MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bài phát biểu của ông Powell tác động thế nào tới các thị trường châu Á?

29-08-2022 - 15:19 PM | Tài chính quốc tế

Quyết tâm theo đuổi chiến lược thắt chặt chính sách từ bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell có thể khiến cho dòng vốn chảy vào các nền kinh tế mới nổ châu Á đảo chiều.

Các thị trường tài chính châu Á bước vào tuần giao dịch mới dự báo đầy biến động sau bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trong khuôn khổ hội nghị thường niên Jackson Hole

Trong khi sự suy yếu của những đồng tiền và thị trường chứng khoán trong khu vực là những tác động chính là những hệ quả xuất hiện tức thì, một số chuyên gia phân tích cảnh báo rằng tồn tại những rủi ro trong dài hạn liên quan tới dòng vốn và khả năng phục hồi các loại hình tài sản rủi ro.

Bài phát biểu của ông Powell tác động thế nào tới các thị trường châu Á? - Ảnh 1.

Bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tác động tới toàn bộ thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có châu Á. Ảnh: Reuters.


Dòng vốn đảo chiều


Nguồn vốn đầu tư chảy vào các thị trường mới nổi có thể sẽ chuyển hưởng vì ông Powell đã khiến không ít nhà đầu tư, những người kỳ vọng Fed sẽ thay đổi quan điểm chinh sách của mình từ thắt chặt sang nới lỏng, phải thất vọng, theo Manish Bhargava, Quản lý quỹ tại Straits Investment Holdings có trụ sở tại Singapore.

Ông Powell “ủng hộ phương án tiếp tục thắt chặt và tôi dự báo sắc đỏ sẽ bao trùm các thị trường châu Á trong ngày 29/8”, ông nhận định. “Cuộc chiến chống lạm phát là mục tiêu hàng đầu của Fed và họ sẽ làm mọi thứ có thể để dành chiến thắng. Do đó, quãng thời gian thị trường hồi phục trong mùa hè vừa qua sẽ nhanh chóng phai nhạt và trên thực tế, diễn biến thị trường thời gian gần đây đã chứng minh điều đó”, ông nói.

“Dòng vốn đầu tư chảy vào các thị trường châu Á khi nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ thay đổi quan điểm sớm hơn dự kiến”, theo Grace Tam, Giám đốc tư vấn đầu tư tại BNP Paribas Wealth Management, trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc). “Nhưng hiện tại, họ nhận ra rằng điều đó sẽ không sớm xảy ra”, ông nói. Đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá và “dòng vốn sẽ chảy khói các nền kinh tế mới nổi”.


Đồng tiền suy yếu


“Tỷ giá USD/JPY là chỉ dấu rõ ràng nhất cho sự quyết tâm của Fed và có thể chạm ngưỡng 140 trước kỳ họp của Ủy ban thị trường liên bang (FOMC) trong tháng 9”, theo Sean Callow, Chiến lược gia tiền tệ cấp cao tại Westpac Banking Corp. “Bài phát biểu của ông Powell không khác gì một liều tăng lực đối với đồng USD”.


“Chênh lệch lãi suất giữa hai quốc gia tạo áp lực không nhỏ lên đồng tiền nội địa của Nhật Bản. Đồng yên có thể tụt về ngưỡng 140 JPY đổi 1 USD”, theo Tam (BNP). “Đồng yên yếu là tin tích cực đối với thị trường chứng khoán Nhật Bản. Nhưng đối với những nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán, họ cần phải đề phòng những rủi ro về tỷ giá. Vấn đề ở đây là chi phí phòng hộ không hề rẻ”, ông nhận định.


“Áp lực giảm giá của các đồng tiền châu Á vẫn sẽ kéo dài”, theo Divya Devesh, Trưởng nhóm nghiên cứu tỷ giá khu vực ASEAN và Nam Á tại Standard Chartered Bank, Singapore. “Diễn biến xấu của các loại hình tài sản rủi ro toàn cầu sẽ có tác động tiêu cực lan tỏa tới nhiều thị trường tài chính, trong đó có thị trường tiền tệ”, ông nói.


Tác động lan tỏa


“Diễn biến các thị trường tài chính châu Á trong phiên giao dịch đầu tuần 29/8 sẽ rất dữ dội nếu như chúng ta nhìn vào đà bán tháo mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ vào cuối tuần trước, theo Gary Dugan, Giám đốc điều hành tại Global CIO Office, Singapore. “Mô hình tính toán của chúng tôi dự báo về một xu hướng giảm điểm trong ngắn hạn và rất có thể, đà hồi phục từ giữa tháng 6 sẽ hoàn toàn bị xóa sổ”.


Pepperstone Group Ltd. nhận định bài phát biểu của ông Powell giúp xóa bỏ toàn bộ những nghi ngờ về quyết tâm của cơ quan này trong cuộc chiến với lạm phát. “Chúng ta bước vào một tuần mới với các loại hình tài sản rủi ro hứng chịu áp lực giảm điểm từ phiên giao dịch cuối tuần trước. Chúng tôi dự báo chứng khoán châu Á có thể giảm 1-1,5% trong phiên giao dịch đầu tuần”, Chris Weston, Trưởng nhóm nghiên cứu của công ty, viết trong một báo cáo. “Chứng khoán sẽ đối diện với rủi ro giảm điểm trong cả tuần”, ông chia sẻ.


Chứng khoán Trung Quốc không nằm ngoài vùng ảnh hưởng từ quan điểm thắt chặt của Fed, nhưng nhóm cổ phiếu của quốc gia này niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong “có sức chịu đựng tốt hơn” nhờ vào những tiến triển trong quá trình đàm phán các vấn đề liên quan tới khả năng một số doanh nghiệp Trung Quốc bị hủy niêm yết tại Mỹ.


Theo Thái Bình

Người đồng hành

Trở lên trên