Bắc Tây Nguyên: Đột phá bằng hạ tầng giao thông liên vùng
Tiểu vùng Bắc Tây Nguyên - cầu nối chiến lược giữa các tỉnh Tây Nguyên với vùng duyên hải Nam Trung Bộ - đang đứng trước thời khắc của những thay đổi lớn, bắt đầu từ hạ tầng giao thông.
Sau khi "điểm nghẽn cố hữu" này được khai thông, nền kinh tế - xã hội của tiểu vùng sẽ có nhiều cơ hội bứt phá.
Hạ tầng giao thông là "điểm nghẽn"
Tiểu vùng Bắc Tây Nguyên gồm 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, thuộc vùng lõi của Khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Thông qua cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (Kon Tum), vùng là điểm trung chuyển quan trọng trên tuyến hành lang thương mại quốc tế nối từ Myanmar - Đông Bắc Thái Lan - Nam Lào với khu vực Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, Bắc Tây Nguyên là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; năng lượng tái tạo (điện mặt trời, thủy điện); xuất khẩu & chế biến nông sản; du lịch sinh thái; thương mại hành lang biên giới… Tuy nhiên, từ nhiều năm nay tình hình phát triển kinh tế của 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng.
Phương thức vận tải chính của vùng là đường bộ và đường hàng không, trong đó giao thông đường bộ đóng vai trò chủ đạo. (Ảnh: cảng hàng không Pleiku - Gia Lai)
Khơi thông dòng chảy
Ghi nhận sự cấp thiết của việc nâng cấp toàn diện hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên, từ năm 2016 - 2020, Bộ Giao thông Vận Tải (GTVT) đã chỉ đạo thực hiện 7 dự án đường bộ tại khu vực với chiều dài khoảng 579 km, tổng kinh phí trên 14.500 tỷ đồng. Trong đó, có 4 dự án thuộc tiểu vùng Bắc Tây Nguyên, gồm: QL14C đoạn qua tỉnh Gia Lai, Kon Tum, QL24 đoạn qua trung tâm huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), QL25 nối tỉnh Phú Yên và tỉnh Gia Lai; QL19 qua đoạn tỉnh Gia Lai - Bình Định.
Cụ thể, tuyến QL14C đã thực hiện bàn giao vào tháng 3/2021. Tuyến đường được kỳ vọng phục vụ mục tiêu kép: tăng cường kết nối 3 tỉnh Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk và tạo điều kiện phát triển kinh tế khu vực đường biên.
QL25 đoạn từ Gia Lai đi Tuy Hòa - Phú Yên về cơ bản đã hoàn thành và dự kiến bàn giao trong tháng 3/2022. Được biết, QL25 sau nâng cấp sẽ giúp cắt giảm chi phí logistics nhờ rút ngắn quãng đường từ Tây Nguyên ra cảng biển tỉnh Phú Yên .
Ở một hướng kết nối khác, dự án nâng cấp các đoạn xung yếu trên QL24 (kết nối tỉnh Kon Tum với tỉnh Quảng Ngãi) theo gia hạn tiến độ sẽ hoàn thành trong tháng 6/2022. Đây là con đường huyết mạch đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu thúc đẩy phát triển du lịch Măng Đen và ngành nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Kon Tum.
Đáng chú ý, dự án mang ý nghĩa kết nối Tây Nguyên và khu vực Nam Trung Bộ là QL19 sau thời gian chờ đợi khá lâu đã chính thức được thi công trên toàn tuyến. Dự án QL19 nối từ cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai) đến cảng Quy Nhơn có chiều dài 143km, tổng vốn đầu tư trên 3.600 tỷ đồng. Thời gian thi công dự kiến trong 16 tháng, hoàn thành toàn bộ vào cuối năm 2023. Khi hoàn thành, QL19 sẽ đáp ứng vận tốc 80km/h, giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa Gia Lai và Bình Định xuống còn 5 tiếng (thay vì 6.5 - 7 tiếng như hiện tại).
Mở hướng phát triển ra biển
Các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ là Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam... đều có mặt tiền giáp biển, phía Tây giáp Kon Tum và Gia Lai với đường biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia. Việc hoàn thiện các trục quốc lộ xương sống, theo đánh giá của chính quyền địa phương và Bộ GTVT, sẽ tạo ra chuỗi kết nối các khu kinh tế, khu sản xuất nông nghiệp, công nghiệp giữa tiểu vùng Bắc Tây Nguyên với khu vực miền Trung, đặc biệt là giữa các cảng biển Kỳ Hà - Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Vũng Rô… đến các cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Lệ Thanh.
Các trục quốc lộ huyết mạch "mở lối" ra biển cho tiểu vùng Bắc Tây Nguyên
Ngoài các dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ ở phía Bắc Tây Nguyên, thời gian qua Bộ GTVT cũng đã thông qua các dự án tăng cường kết nối giao thông với khu vực Tây Nguyên tại các tỉnh ven biển miền Trung. Việc tìm được "tiếng nói chung" trong quy hoạch hạ tầng giao thông giữa hai vùng hứa hẹn không chỉ tạo nên được sức mạnh cộng hưởng mà còn giúp phát huy lợi thế của từng địa phương, cũng như thu hút được nhiều hơn các nhà đầu tư đến "đánh thức tiềm năng", biến tiềm năng thành thực tế.
Trên thực tế, trong khoảng 2 năm trở lại đây, đã có không ít doanh nghiệp "sếu đầu đàn" đến lập dự án cũng như khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư ở tiểu vùng Bắc Tây Nguyên. Với nguồn lực tài nguyên thiên nhiên và tiềm năng lớn về thương mại, dịch vụ, sau khi hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, cơ hội đột phá của vùng là rất lớn.