MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bách Hóa Xanh lỗ lũy kế gần 5.000 tỷ đồng trước thềm chào bán riêng lẻ

30-05-2022 - 08:43 AM | Doanh nghiệp

Doanh thu năm 2021 của chuỗi đạt 28.216 tỷ đồng, lỗ ròng 1.188 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2021, chuỗi lỗ lũy kế 4.950 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 7.852 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu là 12.801 tỷ đồng. BHX có kế hoạch mở rộng thần tốc ra toàn quốc từ 2023, quý IV năm nay bắt đầu mở rộng dần dần, có chọn lọc.

Huy động vốn bên ngoài sau 6 năm

Đầu tư Thế Giới Di Động ( HoSE: MWG ) bắt đầu phát triển chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh vào cuối năm 2015, chuyên phân phối thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh. Quá trình phát triển của chuỗi gắn liền với ông Trần Kinh doanh, cựu CEO MWG. Song, đầu năm nay, ông Doanh rút hoàn toàn khỏi Bách Hóa Xanh cũng như tập đoàn và ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG quay trở lại dẫn dắt.

Việc liên lục mở rộng giúp chuỗi đạt mốc 2.127 cửa hàng tính đến cuối quý I năm nay, chỉ đứng sau WinMart+ thuộc Tập đoàn Masan ( HoSE: MSN ) với 2.708 cửa hàng. Bách Hóa Xanh hướng tới việc có tỷ lệ hàng tươi sống cao, gần giống với các cửa hàng Co.op Foods (khoảng 500 cửa hàng) và Satra Foods (trên 200 cửa hàng) nhưng quy mô lớn hơn nhiều.

Bách Hóa Xanh lỗ lũy kế gần 5.000 tỷ đồng trước thềm chào bán riêng lẻ - Ảnh 1.

Bách Hóa Xanh có tỷ trọng hàng tươi sống cao

Sau 6 năm phát triển, ban lãnh đạo MWG bắt đầu công bố kế hoạch chào bán riêng lẻ huy động vốn và tiến tới IPO. “Bách Hóa Xanh trải qua 6 năm phát triển và hoàn toàn dùng tiền từ tập đoàn rót xuống. Đây là thời điểm phù hợp để chuỗi bước ra ngoài cho nhà đầu tư, cổ đông đánh giá. Tôi cho rằng Bách Hóa Xanh nên có những nhà đầu tư khác để có nhiều hỗ trợ, ý tưởng cho chuỗi phát triển hơn nữa thay vì việc phục thuộc vào Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh, qua đó hiệu quả chuỗi sẽ cải thiện hơn”, ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ.

Theo đó, MWG thành lập và tăng vốn cho CTCP Công nghệ và Đầu tư Bách Hóa Xanh lên 13.900 tỷ đồng để nhận chuyển lại toàn bộ 100% Thương mại Bách Hóa Xanh – pháp nhân hiện đang sở hữu chuỗi Bách Hóa Xanh.

Tập đoàn muốn phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư với tỷ lệ tối đa 20% vốn của Công nghệ và Đầu tư Bách Hóa Xanh trong giai đoạn 2022-2023. Mục tiêu huy động vốn để đầu tư cho trung tâm phân phối, tài sản cố định, kênh bán hàng online.

Ông Tài tiết lộ, MWG công bố tỷ lệ phát hành tối đa 20% nhưng ưu tiên phương án bán với tỷ lệ thấp hơn. Thời điểm IPO chỉ khi quy mô doanh thu, thị phần và lợi nhuận ổn định.

Theo dữ liệu của Người Đồng Hành, năm 2021, chuỗi ghi nhận doanh thu 28.216 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước và gấp 2,6 lần 2019. Biên lợi nhuận gộp cải thiện dần từ 18,5% lên 26,9%.

Nguồn tiền hoạt động của BHX hoàn toàn đến từ công ty mẹ - MWG nên công ty không vay nợ. Do vậy, chi phí tài chính năm trước không đáng kể trong khi có nguồn doanh thu tài chính 42 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí bán hàng và quản lý, công ty lỗ ròng 1.188 tỷ đồng năm 2021, giảm so với mức lỗ 1.926 tỷ đồng năm trước đó và chỉ nhỉnh hơn mức lỗ 1.055 tỷ đồng năm 2019. Điều này cho thấy hiệu quả kinh doanh của chuỗi bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh đang dần cải thiện, quy mô doanh thu tăng mạnh nhưng lỗ ròng giảm.

Bách Hóa Xanh lỗ lũy kế gần 5.000 tỷ đồng trước thềm chào bán riêng lẻ - Ảnh 2.

Đơn vị: tỷ đồng


Tính đến cuối năm 2021, BHX lỗ lũy kế 4.950 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 7.852 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu là 12.801 tỷ đồng.

Trong quý đầu năm nay, doanh thu đạt 6.040 tỷ đồng, tăng 2% so với quý I/2021. Biên lợi nhuận gộp ở mức 25%. 50% trong tổng số cửa hàng hiện tại đang có EBIT (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) dương với doanh số ổn định khoảng 1,2 tỷ đồng/cửa hàng/tháng và đạt trung bình khoảng 6-7%.

Kế hoạch mở rộng ra toàn quốc có thể thực hiện sớm ngay trong quý IV

Vị Chủ tịch MWG thừa nhận năm 2021 với nhu cầu tăng cao trong bối cảnh dịch bệnh, Bách Hóa Xanh tập trung vào khâu chuẩn bị hàng hóa để phân phối mà buông lỏng khâu chăm sóc khách hàng, chất lượng phục vụ. Do vậy, tập đoàn định hướng trong năm nay chuỗi tạm ngưng mở mới để tập trung cải thiện quản trị, tăng trải nghiệm khách hàng, chất lượng dịch vụ thu hút người dùng. Đối với những cửa hàng đã ký hợp đồng thuê mặt bằng và chuẩn bị ra mắt từ năm trước vẫn triển khai theo lộ trình đề ra.

Những thay đổi này đồng thời cũng là nền tảng cho kế hoạch mở rộng ra toàn quốc từ 2023 của chuỗi cửa hàng quy mô doanh thu hơn 28.000 tỷ đồng. Hiện, các cửa hàng thuộc chuỗi chỉ mới hiện diện ở miền Nam.

Ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ ban đầu dự tính triển khai chiến lược mở rộng thần tốc từ 2023. Song, việc mở mới cửa hàng Bách Hóa Xanh ngay từ quý IV khi có cơ hội mặt bằng tốt hay các điều kiện thuận lợi khác. Dù vậy, việc mở rộng này chỉ theo hướng thay thế, tăng diện tích mặt bằng và có sự lựa chọn, trong khi chiến dịch mở rộng thần tốc vẫn diễn ra trong từ năm sau.

Đồng thời, vị lãnh đạo cũng khẳng định Bách Hóa Xanh không mở để tăng lỗ mà mở thêm để giảm lỗ và tăng lời. Ông Tài cho biết chất lượng dịch vụ của chuỗi đã cải thiện khá nhiều trong thời gian qua. Chuỗi bán lẻ hàng tiêu dùng cũng như các chuỗi khác trong hệ thống MWG không tập trung vào cải thiện biên lợi nhuận, ăn chênh lệch mà tập trung vào tăng thị phần, tăng doanh số và cố gắng để giữ vững con số tuyệt đối về lợi nhuận.

“Tôi không muốn ăn chênh lệch % lớn mà thích bán nhiều hơn, thu nhiều hơn và không chiến đấu vì con số %”, ông Tài nói.

Theo Ngọc Điểm

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên