Bài toán khó cho doanh nghiệp: Được mở cửa thì lại lo thiếu người lao động
Hiện nay, với những tín hiệu tích cực từ việc kiểm soát dịch tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhiều doanh nghiệp đang “rục rịch” khôi phục hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang phải “đau não” với vấn đề đáng lo ngại về việc thiếu lao động
- 26-09-2021TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho phép được "mở cửa" theo quy định riêng
- 26-09-2021Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp
- 26-09-2021Điểm lại 5 dự án FDI 'khủng' 9 tháng đầu năm: LG đầu tư thêm 2,15 tỷ USD, DN Singapore, Nhật Bản rót hàng tỷ USD vào sản xuất điện
Đóng cửa sản xuất, thất nghiệp tăng cao
Trong báo cáo Thị trường lao động Hà Nội tháng 8/2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã đánh giá thị trường lao động phải đối diện với nguy cơ ảnh hưởng lớn nhất từ đầu năm đến nay.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động ở công suất dưới 20-30% để đảm bảo công tác giãn cách xã hội hoặc không nằm trong các lĩnh vực thiết yếu cho phép. Điều đó dẫn đến nhiều nơi phải cắt giảm số lao động và nhu cầu tuyển dụng ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực như ngành công nghiệp, gia công, lắp ráp hàng hóa, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và nhóm lao động giản đơn.
Trong báo cáo thị trường lao động 7 tháng đầu năm của Cục Việc làm, thị trường lao động đang có xu hướng chững lại và giảm cùng với tốc độ của lực lượng lao động. Theo đó, số lao động có việc làm trong quý 2/2021 giảm còn 49,9 triệu người, ít hơn nửa triệu người so với năm 2019.
Không chỉ vậy, tại các doanh nghiệp mới thành lập trong năm nay, chỉ tiêu về số lao động cũng sụt giảm nghiêm trọng. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, cả nước có 5.761 doanh nghiệp mới trong tháng 8/2021 với số lao động đăng ký là 43,4 nghìn người, giảm 39,1 % về số lao động so với tháng trước.
Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, con số này giảm 54,9%. Điều này chỉ ra rằng doanh nghiệp đang “co lại”, để có thể gồng gánh với tình hình kinh doanh khó khăn và chi phí leo thang do dịch bệnh kéo dài.
Theo Cục Việc làm, lực lượng lao động Việt Nam hiện nay cũng đang giảm nghiêm trọng, không tăng theo đà dân số. Đáng chú ý, theo xu thế tăng lực lượng lao động hàng năm trước khi có dịch, lực lượng lao động thực tế đang thấp hơn trạng thái bình thường mới là 1,7 triệu lao động.
Mở cửa lại thì lại lo thiếu người làm
Hiện nay, TP.HCM và một số tỉnh thành phía Nam đang có những tín hiệu tích cực mới trong công tác phòng chống dịch. Vì vậy, việc mở cửa doanh nghiệp trở lại đang được tiến hành dần dần. Song, việc mở cửa lại cũng gặp nhiều khó khăn, trong đó có ở khoản lao động.
Trong buổi tọa đàm “Kế hoạch phục hồi kinh tế thành phố trong giai đoạn bình thường mới” được tổ chức Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM ngày 25/9, các chuyên gia đã nêu ra nỗi lo thiếu người làm của một số doanh nghiệp hiện nay.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, ông Nguyễn Chánh Phương cho biết trong nhiều tháng qua, một số doanh nghiệp thực hiện sản xuất với phương châm “3 tại chỗ” nên chỉ cho phép 30-50% số lao động được làm việc. Vậy nên, những lao động còn lại đã về quê hoặc nghỉ việc.
Tuy nhiên, việc mở cửa dần trở lại cũng như đơn hàng sản xuất tăng thì thiếu hụt hơn 60% số lao động so với thời điểm trước dịch, bao gồm cả những lao động có kinh nghiệm và tay nghề rất khó để tuyển mới.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean, ông Phạm Văn Việt đã đề cập đến một vấn đề nhức nhối hiện tại là tình dạng rời thành phố về các địa phương để tránh dịch trước tình hình đợt dịch lần thứ 4 vẫn kéo dài.
Đáng chú ý, trong dòng người di chuyển về quê có cả những người lao động của các nhà máy phải thu hẹp hoặc tạm ngưng hoạt động sản xuất . Dù thế nhưng hiện nay vẫn chưa có những con số cụ thể thống kê lượng người rời thành phố về quê.
Ông Phạm Văn Việt lo ngại về vấn đề thiếu người lao động trong tình hình sản xuất khôi phục và mở cửa trở lại. Dù doanh nghiệp muốn khôi phục lại sản xuất, kinh doanh sau khi mở cửa lại, nhưng lực lượng lao động để sản xuất đang ở đâu, họ có đủ điều kiện để quay lại thành phố để làm việc chưa thì doanh nghiệp không biết.