Bác sĩ Trương Hữu Khanh hướng dẫn cách xử lý khi doanh nghiệp có F0
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, người nhiễm Covid-19 có nhiều triệu chứng tương tự cảm cúm, chỉ có thể phân biệt thông qua xét nghiệm. Vì vậy, người có những biểu hiện nghi ngờ cần mang khẩu trang đúng cách, hạn chế tiếp xúc người khác.
- 02-12-2021Cách doanh nghiệp sửa chữa ô tô tồn tại và phát triển trong đại dịch Covid
- 30-11-2021Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp: Giảm “sốc” cung ứng đầu vào
- 27-11-2021Việt Nam vẫn là điểm đến lý tưởng của doanh nghiệp FDI sau cơn bão đại dịch
Sáng 4-12, tại chương trình Cà phê doanh nhân chủ đề "Doanh nghiệp thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch Covid-19" do Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM tổ chức, bác sĩ Trương Hữu Khanh và các chuyên gia đã giải đáp nhiều thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến cách phát hiện, xử lý và ứng xử khi có F0.
Các câu hỏi đã được khách mời của chương trình là bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học, nguyên trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, trả lời thoả đáng.
Bác sĩ Khanh lưu ý dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, xuất hiện biến chủng mới và hầu hết doanh nghiệp đều có ca nhiễm mới mỗi tuần. Do đó, khi xuất hiện nhân viên mắc Covid19, doanh nghiệp cần có giải pháp để không bị mất năng suất, giữ cho không có nhiều F1, chứ đừng kỳ vọng không còn F0 trong công ty, đặc biệt là nhà máy. Chủ doanh nghiệp, người quản lý cũng đừng quá lo lắng vì trong môi trường đang có nhiều F0.
Theo bác sĩ Khanh, người nhiễm Covid-19 có nhiều triệu chứng tương tự cảm cúm thông thường như ho, sổ mũi, nghẹt mũi, sốt... Chỉ có thể phân biệt 2 loại bệnh này thông qua xét nghiệm, vì vậy người có những biểu hiện trên cần mang khẩu trang đúng cách, hạn chế tiếp xúc người khác.
Các doanh nghiệp đang nỗ lực bảo đảm môi trường sản xuất an toàn, hiệu quả và "sống chung với F0"
"Khi có F0 trong doanh nghiệp, tuỳ môi trường làm việc của F0 đó thế nào để khử khuẩn đúng cách. Nếu F0 làm trong phòng rộng, trống thì chỉ cần khử khuẩn nơi họ làm việc chứ không cần khử cả phòng. Còn nếu họ làm việc trong phòng kín, nhiều người làm việc và sinh hoạt chung thì cần sát khuẩn. Chú ý là càng nhiều đồ vật trong khu vực có F0 thì càng có nhiều chỗ bám cho virus, vì vậy doanh nghiệp nên quán triệt cho nhân viên chỗ ngồi làm việc phải gọn gàng, ít đồ để giảm nguy cơ bị lây nhiễm bệnh" - bác sĩ Khanh khuyến cáo và lưu ý doanh nghiệp có thể diệt khuẩn bằng tia UV hoặc dung dịch cồn 70 độ.
Cũng tại chương trình, bác sĩ Ngô Thị Ngọc Vân, Giám đốc Công ty TNHH Y tế Đại Phước (Phòng khám Đa khoa Đại Phước), đã hướng dẫn các doanh nghiệp tải Công văn 8728 của Sở Y tế TP HCM về cập nhật gói chăm sóc sức khoẻ tại nhà cho F0 để chủ động áp dụng tại đơn vị.
"Hiện có 3 loại túi thuốc cho F0. Trong đó, gói thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm hạ sốt và nâng cao thể trạng. Gói thuốc B là thuốc kháng viêm và thuốc chống đông. Gói thuốc C là thuốc kháng virus được sử dụng theo Chương trình can thiệp cộng đồng có kiểm soát của Bộ Y tế" - bác sĩ Ngọc Vân thông tin.
Về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp tại TP HCM, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP, cho biết trên 90% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đã hoạt động trở lại. Khó khăn lớn nhất hiện nay là một số ngành hàng chưa kết nối lại được nguồn nguyên liệu; thị trường bị thu hẹp, lao động về quê chưa trở lại làm việc; tuyển dụng lao động mới rất khó khăn, đào tạo lao động trong điều kiện tiếp tục giãn cách chưa thể thực hiện; khó khăn về vốn; chuỗi cung ứng đứt gãy...
Ngoài một số ngành nghề sản xuất, kinh doanh đặc thù như thực phẩm thiết yếu, khẩu trang, dụng cụ y tế, công nghệ thông tin… duy trì, thậm chí phát triển được trong suốt thời gian qua thì các doanh nghiệp bị thu hẹp hoặc ngưng hoạt động đang mở cửa lại dần. Đa số mới khôi phục được khoảng 60 - 70% quy mô cũ. Giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số, đẩy mạnh mua bán oline và đã bước đầu có hiệu quả.
Người Lao động