Bài học ‘thoát hàng’ cho ngành bất động sản từ Trung Quốc: Bán nhà lấy dưa hấu, tỏi, thịt lợn
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Việc giảm giá mạnh có thể khiến ảnh hưởng dây chuyền lên thị trường, nên nhiều công ty bất động sản Trung Quốc đã có cách "thoát hàng" sáng tạo khác.
- 18-02-2023Vụ chủ ngân hàng đầu tư nổi tiếng biến mất: Giới tài chính Trung Quốc như 'ngồi trên đống lửa', lo đợt siết chặt kiểm soát 2 năm trước lặp lại
- 18-02-2023'Vua đạo nhái' Trung Quốc: Copy mô hình 3 startup của Mỹ để khởi nghiệp đều thành công, đường đường trở thành tỷ phú đôla mặc người đời chê ‘lười biếng’
- 18-02-2023Đam mê "ăn sẵn" ngấm sâu vào máu người Trung Quốc, mọi dịch vụ đều được cung cấp tại nhà, từ mát xa, nấu bữa tối tới dắt chó đi dạo
Theo tờ SCMP, người dân Trung Quốc đã có thể dùng nông sản như dưa hấu, lúa mỳ, đào hoặc tỏi để mua nhà. Câu chuyện nghe như đùa này là sự thật ở nhiều vùng Trung Quốc khi thị trường bất động sản đóng băng, còn môi giới thì phải tìm đủ mọi cách để thoát hàng trong bối cảnh nhiều quy định ngặt nghèo.
Do quy định không cho phép người bán hạ giá dự án quá nhiều, trong khi thị trường ảm đạm ít người mua nên một công ty bất động sản ở Nam Kinh vào tháng 6/2022 đã chấp thuận cho khách hàng dùng 5.000kg dưa hấu thay thế cho 100.000 Nhân dân tệ, tương đương 14.921 USD để mua một căn hộ chung cư dự án.
Tương tự, một công ty ở Henan đã chấp nhận 430.000 kg tỏi từ người mua cho việc thanh toán, qua đó thoát được 30 căn hộ tồn kho.
Tại Wuxi thuộc tỉnh Jiangsu, người mua cũng có thể dùng quả đào để thay thế cho 188.888 Nhân dân tệ tiền mua nhà cho một dự án.
“Chính quyền địa phương không chấp thuận giảm giá quá mạnh nên các công ty chỉ còn biết lách luật”, giám đốc phân tích Zhang Dawei của Centaline Property Agency ngậm ngùi.
Bán nhà bằng kg
Tờ SCMP cho biết dự án Seazen Holding tại Nam Kinh có chương trình bán nhà trả bằng dưa hấu được thực hiện trong khoảng tháng 6-7/2022. Giá nhà tại dự án này vào khoảng 18.800 Nhân dân tệ/m2, tương đương khoảng 1,5-2,3 triệu Nhân dân tệ/căn.
Giá bán buôn dưa hấu tại Nam Kinh vào khoảng 2-4 Nhân dân tệ/kg. Thế nhưng các dự án chấp nhận định giá đến 20 Nhân dân tệ/kg (100.000 Nhân dân tệ cho 5.000 kg) cho chương trình thanh toán nhà bằng dưa hấu, nghĩa là cao gấp 5 lần giá thị trường.
Tuy nhiên hiện Seazen đã tạm hoãn chương trình này để hoàn thiện thêm khi vụ việc lan rộng gây ảnh hưởng xấu đến giá nhà trong khu vực.
Số liệu của Tổng cục thống kê Trung Quốc cho thấy trong tháng 5/2022, giá nhà tại Trung Quốc ở hơn 70 thành phố lớn đã giảm 0,1%. Tệ hơn, phần lớn trong số 100 công ty bất động sản to nhất Trung Quốc đã có doanh số thấp hơn 30% so với mục tiêu đề ra.
“Việc giảm giá trực tiếp cho người mua nhà là không thể do dính dáng đến nhiều quy định, nên các nhà môi giới đã tìm nhiều biện pháp lách luật”, chuyên gia kinh tế Li Yujia tại Viện thiết kế và kế hoạch tỉnh Quảng Đông (GURPDI) nhận định.
Trong khi đó tại Henan, hãng Central China Real Estate cũng phát động chương trình mua nhà bằng tỏi và lúa mỳ vào tháng 5/2022, qua đó chấp nhận mức giá 4 Nhân dân tệ cho mỗi kg lúa mỳ và 10 Nhân dân tệ/kg tỏi để thanh toán khoản tiền 160.000 Nhân dân tệ.
Trong vòng chưa đầy nửa tháng, dự án đã thu hút 3.000 người hỏi mua và 30 căn hộ đã được bán, cùng với đó là 430.000 kg tỏi được giao dịch.
“Tại một số thành phố, nếu giá nhà không giảm đủ sâu thì người mua sẽ không chi tiền. Việc thiếu doanh số, không thoát được hàng sẽ khiến doanh nghiệp thiếu vốn và chìm sâu trong nợ nần chứ không còn vay vốn dễ dàng được từ ngân hàng như trước đây. Điều này sẽ khiến các chương trình bán nhà lấy nông sản còn tiếp diễn”, CEO Andy Lee của Centaline China khẳng định.
Ảnh hưởng lan rộng
Theo CEO Lee của Centaline China, việc hàng loạt dự án bán nhà lấy nông sản có thể ảnh hưởng đến giá mặt bằng chung tại địa phương và khiến các cơ quan chức năng vào cuộc.
Trên thực tế, khoảng 22 thành phố như tangshan, Kunming hay Huizhou đã được lệnh ngăn chặn các công ty bất động sản hạ giá dự án quá sâu, hơn 10-15% giá trị, nhằm tránh một sự sụp đổ hàng loạt trên thị trường.
“Việc hạ giá quá mạnh của các dự án sẽ tác động dây chuyền lên thị trường, bởi vậy chính phủ sẽ kiểm soát để ngăn chặn tình trạng này nhằm bình ổn nền kinh tế”, giám đốc nghiên cứu Yan Yuejin của Viện nghiên cứu và phát triển Trung Quốc (CRDI) nhấn mạnh.
Ví dụ điển hình là vào năm 2018, hãng Country Garden Holdings đã bị nhiều người mua nhà giận dữ biểu tình phản đối tại các dự án ở Shangrao, Jiangxi và Shanghai khi chủ đầu tư quyết định giảm 30% giá bán. Động thái này đã khiến nhiều nhà đầu cơ và khách hàng mua nhà trước đó bị thiệt khi tài sản của họ mất giá.
Câu chuyện này cũng tương tự như việc Elon Musk giảm giá xe điện 2 lần tại Trung Quốc khiến người dân đến tận văn phòng biểu tình do chiếc xe họ mua trước đó mất giá.
Theo thống kê, doanh số của 100 tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc trong nửa đầu năm 2022 đã giảm 50% so với cùng kỳ năm trước, buộc các công ty phải tìm mọi cách để thoát hàng lấy lại vốn.
Tờ SCMP khuyến nghị người mua nhà nên cẩn thận với các chương trình chấp nhận thanh toán bằng nông sản bởi nếu chủ đầu tư không đưa yếu tố này vào hợp đồng thì thỏa thuận mua nhà sẽ thành giảm giá trực tiếp, qua đó vi phạm các quy định của chính phủ và có thể bị vô hiệu hóa.
Trong khi đó, một số chủ đầu tư đã có cách thanh toán bằng nông sản hợp lý hơn như ở Lianyungang thuộc tỉnh Jiangsu. Chủ dự án tại đây đã chấp nhận thanh toán đổi 100kg thịt lợn cho 5.400 Nhân dân tệ, qua đó gián tiếp giảm giá bán nhà cho khách hàng.
*Nguồn: SCMP
Nhịp Sống Thị Trường