Bài học thất bại của ứng dụng ghi chú Evernote: Khi bầu trời sụp đổ do startup kỳ lân vung tay quá trán, loá mắt bởi ánh hào quang tỉ đô
Nhiều nhân sự cấp cao đồng loạt rời bỏ công ty, ứng dụng tràn ngập lỗi đã đẩy startup kỳ lân Evernote đến bờ vực sụp đổ. Đây cũng là cảnh tượng chung của nhiều startup tỷ đô trong thung lũng Silicon.
Sụp đổ trước cổng thiên đường
Stepan Pachikov – một tiến sĩ khoa học máy tính của Liên Xô đã triển khai dự án Evernote vào năm 2004. Evernote sở hữu những lợi thế ban đầu mà tất cả các dự án start-up khác đều thèm khát.
Lúc bấy giờ, rất ít công ty nhìn ra tiềm năng của ứng dụng trên điện thoại thông minh, một phần vì số lượng hệ điều hành quá nhiều khiến chi phí đầu tư để tương thích ứng dụng rất cao, phần còn lại vì số người sử dụng điện thoại thông minh còn rất ít.
Thế nhưng Evernote đã cung cấp một ứng dụng ghi chú cực kỳ tiện lợi cho những tín đồ smartphone mà không có gì thay thế được. Điều đó khiến giá trị Evernote được đẩy lên ngày càng cao. Giới chuyên gia từng dự báo giá trị Evernote sẽ lên đến hàng chục tỷ USD nếu IPO thành công.
Vào giai đoạn đỉnh cao 2012-2015, ban lãnh đạo Evernote mở rộng mảng kinh doanh từ lĩnh vực phần mềm sang các mảng phong cách sống. Công ty đã thiết kế và bán những đôi tất, máy quét, ba lô cao cấp gia công bởi Côte&Ciel (một công ty thời trang Pháp) và hàng tá sản phẩm đặc biệt nhằm "thỏa mãn nhu cầu của mọi người theo cách đơn giản và hiệu quả nhất".
Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, những cú "ngã ngựa" của bốn vị CEO, những đợt sa thải nhân viên hàng loạt đã kéo mây đen lên bầu trời của Evernote.
Đến nay, họ đã đóng cửa ba văn phòng, khóa sổ hàng trăm dự án, bao gồm tất cả các dự án liên quan đến thương hiệu thời trang phong cách Nhật Bản Evernote. Vào mùa thu năm 2018, đồng loạt các giám đốc tài chính, nhân sự, điều hành của Evernote rời khỏi công ty.
Evernote thực sự bị bỏ lại đằng sau trong cuộc đua IPO của những start-up công nghệ như Slack, Pinterest, Zoom, Uber, Lyft và nhiều công ty khác. Dường như Evernote đang nằm chờ tình thế cáo chung trong một vài tháng hoặc một năm nữa khi các nhà đầu tư thoái hết vốn của họ khỏi công ty "hết thời" này.
Ứng dụng ghi chú Evernote
Vì sao nên nỗi ?
Như một quy luật, ở thung lũng công nghệ Sillicon, các startup kỳ lân đều phải trải qua quá trình sàng lọc khắc nghiệt. Những nhà đầu tư công nghệ ở Hoa Kỳ thường tuân theo một công thức chung đối với bất kỳ dự án nào họ đã nhúng tay vào: Fail fast, fail often.
Công thức này ngụ ý, nếu bạn và công ty không tìm thấy thành công trong dự án hiện tại thì chớ ngần ngại tống khứ nó và tìm kiếm cơ hội trong những dự án khác.
Thông thường, các start-up được rót vốn nhanh sau vài vòng kêu gọi đầu tư. Sau đó, họ rơi vào trạng thái tự mãn, hoặc đưa ra những dự án kinh doanh không hiệu quả, hoặc cạn kiệt ý tưởng, thất thoát nhân sự.
Cạm bẫy lớn nhất của những start-up ngày nay là danh hiệu "start-up kỳ lân" khi chạm mốc định giá 1 tỷ USD. Với các công ty non trẻ, việc tranh thủ được đủ nguồn vốn đầu tư để cán mốc định giá 1 tỷ USD là một trong những cách thức chứng tỏ với khách hàng, nhân viên và thế giới biết rằng họ rất đặc biệt, quá lớn và quá giá trị để thất bại.
Họ có nguy cơ bị mắc kẹt giữa hào quang của công ty tỷ đô và những kỳ vọng gần như không thể đạt được. Vòng xoáy suy thoái của start-up có thể không xảy ra trong một vài tháng mà là vài năm, có khi cả thập niên.
Từ năm 2015, công ty nghiên cứu thị trường CB Insights đã theo dõi và thống kê hơn 40 start-up kỳ lân trên thế giới rơi vào tình trạng mắc kẹt trên. Chúng ta có thể kể đến những cái tên như Shazam – ứng dụng nhận diện âm nhạc, Honest Company – công ty cung cấp hàng tiêu dùng an toàn tại Mỹ. Một số công ty khác rơi vào tình trạng phải sa thải nhân viên hàng loạt như Clover Health (cung cấp bảo hiểm y tế), Udacity (học trực tuyến) and Instacart (giao ngũ cốc từ các nông trại địa phương).
Danh sách các công ty kỳ lân của CB Insights còn dài và sẽ tiếp tục bổ sung. Một start-up đình đám trong ngành dầu khí là Hype sau khi IPO với định giá hơn 2 tỷ USD, giờ đây chẳng ai nhớ đến. Ứng dụng nông trại ảo FarmVille với 80 triệu người dùng đã biến mất. Nhà phát hành game video Zynga từng được định giá 7 tỷ USD thời điểm IPO năm 2011 giờ phải bán hầu hết bất động sản của họ để cân đối tài chính.
Ian Small - CEO đời thứ năm, đang chống đỡ "bầu trời" cho Evernote
Vung tay quá trán chưa bao giờ là tốt
Trụ sở chính của Evernote nằm thấp thoáng trên Cao tốc 101, nơi có những bảng quảng cáo dịch vụ tài chính cho những triệu phú IPO mới nổi. Từ tầng 5 của trụ sở Evernote, các giám đốc của công ty có thể với tầm mắt đến ngoại ô thung lũng Silicon.
Người ta đếm được ở đấy hơn chục công ty trẻ, khỏe hơn Evernote, trong đó có cả Box.com – một công ty lưu trữ điện toán đám mây IPO năm 2015. Giờ đây doanh thu của Box gấp sáu lần Evernote, còn số nhân viên thì gấp chín lần.
Nhớ ngày nào, "Remember Everything" (Ghi nhớ mọi thứ) là slogan đã theo suốt hành trình của Evernote. Khi công ty này đạt trạng thái kỳ lân vào năm 2012, CEO bấy giờ là Phil Libin đã tuyên bố Evernote sẽ lan tỏa trong cộng đồng và trở thành một phong cách sống của mọi người. Đó cũng là lý do Evernote bắt đầu triển khai dự án "Evernote the Lifestyle Brand".
Thời điểm đó, Evernote đổ hàng trăm triệu USD của các quỹ đầu tư mạo hiểm vào hàng tá lĩnh vực khác nhau. Evernote xây dựng cả ứng dụng chat, ứng dụng nấu ăn, ứng dụng quản lý danh bạ và ứng dụng thẻ từ. Họ đầu tư thêm loại sổ tay mang tên Moleskine với giá bán lên đến 32.95$. Các đối tác của Evernote nhận được những hợp đồng béo bở để số hóa các ghi chú Post-it.
Từ lúc Post-it thu hút hơn 150 triệu người dùng, CEO Libin vẽ ra một viễn cảnh "start-up thế kỷ" để nói về Evernote trước khi startup này giảm tốc vào năm 2015 và công ty thay một vị CEO mới là Chris O’Neill – cựu giám đốc của Google.
Di sản mặn đắng cho hai đời CEO
Chris O’Neill tiến hành sa thải hàng loạt nhân viên, ngưng hàng trăm dự án lớn nhỏ không hiệu quả của Evernote, cắt giảm nhiều triệu USD phung phí từ ban lãnh đạo tiền nhiệm (như những buổi sushi miễn phí hàng tuần và dịch vụ dọn nhà miễn phí cho nhân viên), đóng cửa ba văn phòng quốc tế và hạ giá đăng ký dịch vụ Evernote.
Chiến lược của Chris O’Neill là tập trung vào công việc kinh doanh phần mềm của Evernote để đương đầu với những ứng dụng tương tự. Nhưng đáng tiếc, ứng dụng Evernote thiếu những chức năng cần thiết và sự khác biệt giữa các phiên bản trên hệ điều hành Windows, iOs, Android gây khó khăn khi đồng bộ dữ liệu.
Thực tế cho thấy, tỷ lệ đóng góp của phần mềm Evernote chưa bao giờ vượt ngưỡng 15% doanh thu công ty, theo New York Times. Các nhân viên công ty bắt đầu mất niềm tin vào chính nơi làm việc của họ. Họ mong chờ tin Evernote được Google hay Microsoft mua lại. Nhưng tất cả chỉ là tin đồn. Thất bại dồn dập dẫn đến sự ra đi của CEO Chris O’Neill.
Mùa thu năm 2018, Ian Small trở thành CEO thứ năm của công ty. Ông nhận thấy Evernote đã đạt đến ngưỡng cần phải có một cuộc cách mạng triệt để từ bên trong để thay đổi toàn diện công ty.
Vị CEO mới can đảm viết một bài đăng trên website chính thức của Evernote, thừa nhận sản phẩm "có những lỗi gây phiền toái cho người dùng" và dù rất cố gắng nhưng trong năm nay, ứng dụng có lẽ sẽ "vẫn gây nên sự thất vọng". Người dùng phản hồi khá tích cực với sự thú nhận trên.
Không dừng lại ở lời nói, Small đã mời được một số kỹ sư phần mềm cao cấp trước đây từng làm việc cho Evernote về làm việc cùng ông để khắc phục lỗi ứng dụng.
Ông cho rằng nguyên nhân Evernote rơi vào khủng hoảng suốt mấy năm qua là do các giám đốc công ty bị đắm chìm trong hào quang của chính mình. Bây giờ, Small sẽ gột rửa sự mù quáng đó.
Từ ngày Ian Small nhậm chức, Evernote giữ được 50 nghìn lượt tải hàng ngày và họ ước tính doanh thu năm 2019 đạt gần 100 triệu USD.
Nếu việc tái cấu trúc tài chính công ty thành công, Evernote có thể có lợi nhuận sau những năm dài thua lỗ vì đầu tư kém hiệu quả.
Trí thức trẻ