Bác sĩ sản chuyên điều trị vô sinh hiếm muộn: Từ chuyển phôi cho đến khi có đứa con mang về là hành trình dài nhưng "em yên tâm"
Hiếm có bác sĩ nào làm mọi công đoạn từ việc chuyển phôi cho đến khi vào phòng đỡ đẻ như BS Nguyễn Ngọc Chiến. Đó là hành trình dài, nhiều khó khăn, nhưng anh vẫn luôn nhắn nhủ đến sản phụ chỉ một câu nhưng vô cùng ấm áp: "Em yên tâm".
- 23-12-2020Nhiệt miệng gây nhiều đau đớn, bất tiện nhưng ai cũng có thể gặp, nhất là khi căng thẳng: Bác sĩ chuyên khoa chỉ cách đối phó đơn giản mà hiệu quả
- 23-12-2020Bác sĩ dinh dưỡng: 4 sai lầm khi nấu và ăn cơm của người Việt khiến cơm mất chất, tăng nguy cơ mắc bệnh
- 23-12-2020Lợi ích của loại gia vị đắt nhất thế giới, giá cao nhất 450 triệu đồng/kg: Bác sĩ gọi là "dược liệu mạnh"
Ths.BS Nguyễn Ngọc Chiến là một người có hơn chục năm gắn liền với buồn vui của các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn. Từng chứng kiến nhiều cặp đôi phải đằng đẵng, mỏi mòn vào ra bệnh viện "tìm con" nên anh thấu hiểu và hơn ai hết muốn là người tháo gỡ được hết các "nút tuyệt vọng" trong hành trình đi tìm con yêu của các cặp vợ chồng.
Hiện tại, BS Nguyễn Ngọc Chiến chuyên làm thụ tinh trong ống nghiệm với hơn chục năm chuyên lĩnh vực sản khoa nhưng ít ai biết rằng, ban đầu đây không phải chuyên ngành mà anh muốn theo đuổi.
Những năm tháng học phổ thông, BS Chiến được tuyển chọn vào đội tuyển Sinh học, được tham dự thi học sinh giỏi quốc gia và đạt giải Ba, trở thành một trong những gương mặt được chọn thẳng vào đại học. Anh quyết định chọn nghề y vì ước mơ muốn trở thành bác sĩ cứu chữa cho bệnh nhân. Vào đại học Y Hà Nội, kết thúc năm thứ nhất, chàng sinh viên Nguyễn Ngọc Chiến tiếp tục khiến mọi người trầm trồ khi giành được suất học bổng toàn phần sang Cu Ba và anh cũng học lên thạc sĩ ở đây.
Chọn chuyên ngành đa khoa để theo đuổi nhưng sau đó BS Chiến lại quyết định lựa chọn khoa Sản và cũng quay lại Cuba để học chuyên về lĩnh vực này. Ý định ban đầu của BS Chiến là trở thành bác sĩ ngoại khoa, được tham gia nhiều ca mổ nhưng sau đó cảm thấy không phù hợp, anh nhanh chóng quyết định chọn sản khoa vì "vừa có nội, vừa có ngoại".
Năm 2013, BS Chiến trở thành bác sĩ sản tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Từ đây, biết bao câu chuyện vui buồn trong lĩnh vực sản khoa khiến BS Chiến càng thêm yêu nghề và cố gắng phấn đấu trở thành bác sĩ "ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua".
Là một bác sĩ sản khoa "mát tay" trong mảng thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)...
Là bác sĩ trẻ nhưng BS Nguyễn Ngọc Chiến được rất nhiều người gửi gắm niềm tin vì "mát tay" trong nhiều trường hợp bị vô sinh, hiếm muộn . Có những cặp đôi đã đi khắp nơi, ra cả nước ngoài điều trị nhưng đều không thành công, có trường hợp chuyển phôi 3-4 năm, thậm chí đến 6-7 lần, có những người mong con đến hàng chục năm trời đằng đẵng... nhưng khi được anh giúp đỡ đều đã ươm mầm thành công.
Trong đó đáng kể nhất là trường hợp em bé mang hai dòng máu Pháp - Việt. Đây là trường hợp của vợ chồng chị Vũ Thị Lanh và anh Thierry. Với tiền sử tắc vòi trứng, chị Lanh đã mất 2 năm ròng rã chạy chữa hiếm muộn bên Pháp nhưng không thành công. Chị bàn với chồng quay trở lại Việt Nam để tìm bác sĩ điều trị vô sinh. Duyên trời sắp đặt cho chị gặp được BS Chiến, để rồi sau hành trình gian nan, anh chị đã sinh được một thiên thần kháu khỉnh.
Vào đầu năm 2019, chị Lanh bắt đầu hành trình thụ tinh trong ống nghiệm theo phác đồ của BS Chiến. Vào ngày đi kiểm tra để xác định phôi có làm tổ hay không, chị đau khổ khi được thông báo quá trình thụ tinh thất bại. Nản chí, chị nghĩ đến việc nhờ người mang thai hộ nhưng BS Chiến hiểu trường hợp của chị là không thể. Với cái tâm người làm bác sĩ, anh không thể bỏ qua, hứa sẽ cố gắng quyết tâm giúp chị Lanh bằng được. Thật tuyệt vời khi tiến hành tạo phôi lần 2, kết quả là phôi thai làm tổ, tiến triển tốt.
Tưởng chừng sóng gió đã qua đi, ai ngờ đến ngày sinh nở, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 , chồng chị Lanh không kịp về bên vợ lúc sinh nở được và nhờ BS Chiến giúp vợ vượt cạn an toàn. Lúc này, BS Chiến không chỉ là bác sĩ nữa mà còn là người thân, là chỗ dựa vững chắc cho bệnh nhân. Nhập viện khi thai tròn 39 tuần, em bé qua siêu âm cân nặng 3,5kg nhưng từ sáng đến chiều không hề có dấu hiệu chuyển dạ. Lo lắng và sốt ruột, người phụ nữ xin bác sĩ được đẻ mổ.
Với kinh nghiệm bao năm trong nghề, đồng thời liệu hết được đường đi nước bước, muốn dành cho mẹ con sản phụ những điều tốt đẹp nhất, BS Chiến động viên chị Lanh sinh thường và chị đã sinh con gái thành công. Ôm công chúa bé bỏng trong vòng tay, chị vẫn cứ ngỡ đây là giấc mơ.
"Đó là ca thụ tinh trong ống nghiệm thành công gần đây khiến tôi vẫn thấy đáng nhớ nhất. Không chỉ là không có chồng bên cạnh, mẹ đẻ chị Lanh còn chưa kịp lên với con nhưng cuối cùng mọi chuyện đều ổn khiến tôi thêm tự tin vào phác đồ đưa ra cho bệnh nhân của mình", BS Chiến nói.
Hay như trường hợp anh bộ đội có vợ 40 tuổi nhưng chưa có bé nào cũng vậy. BS Chiến đã chuyển phôi, theo dõi cả thai kỳ, đến bây giờ, con đã hơn 1 tuổi. Với những trường hợp hiếm muộn lâu năm, tuổi tác của sản phụ lại cao, thách thức đặt ra càng lớn với anh nhưng rồi với tay nghề cùng kiến thức tích lũy bao năm, anh thở phào nhẹ nhõm vì "mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi".
... đồng thời là bác sĩ đỡ đẻ, cứu giúp nhiều ca thập tử nhất sinh
Đó là trường hợp thai 34 tuần, đặt thụ tinh trong ống nghiệm nhưng đặt hẹn khám bác sĩ khác, sau đó chuyển sang cho BS Chiến theo dõi. Khi tiếp nhận, BS Chiến hốt hoảng nhận thấy có dấu hiệu suy thai nên ngay lập tức chỉ định mổ bắt con. Em bé chào đời trong tình trạng suy dinh dưỡng, ối xanh nhưng hiện tại khỏe mạnh, phát triển bình thường.
"Chỉ chậm 20 phút thôi là mất tim thai hoàn toàn. May mắn là bệnh nhân đã đi thăm khám kịp thời và thực hiện đúng chỉ định, nếu không, hậu quả thực sự rất đáng tiếc", BS Chiến chia sẻ về ca bệnh.
Hay như trường hợp bệnh nhân người ngoại quốc mang thai 39 tuần bị cạn ối. Thông thường những trường hợp này sẽ được khuyên đẻ mổ hoặc gây chuyển dạ. Nhưng được BS Chiến tư vấn, bệnh nhân kiên trì chờ đợi và nhờ anh đỡ đẻ bằng phương pháp tự nhiên nhất có thể. Được trao gửi niềm tin tuyệt đối, BS Chiến căng thẳng nhưng cũng quyết tâm vận dụng mọi kiến thức mình có được giúp sản phụ sinh thường thành công.
"Bản thân tôi khi hành nghề đỡ đẻ thường khuyên sản phụ sinh thường vì sinh mổ tiềm ẩn nhiều rủi ro, sức khỏe sản phụ cũng chậm hồi phục hơn", BS Chiến cho biết.
Riêng với người trong gia đình, BS Chiến cũng là người trực tiếp đỡ đẻ cho vợ mình và chị gái với tâm trạng rất bình tĩnh. "Có lẽ do ảnh hưởng của văn hóa Cuba" - BS Chiến cười nói.
Là một bác sĩ đem lại nhiều niềm vui, là nơi trao gửi cho nhiều cặp đôi hiếm muộn, vô sinh nhưng cũng có những ca, BS Chiến không thể giúp. Anh từng giúp một cặp vợ chồng đặt nhiều niềm tin vào mình, theo phác đồ của mình khá lâu nhưng không thành công, lúc ấy, "cảm giác như có món nợ với người đã tin tưởng mình".
Do điều kiện tài chính, do địa lý hay có những quyết định lựa chọn khác, bệnh nhân đành phải rời đi. Những lúc như vậy, BS Chiến không khỏi day dứt. Bởi lẽ, anh không chỉ là bác sĩ mà còn là người bạn của bệnh nhân. Anh cũng không phải là bác sĩ chuyên điều trị hiếm muộn thông thường bởi hiếm có bác sĩ nào làm hết các công đoạn như anh, từ chuyển phôi đến khi có đứa con mang về.
Hành trình ấy thật sự khó khăn hơn nhưng cũng khiến anh yên tâm hơn, được bệnh nhân tin tưởng nhiều hơn. Câu nói anh dành cho các bệnh nhân luôn là: "Em yên tâm", 3 từ giản dị nhưng có sức nặng như lá chắn, giúp bệnh nhân thêm vững tin vào đôi bàn tay vàng của vị bác sĩ có tâm có tài Nguyễn Ngọc Chiến.
"Trong thời gian tới, tôi vẫn chưa có dự định gì mới, vẫn tiếp tục công tác tại Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản của BV Vinmec với mong muốn cứu giúp được nhiều cặp đôi vô sinh, hiếm muộn hơn nữa", BS Chiến cho hay.
Trí Thức Trẻ