Bài học đắt giá từ ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á
Cho đến khi một thành phố hoặc quốc gia có thể chắc chắn rằng sẽ không còn sự lây nhiễm từ bên ngoài - hoặc có thể theo dõi và kiểm soát một cách hiệu quả - thì việc không lây nhiễm trong địa phương không có nghĩa là nguy hiểm đã qua.
- 21-04-2020"Tiêu chuẩn vàng" bị phá vỡ: Nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh tại nơi Singapore ít đề phòng nhất
- 18-04-2020Singapore: Từ “tiêu chuẩn vàng” chống Covid-19 đến nguy cơ "vỡ trận"
Chưa đầy một tháng trước, Singapore được ca ngợi là một trong những quốc gia có phản ứng kịp thời và đúng đắn nhất trước đại dịch. Như một tấm gương cho toàn thế giới, đất nước này dường như đã khống chế số ca lây nhiễm mà không cần áp đặt các biện pháp phong tỏa nặng nề như những nơi khác.
Và rồi đại dịch bùng phát trở lại. Đến nay đã có những ngày Singapore ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm mới, và với dân số 5,7 triệu người và tổng diện tích khoảng 700 km2 - nhỏ hơn thành phố New York - thì tình hình đã trở nên tồi tệ.
Singapore có những lợi thế mà nhiều nước lớn hơn không có. Đất nước này chỉ có một biên giới đất liền lớn với Malaysia, và có thể kiểm soát chặt chẽ những người đi vào bằng đường hàng không. Singapore cũng sở hữu một hệ thống y tế đẳng cấp thế giới, cùng các quy tắc và chính sách có phần hà khắc hỗ trợ chính phủ trong quá trình kiểm soát đại dịch.
Vậy vấn đề nảy sinh ở đâu?
Câu trả lời hợp lý nhất có lẽ nằm ở sự bỏ sót các trường hợp là những người lao động nhập cư sống trong ký túc xá chật chội, và việc đánh giá thấp tốc độ dịch bệnh lây lan ra cả đất nước khi không áp dụng các biện pháp cách ly.
Người dân bàng quan
Lúc đầu, vị thế là một quốc đảo nhỏ của Singapore dường như mang lại nhiều lợi thế.
Quốc gia này có thể ngăn chặn các ca nhiễm đầu tiên từ Trung Quốc bằng cách tiến hành cách ly và truy tìm các trường hợp tiếp xúc để đảm bảo rằng bất kỳ ai đến bằng đường hàng không mà tiếp xúc với người bệnh đều sẽ bị cách ly và theo dõi.
Đồng thời, quốc gia này đã đẩy mạnh các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm khuyến khích mọi người cẩn trọng. Các khu cách ly được dựng tại các bệnh viện đồng nghĩa với việc bệnh nhân được điều trị theo cách an toàn nhất có thể, đồng thời ngăn nhân viên y tế khỏi nguy cơ nhiễm bệnh.
Quan trọng nhất, theo Dale Fisher, chủ tịch kiểm soát truyền nhiễm tại bệnh viện của Đại học Quốc gia Singapore cho biết: "Singapore đã không để bệnh nhân dương tính trở lại cộng đồng."
Bằng cách thử nghiệm rộng rãi và cô lập tất cả những người có khả năng lây nhiễm, Singapore có thể nới lỏng và tiếp tục hoạt động như bình thường.
"Ở Singapore, chúng tôi muốn cuộc sống tiếp tục như bình thường", Fisher viết vào tháng trước, trước khi đợt bùng phát mới nhất xảy ra. "Chúng tôi muốn các doanh nghiệp, nhà thờ, nhà hàng và trường học luôn mở cửa. Đó mới thực sự là khống chế dịch bệnh thành công. Mọi thứ đều tiến triển với một số thay đổi khi cần thiết, và bạn tiếp tục làm điều này cho đến khi có vắc-xin hoặc liệu pháp điều trị."
Cách tiếp cận đó hoàn toàn trái ngược với Hồng Kông: một thành phố có dân số tương tự. Tại Hồng Kông, các trường công lập đã bị đóng cửa từ tháng Hai và nhân viên chính phủ được khuyến khích làm việc tại nhà, mặc dù mọi người vẫn đi lại trong thành phố tương đối tự do. Kết quả là Hồng Kông đã thành công hơn trong việc đối phó với đợt bùng phát thứ hai.
Trong khi đó, Singapore đến gần đây mới đóng cửa các trường học và một số nơi làm việc, khi xảy ra đợt tăng đột biến số ca lây nhiễm. Sự chậm trễ này đã đẩy tốc độ lây lan một cách đáng kinh ngạc .
Singapore "thất thủ"
Cho đến đầu tháng Tư, Singapore dường như đã ở đỉnh dịch. Nhưng số ca nhiễm tại các cụm mà dường như chính phủ bỏ qua trong khâu xét nghiệm đã nhanh chóng tăng lên. Cách thức cách ly xã hội mềm mỏng của Singapore chỉ có thể chấp nhận nếu số ca nhiễm bên ngoài được khống chế, và các trường hợp tiềm năng mới được phát hiện và xử lý nhanh chóng. Một khi biện pháp này thất bại, tốc độ mà virus có thể truyền từ người sang người lớn hơn rất nhiều so với nơi bị phong tỏa và áp đặt cách ly xã hội nghiêm ngặt.
Nhiều ổ dịch mới liên quan đến nguồn lao động nhập cư của Singapore, đặc biệt là những công nhân hầu hết đến từ Nam Á đó đều sống trong các ký túc xá chật chội, và dường như đã bị bỏ qua trong đợt xét nghiệm ban đầu. Nhiều ký túc xá đã bị cách ly và chính phủ đang tăng cường xét nghiệm cho tất cả công nhân.
Không rõ liệu những ca nhiễm đến từ những người lao động nhập cư từ bên ngoài, hay bùng phát trong số những người chưa được xét nghiệm. Nhưng rõ ràng là điều kiện sống của người lao động khiến việc cách ly "tại nhà" trở nên bất khả thi.
"Các ký túc xá giống như một quả bom hẹn giờ đang chờ phát nổ", Tommy Koh, một luật sư và cựu nhà ngoại giao Singapore, đã viết trong một bài đăng trên Facebook được chia sẻ rộng rãi vào đầu tháng này. "Cách Singapore đối xử với công nhân nước ngoài thật tồi tệ. Chính phủ đã cho phép chủ của họ vận chuyển họ trên những chiếc xe tải không có chỗ ngồi. Họ ở trong khu ký túc xá chật cứng với 12 người vào một phòng."
Koh nói thêm rằng "Singapore nên coi đây là một hồi chuông cảnh tỉnh cho việc đối xử nguồn lao động nước ngoài không thể thiếu một cách công bằng và tử tế hơn bây giờ."
Kể từ đợt tái bùng phát gần đây, Singapore đã đề ra một "bộ ngắt mạch", một gói các hạn chế và quy tắc mới, kết hợp với các hình phạt khắc nghiệt, được thiết kế nhằm ngăn chặn các ca lây nhiễm mới và đưa đất nước trở lại kiểm soát.
Singapore có cơ hội tốt để kiểm soát mọi thứ nhờ quy mô nhỏ, chính phủ quyết liệt và hệ thống chăm sóc sức khỏe được tài trợ tốt. Nhưng bùng phát gần đây ở Singapore là bài học cho phần còn lại của thế giới.
Không có chỗ cho sự chủ quan
Cả Singapore và Hồng Kông chỉ có thể duy trì sự ổn định tương đối trong khi luôn kiểm soát chặt chẽ các ca nhiễm tiềm năng từ bên ngoài. Khi các ca nhiễm tiềm năng ồ ạt tới từ nước ngoài, cả hai đã phản ứng nhanh chóng để ngăn chặn sự bùng phát.
Hồng Kông đã có thể làm điều này dễ dàng hơn vì thành phố chưa bao giờ hoàn toàn nới lỏng, trong khi Singapore buộc phải lập ra "công cụ ngắt mạch", và vẫn còn phải xem điều này có thật sự thành công hay không
Nhưng cách tiếp cận nới lỏng - thắt chặt - nới lỏng đối với các hạn chế chỉ thực sự khả thi ở những nơi như Hồng Kông và Singapore - nơi quy mô dân số đủ nhỏ để có thể quản lý được và cho phép chính quyền kiểm soát chặt chẽ ai đi và đến, theo dõi hành trình của họ nếu cần thiết. Hồng Kông nói riêng đã thiết lập cách ly bắt buộc đối với những người đến từ nước ngoài kể từ giữa tháng ba.
Tuy vậy, cả hai nơi này đều đang tiến gần đến đợt bùng phát lớn thứ hai, buộc họ phải đình trệ kinh tế và áp đặt các biện pháp nghiêm khắc, và đó là bài học cho phần còn lại của thế giới về sự nới lỏng quá sớm.
Như nhiều nơi ở Châu Á đã trải qua, một ổ dịch địa phương có vẻ được kiểm soát không đồng nghĩa với việc sự bùng phát không thể xảy ra bởi những người nước ngoài bị nhiễm bệnh nhập cư vào đất nước.
Cho đến khi một thành phố hoặc quốc gia có thể chắc chắn rằng sẽ không còn sự lây nhiễm từ bên ngoài - hoặc có thể theo dõi và kiểm soát một cách hiệu quả - thì việc không lây nhiễm trong địa phương không có nghĩa là nguy hiểm đã qua.
Và ở các quốc gia lớn hơn, nơi biên giới giữa các khu vực lỏng lẻo và các thành phố không thể kiểm soát và giám sát những ai đến và đi, việc tránh lây nhiễm từ nước ngoài là gần như không thể. Như kinh nghiệm của Singapore cho thấy, nới lỏng quá sớm có thể phản tác dụng.
Theo CNN