Bách Hoá Xanh: Doanh thu vượt 2.000 tỷ, trung bình mở 30 cửa hàng/tháng… song những động thái mới có thể kéo lùi thời điểm hoà vốn?
Với nhiều hành động mới triển khai trong quý 3 và chưa cho kết quả ngay, Bách Hoá Xanh trong quý này chưa có nhiều cải thiện so với quý 2 để tiến gần đến điểm hòa vốn trước G&A.
Trong báo cáo nhà đầu tư mới đây, Thế giới Di động (MWG) ghi nhận chuỗi Bách Hoá Xanh (BHX) đạt mức tăng trưởng 3 chữ số trong khi thị trường kênh cửa hàng hiện đại (MT) chỉ tăng trưởng 15% và thị trường kênh truyền thống (TT) đang sụt giảm.
Đặc biệt, kể từ quý 3/2020, BHX online đang có sự gia tăng mạnh mẽ về cả số lượng đơn hàng và doanh thu. Trong đó, số lượng đơn hàng phục vụ thành công chỉ trong quý 3 đã vượt tổng số đơn hàng trong 6 tháng đầu năm và xấp xỉ bằng tổng số lượng đơn hàng trong cả năm 2019. So với thời điểm cuối tháng 6/2020, BHX online đã tăng phạm vi phục vụ từ 8 lên 10 tỉnh/thành phố và tăng số lượng DC online từ 11 lên 19.
Tính chung, tháng 10/2020 chuỗi BHX ghi nhận kỷ lục doanh thu tháng mới, chính thức vượt mốc 2.000 tỷ đồng với hơn 1.650 cửa hàng. BHX tiếp tục duy trì tốc độ mở mới khoảng 30 cửa hàng/tháng và đẩy nhanh tốc độ nâng cấp cửa hàng "5 tỷ" để tăng doanh thu.
Sự tăng trưởng vượt trội của BHX đóng góp bởi việc mở rộng hệ thống cửa hàng tại nhiều tỉnh/thành khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ; cùng sự tăng trưởng doanh số tích cực của các cửa hàng cũ.
Thị phần của BHX vào thời gian cao điểm bùng phát dịch Covid đã lên tới 27% ở Tp.HCM. Hiện nay đang duy trì trên 23% và tiếp tục xu hướng tăng lên từ quý 3/2020. Tính đến hiện tại, 80% số cửa hàng cuối tháng 9/2020 có EBITDA dương. Lũy kế 9 tháng, chuỗi BHX đang có lời EBITDA ở cấp độ sau cửa hàng & DC.
Song, với nhiều hành động mới triển khai trong quý 3 và chưa cho kết quả ngay, BHX trong quý này chưa có nhiều cải thiện so với quý 2 để tiến gần đến điểm hòa vốn trước G&A do:
(i) Trong giai đoạn đầu khi BHX đẩy mạnh nâng cấp các cửa hàng size >=500m2, các cửa hàng này bị gián đoạn hoạt động kinh doanh nhưng vẫn phát sinh chi phí trong 15-30 ngày tùy thuộc vào việc chỉ cơi nới, sắp xếp lại layout hoặc cần xây dựng mới;
(ii) Tăng tỷ lệ chi phí vận hành tại cửa hàng/doanh thu. Sau khi vận hành ổn định 2-3 tháng, doanh số các cửa hàng này đang tăng từ 20% đến 50% so với trước nâng cấp;
(iii) % Chi phí vận hành DC/doanh thu vẫn ở mức xấp xỉ quý 2 do BHX đưa vào hoạt động thêm 2 DC/kho mới so với cuối tháng 6/2020.
(iv) % Chi phí khấu hao/doanh thu tăng lên do BHX đầu tư cho cửa hàng size lớn và các DC mới (thêm 1 kho lạnh). Đây là khoản đầu tư cần thiết để tăng doanh thu, tăng hiệu quả trong việc điều chuyển hàng hóa và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Được biết, khi mở rộng việc nâng cấp cửa hàng với mật độ dày đặc hơn và tại nhiều tỉnh/thành hơn thì doanh thu trung bình 1 cửa hàng sẽ có xu hướng pha loãng. Các cửa hàng size lớn mới nâng cấp, đặc biệt là tại thị trường tỉnh sẽ cần thời gian để tăng dần doanh số nhưng tổng đóng góp/doanh thu BHX đang tăng lên. Mặt khác, việc nâng cấp các cửa hàng BHX lên qui mô "5 tỷ" có một số khó khăn liên quan tới việc tìm kiếm mặt bằng lớn trong khu vực trung tâm thành phố.
Trở lại với câu hỏi được quan tâm, ban lãnh đạo MWG kỳ vọng năm 2021 chuỗi BHX sẽ bắt đầu có lợi nhuận thuần, biên lãi gộp phấn đấu đạt 30%. Kế hoạch cho năm 2020, MWG sẽ rót thêm 3.000 tỷ cho BHX, mục tiêu đạt khoảng 2.000 cửa hàng ở 25 tỉnh, thành từ Đăk Lăk, Lâm Đồng, Khánh Hoà trở vào. Sang năm 2021 vẫn sẽ ở các tỉnh này và bổ sung thêm 500-600 shop, tuy nhiên Công ty ưu tiên mở rộng số lượng cửa hàng và không gia tăng vùng địa phương nhằm tối ưu công suất DC, hướng tới mục tiêu phải có lời trong 2021.
Trí Thức Trẻ