Bãi chôn, lò đốt rác ở Trung Quốc hoạt động hết công suất trước vấn đề nan giải mới từ chiến lược Zero Covid
Các đợt phong toả khiến giao hàng thực phẩm và các đơn đặt hàng trực tuyến tăng vọt. Bao bì kiện hàng cứ thế chất chồng khiến Trung Quốc ngập trong núi rác.
- 13-05-2022Liên tục bắt đáy Bitcoin, El Salvador gánh lỗ bằng khoản thanh toán trái phiếu tiếp theo
- 13-05-2022Được ca ngợi như xu hướng mới, Elon Musk lại gọi xe hydro là “ngu ngốc”, cơ hội soán ngôi xe điện còn bao xa?
- 10-05-2022Làm gì để chuẩn bị cho danh mục đầu tư trước nguy cơ suy thoái kinh tế?
Việc Trung Quốc phong toả và hạn chế đi lại để đối phó với đợt bùng phát Covid-19 lớn nhất của quốc gia này kể từ ngày đầu của đại dịch đang khiến lượng rác thải của các thành phố lớn gia tăng.
Rác thải liên quan đến việc phòng chống Covid-19, bao gồm rác thải từ bệnh viện, phòng khám và cơ sở cách ly đã tăng 4,5 lần, từ 308 tấn trước đợt bùng phát tháng 3 lên 1.400 tấn một ngày ở Thượng Hải.
Theo tờ Nhân Dân nhật báo, thành phố 25 triệu dân này đã bị phong toả trong 5 tuần. Rác thải sinh hoạt hàng ngày liên quan đến Covid đạt 3.300 tấn trong tháng 5, lớn hơn nhiều so với 73 tấn vào tháng 2.
Ngay cả Hồng Kông, nơi có những hạn chế nhẹ nhàng hơn như đóng cửa trường học, quán bar, phòng tập thể dục, cũng như hạn chế giờ tụ tập và giờ đóng cửa hàng quán, cũng phải đối mặt với vấn đề rác thải trên đường phố ngày càng gia tăng.
Khoảng 373 triệu người tại 45 thành phố của Trung Quốc đã bị phong toả hoàn toàn hoặc một phần vào tháng 4. Theo Nomura Holdings Inc., con số này chiếm hơn 3/4 dân số của Liên minh Châu Âu.
Trong khi số ca mắc mới ở Thượng Hải giảm bớt, Bắc Kinh và các thành phố khác của Trung Quốc đang thắt chặt các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát sự bùng phát dịch trong thành phố.
Điều đó khiến lượng giao hàng thực phẩm và đơn hàng mua sắm trực tuyến tăng vọt, do đó lượng bao bì đóng gói cũng tăng lên. Rác thải chất đống gây áp lực lên hệ thống xử lý chất thải vốn đã căng thẳng của Trung Quốc.
Trung Quốc thải ra hàng trăm triệu tấn rác thải gia đình ở thành thị mỗi ngày. Vì hầu hết các gia đình Trung Quốc không phân loại rác nên 97% rác thải được chôn hoặc đốt. Hầu hết 653 bãi chôn lấp đều đầy trước dự tính và 286 lò đốt đang thiếu công suất.
Phố Quỷ còn có tên là Guijie là một trong những phố ẩm thực sầm uất nhất của Bắc Kinh với hơn 100 nhà hàng. Kể từ khi tạm dừng hoạt động ăn uống tại chỗ vào đầu tháng 5, không có khách hàng nào đến con phố này. Hình ảnh thực khách xếp hàng dài trước khi dịch bệnh bùng phát nay thay bằng những người giao hàng mặc đồng phục và đội mũ bảo hiểm.
Xiao Yao, một người chuyển phát thực phẩm cho Meituan, cho biết: "Giao hàng sẽ nhanh lớn vì cơ bản trên đường không có xe ô tô. Các nhà hàng không cần dành thời gian phục vụ khách ăn tại quán".
Các quan chức Bắc Kinh và Thượng Hải tuyên bố sẽ tăng cường vận chuyển và xử lý rác thải. Chính quyền thủ đô hứa rằng họ sẽ đảm bảo tất cả rác thải sinh hoạt được làm sạch, quản lý "kịp thời" và "đạt tiêu chuẩn tốt". Thượng Hải thì đã xây dựng 3 cơ sở xử lý rác thải y tế, nâng công suất lên 1.500 tấn mỗi ngày.
Xu Li, Phó Giám đốc Ủy ban Quản lý Đô thị thành phố Bắc Kinh cho biết: "Hiện tại, năng lực vận chuyển và xử lý rác thải của chúng tôi đã đủ. Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra các điểm thu gom và cơ sở xử lý chất thải, đồng thời giải quyết mọi vấn đề kịp thời".
Tuy nhiên, Trung Quốc đang phải đối phó với lượng rác thải sản sinh ra từ hoạt động mua sắm trực tuyến gia tăng ngay cả trước khi đại dịch bùng phát.
Tổ chức Greenpeace ước tính rằng hoạt động mua sắm trực tuyến ở Trung Quốc đã tạo ra 9,4 triệu tấn bao bì vào năm 2018 và có thể tăng lên 41 triệu tấn vào năm 2025.
Tang Damin, giám đốc dự án Greenpeace Đông Á, cho biết: "Về lâu dài, Trung Quốc cần xây dựng một hệ thống, trong đó những người sản sinh chất thải, cả doanh nghiệp và cá nhân, cần phải trả tiền cho việc xử lý chất thải và gánh vác nhiều trách nhiệm hơn".
Nguồn: Bloomberg