MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bài toán nhân sự "dứt áo ra đi": Khi doanh nghiệp coi trọng phát triển nguồn nhân lực và đội ngũ kế thừa, nhưng nhân viên xem lương bổng là câu chuyện thiết thân

10-04-2019 - 14:51 PM | Doanh nghiệp

Đại đa số nhân viên của các doanh nghiệp đều thuộc thế hệ trẻ với nhiều khác biệt về hành vi cũng như sự mong đợi so với những thế hệ trước. Do đó, các doanh nghiệp cũng cần thay đổi mô hình dựa trên các số liệu và dữ liệu chuẩn.

Talentnet và Mercer – công ty tư vấn nhân sự hàng đầu thế giới vừa công bố khảo sát lương năm 2019, dựa trên việc đánh giá 118 doanh nghiệp từ nhiều ngành nghề khác nhau tại Việt Nam nhằm đưa ra những lời giải quan trọng cho chiến lược của doanh nghiệp trước những thách thức liên quan đến chế độ lương bổng và nhân sự.

Công nghệ cao và dược phẩm là hai ngành tăng lương cao nhất; Ngành tài chính - ngân hàng thưởng nhiều nhất, nhưng lương không đổi

Khảo sát năm 2019 cho thấy, ba ngành dẫn đầu tăng trưởng là Công nghệ cao (Hi-Tech), Dược phẩm (Life Sciences) và Hóa chất (Chemicals) với mức tăng lần lượt là 9,1%, 9,1% và 9%. Nhóm ngành hàng tiêu dùng được dự đoán tăng trưởng thấp nhất, đạt 8,4%, sụt giảm 0,1% so với năm 2018.

Nhóm ngành tài chính - ngân hàng mặc dù không đứng vào top 3 tăng trưởng nhưng lại có biên độ tăng cao nhất, là 0,8% so với năm 2018, đạt 8,6%. Tỷ lệ thưởng năm 2018 của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành tài chính - ngân hàng dẫn đầu các nhóm ngành khảo sát (25,4%), bỏ khá xa ngành xếp thứ hai là dược phẩm (18,5%).

Dấu hiệu này chứng tỏ hiệu quả kinh doanh tốt cũng như việc tích cực khai thác tiềm năng của thị trường từ nhóm ngành ngân hàng trong và ngoài nước.

Theo báo cáo của Talentnet và Mercer, lương năm 2019 dự kiến tăng 8,8%, chỉ cao hơn 0,2% so với năm 2018. Đi sâu vào số liệu cụ thể, dự báo chỉ ra lương chỉ tặng nhẹ ở cấp lãnh đạo, điều hành, quản lý, còn cấp nhân viên và lao động phổ thông thì gần như không đổi.

Đa số doanh nghiệp được hỏi trả lời rằng trọng tâm của năm 2019 là phát triển nguồn nhân lực và đội ngũ kế thừa do "mất người quá nhiều", bên cạnh đó là công tác trau dồi khả năng cho người lao động. Câu chuyện lương bổng chỉ xếp hàng thứ ba.

Mặc dù các doanh nghiệp được khảo sát nhận định câu chuyện lương bổng chỉ xếp hàng thứ ba về mức độ quan tâm nhưng mối quan tâm lớn nhất cho khảo sát năm nay lại là những lý do khiến nhân viên rời ghế, trong đó lương trở thành vấn đề thiết thân.

Việc thiếu cơ hội phát triển nghề nghiệplương thưởng không cạnh tranh là hai nguyên nhân lớn nhất, được 47% nhân viên khảo sát nêu lên. Trong khi so với năm ngoái, yếu tố lương thưởng không cạnh tranh chỉ là lý do thứ hai khiến nhân viên nghỉ việc

Bài toán nhân sự dứt áo ra đi: Khi doanh nghiệp coi trọng phát triển nguồn nhân lực và đội ngũ kế thừa, nhưng nhân viên xem lương bổng là câu chuyện thiết thân - Ảnh 1.

Khảo sát lương năm 2019 của Talentnet và Mercer thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia

Kinh tế năm 2019 nhiều thách thức, doanh nghiệp vẫn tăng trưởng nhưng vì sao nên chú ý đến nhân viên?

Khái quát về bức tranh kinh tế năm vừa qua, Talentnet cho biết tăng trưởng GDP sụt giảm nhẹ, lạm phát tăng thêm 0,5%, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 2.587 USD và đã bị Lào vượt mặt.

Tình hình kinh tế năm 2019 sẽ có nhiều thách thức chờ đợi doanh nghiệp, tuy nhiên, Talentnet khẳng định doanh nghiệp vẫn phát triển và buộc phải thay đổi lớn về cấu trúc, chiến lược kinh doanh, nhân sự, đầu tư công nghệ...

Khi được hỏi về doanh thu trong năm, chỉ có 3% doanh nghiệp thực hiện khảo sát nói doanh thu giảm. Đa số doanh nghiệp đều tự tin sẽ bảo toàn doanh thu so với năm ngoài hoặc tăng trưởng từ 5% đến 15%.

Nói về mối quan hệ với người lao động, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, phó Giám đốc Talentnet phụ trách Dịch vụ Khảo sát lương Mercer và Tư vấn nhân sự, cho biết : "Đại đa số nhân viên của các doanh nghiệp đều thuộc thế hệ trẻ với nhiều khác biệt về hành vi cũng như sự mong đợi so với những thế hệ trước. Do đó, các doanh nghiệp cũng cần thay đổi mô hình dựa trên các số liệu và dữ liệu chuẩn".

Theo bà Hương, ngoài sự tiến bộ trong nghề nghiệp, nhân viên cần cảm nhận rõ sự nỗ lực và sự công nhận nỗ lực một cách công bằng. Chế độ đãi ngộ phù hợp và chương trình đào tạo phát triển linh hoạt là điều quan trọng nhất.

"Các doanh nghiệp đã đầu tư dài hạn và bài bản hơn vào chiến lược quản trị nguồn nhân lực. Để đưa ra quyết định kịp thời và chính xác cho nhân viên, các lãnh đạo doanh nghiệp cần nắm bắt được toàn cảnh thị trường thông qua các dữ liệu đáng tin cậy, tránh việc quyết định một cách cảm tính. Đồng thời, xác định mục tiêu dài hạn và chia nhỏ các chiến lược đầu tư đúng người, đúng chỗ", báo cáo khảo sát của Talentnet khuyến nghị.


Theo Phương Danh

Nhịp Sống Kinh Tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên