Sáng 10/9, nước dâng cao ở khu vực bãi bồi sông Hồng. Hầu hết các ngôi nhà tạm ở đây đều ngập ngang nhà.
Khi nước lên, người dân chỉ kịp chạy lũ mà không kịp vận chuyển đồ đạc ra ngoài.
Nằm ngay giữa bãi bồi sông Hồng, một số gia đình đã chuẩn bị sẵn tinh thần đối phó với việc nước lên xuống, trang bị phương tiện chống ngập. Trong ảnh là một căn nhà nổi của người dân đứng vững khi nước dâng.
Khuya 9/9, rạng sáng 10/9, nước sông Hồng ở Hà Nội dâng cao, gây ngập lụt ở nhiều khu vực gần sông. Mực nước ngấp nghé gầm cầu Long Biên.
Phố Chương Dương Độ ngập sâu, người dân không thể đi lại.
Để có thể ra tới khu vực bãi giữa sông Hồng, phương tiện duy nhất là thuyền của người dân ven sông.
Mực nước sông Hồng dâng cao, dòng chảy xiết, khả năng ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng cầu Chương Dương. Vì thế, để bảo đảm an toàn, Sở GTVT hạn chế các phương tiện lưu thông trên cầu từ sáng 10/9 cho đến khi có thông báo mới.
Ông Tư, 83 tuổi, người dân trong khu vực Chương Dương Độ chia sẻ, mức nước hiện cao tới 9 m, chưa bao giờ cao như thế. Những năm trước, mực nước sông Hồng cao nhất cũng chỉ 6 m, ngấp nghé 7 m.
Người dân sử dụng xuồng, thuyền máy di chuyển, chở đồ đạc... ra khỏi khu vực ngập sâu trong bãi bồi sông Hồng.
Lực lượng chức năng chặn barie đường đi vào những khu vực ra bãi bồi sông Hồng do nước sông dâng cao.
Không chỉ vùng ven sông Hồng, các quận nội thành Hà Nội cũng chung cảnh "phố biến thành sông". Tại quận Hà Đông, các tuyến đường Phùng Hưng, Yên Xá, Nguyễn Khuyến, Văn Quán... nước ngập khắp lối.
Đặc biệt, có những nơi ngập gần 1m khiến giao thông bị chia cắt hoàn toàn.
Xe máy di chuyển khó khăn khi qua khu vực ngã ba Xa La.
Mưa kéo dài cộng với nước sông Nhuệ tràn bờ khiến nhiều tuyến đường Phùng Hưng, Yên Xá, khu đô thị Xa La chìm trong biển nước.
Loạt biển cấm vượt qua điểm ngập.
Mặc dù có biển cảnh báo, nhiều phương tiện vẫn mạo hiểm băng qua khu vực ngập nước sâu.
Không ít xe bị chết máy khi cố đi qua đoạn ngập sâu.
Hàng loạt xe chết máy do bugi bị ngập nước.