Bài toán truyền thông cho ngành thực phẩm, tiêu dùng mùa Tết
Được đánh là thị trường phát triển khá ổn định, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) ngay từ thời điểm quý 3/2017 đã được nhiều đơn vị nghiên cứu công bố các chỉ số hấp dẫn. Vào thời điểm gần tết nguyên đán 2018, thị trường đã chứng kiến cuộc “chạy đua” kích cầu tiêu dùng của nhiều “đại gia” trong ngành với các chiến dịch marketing độc đáo và ấn tượng.
Bức tranh tăng trưởng thị trường FMCG
Báo cáo Market Pulse Q3.2017 của Nielsen Company cho thấy, kết quả doanh thu và sản lượng ngành hàng tiêu dùng nhanh tại 5 thành phố lớn đạt được mức tăng trưởng khả quan 6,4%, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó chỉ tính riêng sản lượng của ngành hàng đồ uống đã chiếm 8,5%. Khu vực thị trường nông thôn tăng trưởng sản lượng trong quý đạt 5,6% và đóng góp 54% tồng sản lượng trên thị trường.
Còn trong báo cáo phân tích thị trường do Kantar Worldpanel Việt Nam cung cấp cho thấy sự tăng trưởng lành mạnh của thị trường FMCG trong thời điểm cuối năm 2017. Tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ tiếp tục tăng trưởng cả về giá trị và khối lượng. Trong ngắn hạn, thị trường nông thôn có mức tăng trưởng cao nhất từ quý 2/2016 đến nay. Trong số các mặt hàng, thức uống và thực phẩm đóng gói đang dẫn đầu tăng trưởng ở thành thị, trong khi đó sữa và các sản phẩm từ sữa, thức uống là sản phẩm đang thức đẩy sự phục hồi ở nông thôn.
Hiện nay các cửa hàng bách hóa có quy mô vừa bằng việc nâng cấp và hiện đại hóa đang dẫn đầu tăng trưởng thị trường, không chỉ có thêm thị phần tại các thành phố lớn mà bắt đầu mở rộng ra khu vực nông thôn. Trong khi đó, các siêu thị và đại siêu thị tiếp tục mở rộng phạm vi tiếp cận, thu hút nhiều người tiêu dùng thành thị hơn. Các siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi cũng có sự phát triển nhanh chóng về số lượng… Rõ ràng, với kết quả hấp thụ thị trường của ngành FMCG có khả quan, nhưng ngành hàng vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức bởi số lượng doanh nghiệp tham gia vào “sân chơi” ngày càng nhiều.
Điều gì tạo nên dấu ấn cho doanh nghiệp ngành FMCG?
Thị trường tiêu dùng ngày càng sôi động trong thời điểm cận tết nguyên đán 2018, nhiều thương hiệu lớn đã triển khai chiến dịch marketing và bước đầu đã nhận được phản hồi tích cực từ thị trường. Vậy đâu là yếu tố tạo nên thành công cho một chiến dịch marketing trong mùa đặc biệt này?
Các “đại gia”quốc tế trong ngành FMCG như Coca-Cola với chiến dịch thay đổi bao bì sản phẩm bằng hình ảnh những cánh én vàng, Pepsi gây ấn tượng với sản phẩm Pepsi muối đậm đà hương vị tết... Các thương hiệu Việt như Biti’s, Vinasoy cũng đã kịp ghi dấu ấn trong lòng khán giả với các video clip “Đi để trở về”, “ Mầm lộc an lành”... đều được thị trường nhắc đến như những ví dụ marketing thành công trong mùa tết.
Những concept marketing về tình thân, gia đình, gắn kết sum vầy có thể giúp các thương hiệu “chạm” đến cảm xúc của khách hàng (Ảnh minh họa).
Giống như bất kỳ chiến dịch digital nào, các nhãn hàng thường đặt mục tiêu lợi nhuận và doanh số, hay để tăng brand love. Tết nguyên đán chính là cơ hội để nhiều thương hiệu xây dựng và củng cố hình ảnh của mình trong mắt khách hàng, do đó việc các thương hiệu lớn thực hiện các clip quảng cáo đã trở nên quen thuộc với thị trường tiêu dùng.
Trong điều kiện thị trường FMCG phát triển khá thuận lợi, áp lực thị phần của các doanh nghiệp nhỏ lẻ và doanh nghiệp mới ngày càng lớn. Với nguồn ngân sách còn khá hạn chế, chưa tiếp cận với PR marketing, thậm chí có doanh nghiệp đã quyết định thực hiện chiến dịch marketing nhưng chưa biết phải bắt đầu từ đâu... là những vướng mắc mà hầu hết các doanh nghiệp nhỏ lẻ đang phải đối mặt.
Theo ý kiến của các chuyên gia marketing thì đối với các doanh nghiệp này việc lựa chọn concept marketing càng có ý nghĩa quan trọng. Trong mùa tết thì các ý tưởng về tình thân gia đình, gắn kết sum vầy có thể giúp các thương hiệu “chạm” đến cảm xúc người xem.
Do đó, việc tìm đến ý kiến tư vấn của các đơn vị truyền thông, quảng cáo chuyên nghiệp là rất cần thiết nhằm mang lại hiệu quả marketing cho các nhãn hàng nhỏ lẻ. Bắt đầu từ khâu khảo sát nhu cầu thị trường bằng các công cụ như Google Analytics sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phân tích dữ liệu cá nhân như độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, các hành vi online... của khách hàng. Từ đó tạo thuận lợi cho việc lên concept marketing và triển khai kế hoạch truyền thông đặc thù, đáp ứng thị hiếu của khách hàng với từng loại sản phẩm doanh nghiệp cung cấp.
Tết chính là cơ hội thuận lợi để các nhãn hàng nhỏ, lẻ ghi dấu ấn và gia tăng nhận diện thương hiệu trên thị trường (Ảnh: Afamily).
Các chiến dịch marketing quảng cáo những hàng tiêu dùng nhanh thường bắt đầu sớm và triển khai trong một khoảng thời gian khá dài vì khách hàng có xu hướng mua sắm sớm. Đối với các nhãn hàng mới, nhãn hàng nhỏ lẻ thì rõ ràng mùa tết chính là cơ hội thuận lợi để gia tăng nhận diện thương hiệu trên thị trường. Do đó, các doanh nghiệp này cần có định hướng concept và triển khai kế hoạch marketing kịp thời nhằm bắt kịp xu thế mua sắm của khách hàng dịp cuối năm.