MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bác sĩ trẻ đau đáu về "những cái chết bị động" của người cận tử, quyết chạy 250km để gây quỹ

16-10-2020 - 10:55 AM | Sống

Bác sĩ Ngọc Hà chuyên khoa hô hấp, Nội Tổng hợp Bệnh viện quận Thủ Đức đã đưa ra mục tiêu sẽ chạy 250km trong tháng 10 để thực hiện ước mơ của người cận tử.

Vì mong ước gây quỹ cho người cận tử

Bác sĩ Hà cho biết anh đưa ra kế hoạch tập luyện của mình và sẽ đạt được 250 km như đề ra. Hành trình này của anh Hà nhằm gây quỹ giúp đỡ các bệnh nhân nặng hoặc cận tử do Mạng lưới chăm sóc giảm nhẹ và cận tử Châu Á Thái Bình Dương APHN (Asia Pacific Hospice Palliative Care Network) phát động, Bác sĩ Hà đã trở thành bác sĩ tiên phong, ủng hộ hoạt động này.

Người tham gia chiến dịch có thể chạy hoặc đi xe đạp hoặc làm bánh để gây quỹ cho hoạt động hỗ trợ giáo dục đào tạo phát triển chăm sóc giảm nhẹ và cận tử.

Bác sĩ Hà là bác sĩ hô hấp, từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường của đại học, anh Hà đã được các thầy cô nói về trường hợp bệnh nhân cận tử. Bạn bè ra trường mỗi người học một chuyên ngành. Người làm bác sĩ Sản khoa giúp có kỳ sinh nở an toàn; bác sĩ Ngoại khoa để cắt, ghép, nối, tán, thay thế dụng cụ, dẫn lưu; bác sĩ Nội khoa để cho thuốc cho khỏi/đỡ bệnh; bác sĩ răng hàm mặt mang lại sức khỏe răng miệng, bác sĩ Da liễu để làm đẹp… Họ tiếp xúc với bệnh nhân và đều nghĩ sẽ chữa khỏi bệnh.

Bác sĩ trẻ đau đáu về những cái chết bị động của người cận tử, quyết chạy 250km để gây quỹ - Ảnh 1.

Bác sĩ Hà và hành trình chạy vì bệnh nhân cận tử.

Còn về phía bệnh nhân khi đi gặp bác sĩ, chúng ta quan tâm đến việc kiểm soát bệnh tật, đến xét nghiệm, đến tìm nguyên nhân, đến dự phòng biến chứng, chung chung là làm cho mình khỏe hơn/khỏe lại và đẹp hơn.

Tuy nhiên, bác sĩ Hà cho biết khi ra trường tiếp xúc với nhiều bệnh nhân anh nhận ra rằng không phải bệnh nào cũng chữa được bằng y khoa cổ điển. Trong số đó là các vấn đề của người cận tử. Những người cận tử ở Việt Nam hiện đang bị "bỏ rơi" họ không được chăm sóc khi cuối đời.

Người cận tử ở Việt Nam - Những cái chết bị động

Bác sĩ Hà kể có bệnh nhân ung thư phổi, ông phải chịu đau đớn trong những ngày cuối đời và không hề biết mình chết vì điều gì. Gia đình, con cái giấu không cho người bệnh biết bị ung thư và ngay cả khi giai đoạn cuối bản thân ông cũng không biết vì sao mình chết.

Đây thực sự không phải vì bệnh nhân mà thực sự là việc giấu giếm khiến con người đối diện với cái chết bị động. Người bệnh không thể trăn trối điều gì với gia đình, họ chưa chuẩn bị cho cái chết. Nếu họ biết được thời gian sống của mình và biết được bệnh họ sẽ chuẩn bị cho sự ra đi và đặc biệt họ có thể được hỗ trợ chăm sóc giảm đau lúc cuối đời.

Bác sĩ trẻ đau đáu về những cái chết bị động của người cận tử, quyết chạy 250km để gây quỹ - Ảnh 2.

Khi tiếp xúc với bệnh nhân cận tử anh mới thấy hết ý nghĩa của chăm sóc giảm nhẹ.

Tại Việt Nam, người bệnh giai đoạn cuối ít quan tâm đến việc chữa khỏi bệnh. Họ chỉ muốn bớt đau, bớt khó thở, ăn uống vệ sinh được, họ quan tâm đến các vấn đề của gia đình, của người ở lại, và đến các vấn đề tâm linh.

Không chỉ bản thân người bệnh mà ngay cả người nhà cũng cần chuẩn bị một tâm thế để chấp nhận được sự ra đi của người thân. Nếu bác sĩ có thể tư vấn giúp họ chấp nhận sự ra đi đó thì rất tốt.

Nhiều người khi người thân của họ đối diện với giây phút cận tử, bác sĩ nói sẽ chỉ còn ngày một, ngày hai họ suy sụp, giận dữ, hoang mang. Khi đó, nhân viên y tế về chăm sóc giảm nhẹ có thể hỗ trợ được họ rất tốt.

Bác sĩ Hà cho biết mỗi lần đối diện với giây phút cận tử của bệnh nhân anh rất suy nghĩ về các mô hình chăm sóc giảm nhẹ cho họ. Nếu có các bác sĩ, nhân viên y tế, nhân viên cộng đồng chuyên ngành Chăm sóc giảm nhẹ thì những ngày cuối đời của người bệnh sẽ giúp họ thực hiện ước mơ cuối cùng. Người thân của họ cũng có sự chuẩn bị tốt hơn.

Các chuyên gia chăm sóc giảm nhẹ sẽ dành phần lớn thời gian vào việc hỗ trợ về tinh thần cho người bệnh thông qua việc hiện diện và tương tác theo hướng trị liệu cho người bệnh.

Mỗi năm, trên thế giới ước tính có 40 triệu người đang cần chăm sóc giảm nhẹ, 78% trong số họ sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Trên toàn thế giới, chỉ có khoảng 14% những người có chỉ định nhận được chăm sóc giảm nhẹ.

Hiện nay, tại TPHCM mới chỉ có 5 bệnh viện có khoa Chăm sóc giảm nhẹ. Bác sĩ Hà cho biết việc thiếu hụt nhân viên y tế chuyên ngành Chăm sóc giảm nhẹ không phải chỉ là riêng vấn đề của Việt Nam mà là của hầu hết các nước đang, chậm phát triển vùng Châu Á.

Bác sĩ Hà tin rằng những việc anh làm sẽ lan tỏa thông điệp về chăm sóc giảm nhẹ cho người cận tử sẽ đến được với người bệnh, người nhà và ngay cả nhân viên y tế.

Theo Bảo Lâm

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên