cụ đó được khử trùng. Qua đó, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn được đưa ra. Y tá lưu hành đảm nhiệm thêm việc rửa và xử lý dụng cụ phẫu thuật, sẵn sàng hỗ trợ khi cần. Công việc của họ không chỉ giúp các bác sĩ mà còn giúp bệnh nhân tránh bị nhiễm trùng. Sự có mặt của họ đã đưa đến việc yêu cầu vô khuẩn là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoàn cảnh.

Khó khăn trong việc ngăn ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện không phải là do sự thiếu hiểu biết hay thiếu phương pháp mà là về tuân thủ. Để tất cả mọi người tuân thủ quy trình vô khuẩn rất khó khăn.

Tại sao sau 140 năm, sự cẩn thận vô khuẩn trong phòng mổ không được lan rộng ra bên ngoài? Mà, người cẩn thận nhất trong phòng mổ lại thường là những người ít cẩn thận nhất trong bệnh viện?

Tôi biết, bởi vì tôi là một trong số đó.

Tôi thường cố gắng cẩn thận hết sức để rửa tay khi ở nhà hoặc bên ngoài nhưng lại ít rửa tay khi ở bệnh viện.

Bác sĩ lười rửa tay và sự thay đổi gốc rễ bắt nguồn từ cách làm ở một làng quê Việt Nam - Ảnh 1.

Tranh của Kapesh Zunjarrao

Câu trả lời của bác sĩ: "Thiếu thời gian"

Khi tôi bước vào phòng bệnh và phải suy nghĩ những điều sẽ nói với bệnh nhân hoặc gia đình họ về ca phẫu thuật, có khi chỉ đơn giản là những câu chuyện bông đùa thì tôi lại hoàn toàn quên mất đi việc rửa tay bằng gel sát khuẩn, cho dù trên tường có rất nhiều bảng thông báo nhắc nhở. Đôi lúc tôi nhớ, nhưng trước khi tôi bắt đầu rửa tay, bệnh nhân đã đưa tay ra chào tôi, và thật bất lịch sự nếu không chào lại. Thỉnh thoảng tôi nghĩ "mặc kệ họ, tôi phải đi rửa tay trước", nhưng có gì khác nếu hãn hữu tôi mới làm như thế?

Chuyên đề: Chuyên Gia Nói về Covid-19, độc quyền và tin cậy chỉ có trên mạng xã hội Lotus.vn , giúp bạn có kiến thức chuẩn mực, thái độ bình tĩnh để phòng chống dịch Covid-19.

Tải apps Lotus để có lá chắn vững chắc, mạnh mẽ chống lại Covid-19, bấm vào đây .

Vài năm trước, Paul O’Neill, cựu thư ký của Bộ Tài chính và Giám đốc điều hành của tập đoàn Alcoa, đã đồng ý đảm nhiệm vị trí trưởng ban sáng kiến ​​chăm sóc sức khỏe khu vực tại Pittsburgh, Pennsylvania. Ông đã xem nhiễm trùng bệnh viện là một trong những ưu tiên hàng đầu của trong công việc của mình.

Ông chỉ định một kỹ sư công nghiệp trẻ tên là Peter Perreiah vào một đơn vị phẫu thuật gồm 40 giường tại một bệnh viện cho cựu quân nhân tại Pittsburgh. Một bác sĩ kể lại với tôi rằng khi gặp nhân viên của đơn vị này, Peter không hỏi: "Tại sao anh không rửa tay?" mà hỏi: '"Tại sao anh không thể tuân thủ quy trình rửa tay?". Câu trả lời phổ biến nhất là "thiếu thời gian".

Với vai trò kỹ sư, Peter đã giải quyết tất cả những điều làm tốn thời gian rửa tay của nhân viên y tế. Anh đưa ra quy trình "cung ứng đúng lúc", đặt áo choàng, găng tay, băng gạc, băng keo và những thứ khác mà nhân viên cần ở ngay đầu giường bệnh nhân, vì vậy họ không phải đi ra khỏi phòng phẫu thuật để tìm.

Thay vì bắt mọi người lau chùi ống nghe (một trong những vật mang mầm bệnh nhất từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác), ông chỉ định sắp xếp mỗi phòng bệnh một ống nghe treo trên tường. Anh đã thực hiện hàng tá thay đổi đơn giản nhằm làm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo và giải quyết những khó khăn trong việc vô khuẩn bệnh viện.

Nói cách khác, anh đã làm cho mỗi phòng bệnh giống như một phòng phẫu thuật.

Anh cũng đưa ra một quy trình thường quy xét nghiệm dịch mũi họng cho mọi bệnh nhân khi nhập viện, cho dù họ có mắc bệnh hay không. Bằng cách đó, các bác sĩ sẽ biết được bệnh nhân nào có vi khuẩn kháng thuốc và cần được quản lý vô trùng nghiêm ngặt hơn so với những bệnh nhân khác. Nhờ vậy, tỷ lệ nhiễm trùng MRSA (bệnh nhiễm khuẩn bệnh viện gây ra tỷ lệ tử vong nhều hơn các bệnh khác) đã giảm xuống đến 90%, từ 4 đến 6 ca nhiễm mỗi tháng xuống còn 1 đến 2 ca trong một năm.

Tuy nhiên, sau hai năm, mặc dù được ủng hộ rộng rãi nhưng các ý tưởng của Peter chỉ được áp dụng cho duy nhất một đơn vị khác. Và khi anh rời đi để nhận nhiệm vụ khác, hiệu quả kiểm soát nhiễm khuẩn cũng bắt đầu đi xuống. O’Neill cũng không còn đảm nhiệm vai trò người đứng đầu sáng kiến ​​chăm sóc sức khỏe với sự thất vọng về hiệu quả kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện. Về cơ bản, không có gì thay đổi.

Bác sĩ lười rửa tay và sự thay đổi gốc rễ bắt nguồn từ cách làm ở một làng quê Việt Nam - Ảnh 2.

Từ express.co.uk

Thay đổi gốc rễ bắt nguồn từ cách làm ở một làng quê Việt Nam

Mặc dù vậy, niềm tin có một sự thay đổi tích cực nào đó đã không mất đi. Jon Lloyd, một bác sĩ phẫu thuật đã giúp đỡ Perreiah trong dự án, đã tiếp tục công việc này.

Anh tình cờ đọc một bài báo nói về chương trình "Save the Children" nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam. Câu chuyện này đã gợi cho Lloyd một ý tưởng.

Chương trình chống suy dinh dưỡng kể trên do Jerry Sternin (một nhà dinh dưỡng học của Đại học Tufts, Monique) và vợ điều hành. Họ không áp dụng các giải pháp từ bên ngoài vào những ngôi làng có trẻ em suy dinh dưỡng vì chúng đều thất bại. Dù các biện pháp phòng chống suy dinh dưỡng như bổ sung nhiều thực phẩm bổ dưỡng, cung cấp chế độ ăn hiệu quả… đã được khuyến cáo từ lâu nhưng khi áp dụng vào thực tế, đa số dân địa phương đều miễn cưỡng. Do đó, Sternins tập trung tìm kiếm giải pháp từ chính những người trong cuộc.

Ông yêu cầu dân làng tìm ra các gia đình có con được nuôi dưỡng tốt nhất. Sau đó, yêu cầu họ đến thăm và học hỏi cách nuôi con từ chính những gia đình đó. Phương pháp này được gọi là "lệch lạc tích cực".

Đây là một bước ngoặt lớn. Dân làng phát hiện ra rằng, mặc dù nghèo đói nhưng vẫn có những đứa trẻ được nuôi dưỡng tốt trong số họ. Chúng được các bà mẹ nuôi dưỡng một cách khôn ngoan. Khác với những thói quen của dân làng, họ cho con ăn thêm rau xanh hoặc khoai lang và ăn nhiều lần mỗi ngày thay vì chỉ 1 hoặc 2 bữa lớn/ngày, ngay cả khi chúng bị tiêu chảy.

Sau đó, những ý tưởng này bắt đầu lan rộng. Trong vòng 2 năm, tình trạng suy dinh dưỡng đã giảm từ 65% đến 85% ở mỗi làng Sternins từng đến.

Lloyd bị ấn tượng bởi phương pháp này: cốt lõi của nó là phát triển các khả năng mà mọi người đã có hơn là nói với họ về cách phải thay đổi.

Đến tháng 3/2005, ông và Perreiah đã thuyết phục được một giám đốc bệnh viện ở Pittsburgh áp dụng nó trong vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện.

Lloyd thậm chí còn thuyết phục được Sternins tham gia. Họ cùng nhau tổ chức một loạt cuộc thảo luận nhóm trong 30 phút với các nhân viên làm việc trong ngành y tế ở mọi vị trí: nhân viên dịch vụ thực phẩm, lao công, y tá, bác sĩ… và bệnh nhân. Mỗi cuộc họp nhóm đều bắt đầu bằng câu nói: "Chúng tôi có mặt tại đây vì vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện và chúng tôi muốn biết những cách giải quyết mà bạn biết, không có chỉ thị, không có biểu đồ, không có yêu cầu từ các chuyên gia".

Nhờ vậy, các ý tưởng bắt đầu tuôn ra. Mọi người nói về những nơi thiếu bộ phận phân phát gel sát khuẩn, cách giữ áo choàng và găng tay... Nhiều người cho biết đây là lần đầu tiên có ai hỏi họ nên làm gì. Sau đó, tình trạng bắt đầu thay đổi...

Bác sĩ lười rửa tay và sự thay đổi gốc rễ bắt nguồn từ cách làm ở một làng quê Việt Nam - Ảnh 3.

Từ Asianage.com

Kết quả kỳ diệu sau 1 năm

40 máy pha chế gel sát khuẩn tay mới được mua về và đưa đến những vị trí được đề cập trong các cuộc thảo luận. Các y tá bắt đầu sẵn sàng nhắc nhở bác sĩ khi họ không rửa tay - điều trước đó họ không bao giờ dám làm. Tám bác sĩ điều trị nghĩ rằng đeo găng tay khi khám bệnh là điều ngớ ngẩn đã bị 2 đồng nghiệp của họ thuyết phục rằng đây là điều nên làm.

Không phải lúc nào cũng có ý tưởng mới trong các cuộc thảo luận. Sau nhóm thứ 8, họ bắt đầu nghe những ý kiến lặp đi lặp lại ở các nhóm trước, nhưng ông Sternin nói: "Chúng ta vẫn nên tiếp tục, ngay cả khi đó là nhóm số ba mươi hay bốn mươi, vì đây là lần đầu tiên họ được người khác lắng nghe, lần đầu tiên họ có cơ hội đổi mới cho chính mình."

Đội ngũ dự án công khai các ý tưởng và cả những thành tựu đạt được trên trang web của bệnh viện và trong các bản tin thời sự. Họ cũng tiến hành giám sát chi tiết về việc xét nghiệm dịch mũi họng từ mọi bệnh nhân khi họ nhập viện hay xuất viện. Các kết quả này được công bố hàng tháng theo từng đơn vị. Một năm sau khi áp dụng cách tiếp cận này, tỷ lệ nhiễm trùng MRSA đã giảm xuống bằng 0 trong toàn bệnh viện.

Quỹ Robert Wood Johnson và Quỹ chăm sóc sức khỏe Do Thái gần đây đã đưa ra một sáng kiến ​​đa phương thức để thực hiện phương pháp này tại 10 bệnh viện trên cả nước. Tuy nhiên, Lloyd lưu ý rằng vẫn còn phải xem liệu kết quả ở Pittsburgh có được duy trì trong thời gian dài hay không. Nếu thành công trên quy mô toàn quốc, hiệu quả của nó vẫn được duy trì. Đây đúng là ý tưởng hấp dẫn nhất đối với bất kỳ ai đã đau đầu tìm kiếm giải pháp cho vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện.

Trong một chuyến công tác với Yokoe và Marino, khi đi bộ qua một đơn vị bệnh viện, chúng tôi nhận thấy rằng các bác sĩ, y tá, nhà trị liệu vật lý, trợ lý chăm sóc bệnh nhân, chuyên gia dinh dưỡng, người dân, sinh viên ra ra vào vào phòng bệnh nhân nhưng chỉ một số chịu rửa tay đúng cách, số khác thì không.

Yokoe chỉ ra 3 trong số 8 phòng bệnh có mã cảnh báo màu vàng vì các bệnh nhân bị nhiễm trùng MRSA hoặc VRE. Chỉ khi đó tôi mới nhận ra đó là một trong những bệnh nhân của mình.

Bệnh nhân này 62 tuổi và đã ở bệnh viện gần 3 tuần. Ông bị sốc nhiễm trùng từ một bệnh viện khác, nơi cuộc phẫu thuật diễn ra không thành công. Tôi đã phẫu thuật cắt lách và cầm máu khẩn cấp cho ông. Sau phẫu thuật, ông một có vết thương hở ở bụng và không tự ăn được mà phải nuôi dưỡng bằng đường truyền tĩnh mạch nhưng đã dần hồi phục.

Ba ngày sau khi nhập viện, bệnh nhân này được chuyển ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt. Nuôi cấy dịch mũi họng ban đầu cho kết quả hoàn toàn âm tính đối với các vi khuẩn kháng thuốc. Tuy nhiên, các xét nghiệm sau 10 ngày nhập viện lại dương tính với cả MRSA và VRE. Vài ngày tiếp theo, ông bị sốt tới 38,9 độ, huyết áp bắt đầu giảm, nhịp tim tăng lên. Và được chẩn đoán bị nhiễm trùng. Đường truyền tĩnh mạch của ông bị nhiễm khuẩn và phải được tháo ra.

Cho đến lúc đó, khi đứng nhìn vào tấm bảng cảnh báo màu vàng treo trên giường bệnh, tôi mới nhận ra rằng ông đã bị nhiễm trùng trong quá trình điều trị của tôi. Một người trong số chúng tôi chắc chắn đã gây ra điều này.

Dịch từ sách "Better" của BS. Atul Gawande (Đại học Y Havard)

Theo Hà Xuân Nam dịch

Trí thức trẻ

Trở lên trên