Bài học từ cuộc đổi ngôi Nhật - Đức
Cuối tháng 11 năm ngoái, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã xác định và nay chính phủ Nhật Bản thừa nhận: Kinh tế nước này mất vị trí thứ ba thế giới vào tay kinh tế Đức.
- 25-02-2024Nợ toàn cầu đạt mức cao kỷ lục: Đây là quốc gia có tỷ lệ nợ hộ gia đình cao nhất Đông Nam Á
- 25-02-2024Tiết lộ doanh thu 'khủng' từ hành lý ký gửi máy bay
- 25-02-202416.000 nam giới Hàn Quốc ở nhà làm nội trợ chăm con
Một phần tư thế kỷ trước đây, Nhật Bản còn là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới nhưng năm 2010 đã bị kinh tế Trung Quốc vượt mặt và hiện bị đẩy xuống vị trí thứ ba. Gần 4 thập kỷ sau khi Nhật Bản đuổi kịp và vượt qua Đức, nay lại có sự đổi ngôi thứ giữa hai nền kinh tế.
Có hai điều cần được lưu ý thỏa đáng lần này. Thứ nhất, cơ sở để xếp hạng là dữ liệu tuyệt đối về GDP trong quý IV/2023 của Nhật Bản và Đức tính quy chuyển ra đồng USD.
Đồng yen được Ngân hàng Trung ương Nhật Bản chủ ý giữ cho yếu so với đồng USD suốt thời gian qua để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch COVID-19. Trong khi đó, đồng euro được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) làm cho ngày càng mạnh thêm so với đồng USD.
Thứ hai, cả kinh tế Nhật Bản và Đức đều đang trong tình trạng tăng trưởng yếu. Kinh tế Nhật Bản đã bước vào suy thoái trong khi kinh tế Đức ngấp nghé bờ vực đó. Khi xưa, kinh tế Nhật Bản vượt mặt kinh tế Đức trong bối cảnh hai nước đều tăng trưởng mạnh mẽ. Giờ đây, kinh tế Đức giảm sút song kinh tế Nhật Bản còn suy giảm hơn.
Thế nên, Đức có thể thấy thích thú nhưng không có lý do xác đáng để tự hào về sự đổi thế này, còn Nhật Bản có thể buồn nhưng không cần phải quá thất vọng.
Dù vậy, Nhật Bản không thể không tự rút ra những bài học quý báu cho mình. Chính sách tiền tệ, nhu cầu nội địa, năng suất lao động, lực lượng lao động, mức độ già hóa cao trong cơ cấu dân số, cải thiện môi trường kinh tế đối ngoại nói chung và với các đối tác quan trọng nhất trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói riêng đều là những thách thức lớn đối với kinh tế Nhật Bản.
Sự đổi ngôi thứ nói trên đã gióng lên hồi chuông báo động mới, nhắc nhở chính phủ nước này phải quyết liệt và mau lẹ hơn trong các cải cách về chính trị, xã hội và cơ cấu kinh tế.
Sự thay đổi ngôi thứ giữa các nền kinh tế trên thế giới chỉ là sự so sánh khiên cưỡng về "sức mạnh kinh tế cứng" nhưng lại có thể ảnh hưởng trực tiếp đến "sức mạnh mềm" của quốc gia liên quan. Cách đây không lâu, Ấn Độ được dự báo sẽ vượt Trung Quốc trở thành nền kinh tế số 2 thế giới chỉ trong vòng vài năm tới.
Qua đó có thể thấy vượt Mỹ thành nền kinh tế số 1 thế giới rất khó chứ soán ngôi lẫn nhau giữa các nền kinh tế còn lại thì có thể diễn ra rất nhanh, như giữa Nhật Bản và Đức.
Người lao động