MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bamboo Airways trẻ, khỏe, sẽ tiến rất nhanh, rất mạnh

01-06-2020 - 15:30 PM | Doanh nghiệp

Tại Tọa đàm, các ý kiến cho rằng, trong khi ngành hàng không thế giới còn gặp nhiều khó khăn lớn do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, hàng không Việt Nam đã nhanh chóng hoạt động trở lại - không chỉ khai thác tất cả đường bay nội địa, mà còn chuẩn bị sẵn sàng phục hồi các đường bay quốc tế.

Hàng không đang trở thành bệ phóng thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác phát triển, góp phần khôi phục nền kinh tế, trong đó có du lịch.

Ngày 30/5 tại FLC Quy Nhơn đã diễn ra Tọa đàm "Hàng không Việt trỗi dậy và sự phục hồi nền kinh tế" do Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), Báo VnExpress phối hợp cùng Hãng hàng không Bamboo Airways tổ chức.

Triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ

Phát biểu tại sự kiện, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết cơ quan nhà nước luôn tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam, đồng thời chia sẻ với các doanh nghiệp dịch vụ như cảng hàng không, công ty phục vụ mặt đất, cung cấp suất ăn...

Quan điểm của Cục Hàng không là tạo điều kiện tối đa cho các hãng hàng không, trừ trường hợp hạn chế về cơ sở hạ tầng. Ví dụ như đường bay Côn Đảo, Cục dự định cho máy bay Airbus của Bamboo Airways khai thác đường bay Hà Nội - Côn Đảo, quay về TP HCM.

"Vào ngày cao điểm có tới 21 chuyến bay giữa TP. HCM và Cần Thơ nối Côn Đảo. Tần suất như vậy là quá lớn chỉ trong thời gian rất ngắn, trong 4 tuần từ khi hoạt động trở lại", ông Võ Huy Cường cho biết.

Nói về thực tế của Hãng, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC, Chủ tịch Hãng hàng không Bamboo Airways cho biết Hãng đã có nhiều kiến nghị với Bộ Giao Thông – Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam trước đó, và cơ bản được giải quyết.

"Bộ Giao thông và Cục Hàng không đã kịp thời vào cuộc, đặc biệt là sau lệnh giãn cách xã hội. Nhìn chung, đến thời điểm này, chính phủ, các bộ ngành đều đã triển khai rất quyết liệt các chính sách dành cho ngành hàng không, vì thế, khó khăn đã và đang được tháo gỡ", ông nói.

Bamboo Airways trẻ, khỏe, sẽ tiến rất nhanh, rất mạnh - Ảnh 1.

Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC, Chủ tịch Hãng hàng không Bamboo Airways cho biết các kiến nghị của Hãng với cơ quan chức năng cơ bản đã được giải quyết.

Hiện tại, Bamboo Airways đã mở lại tới 90% đường bay. Tuy nhiên, nếu trước Covid-19, hãng bay 150 chuyến một ngày thì hiện tại mới đạt 50%. Ông Trịnh Văn Quyết khẳng định sẽ phủ kín các đường bay nội địa vào đầu tháng 6, chậm nhất là tháng 7.

Cầu nội địa phát triển tốt

Theo chuyên gia kinh tế - TS. Lê Xuân Nghĩa, kinh tế thế giới được đánh giá là sẽ suy thoái nhanh và phục hồi nhanh khi trung tâm dịch ở châu Á. Còn hiện nay, trung tâm dịch ở châu Âu, khu vực Đông Bắc Á đã bình ổn trở lại, các chuyên gia nhận định, kinh tế thế giới sẽ phục hồi không nhanh, mất vài ba năm. May mắn hơn, Việt Nam không suy thoái kinh tế mà suy giảm tăng trưởng.

Việt Nam đã dập dịch nhanh, vì vậy cần tận dụng cơ hội phục hồi kinh tế cùng khu vực Đông Bắc Á. Việt Nam phục hồi nhanh nhờ cầu nội địa và cầu thế giới, hi vọng mở cửa nhanh cùng Hồng Kông và Singapore.

"Chúng ta, nhìn lên bầu trời sẽ thấy cầu nội địa phát triển tốt, đây là lợi thế của ngành hàng không. Bầu trời sạch, dịch bệnh sạch rồi, chúng ta chỉ cần kích cầu", ông Lê Xuân Nghĩa nói.

Bà Đoàn Thị Lộc - Phó Giám đốc công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết giá vé máy bay thường chiếm 1/3 chi phí của tour. Vì vậy, các công ty thường đàm phán giá cả với nhà hàng, khu vui chơi giải trí... nhằm xây dựng những sản phẩm tốt, kích thích nhu cầu du lịch của người dân. Với việc các hãng hàng không tung vé giá rẻ như hiện nay, khách hàng sẽ được hưởng lợi rất nhiều.

Tiếp theo, việc giảm giá vé máy bay mang tới sự phong phú và đa dạng cho các sản phẩm du lịch. Đây là những sản phẩm phù hợp với xu hướng thị trường hiện tại, khi người dân luôn muốn có được một tour nghỉ dưỡng có giá cả hợp túi tiền.

Bày tỏ quan điểm về mối liên kết hàng dọc trong làm du lịch, ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở du lịch tỉnh Bình Định mong muốn tất cả ban ngành cần thể hiện sự đồng cảm lẫn nhau. Chỗ nào có sự gắn bó của chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch và hàng không, chỗ đó sẽ mau hồi phục hơn. Như tại Bình Định, lượng khách sau giãn cách đạt tới 67%.

"Tùy điều kiện thuận lợi, khó khăn, phải có sự chung tay giữa đơn vị hàng không, lữ hành, địa phương để đưa ra giải pháp phù hợp. Bởi nếu giảm giá liên tục sẽ phá nguyên một hệ thống, không thể làm huề vốn vì chi phí đầu tư cho du lịch cũng rất lớn. Chúng ta cần tìm ra tiếng nói chung để có sự hồi phục mạnh nhất", ông nói.

"Bamboo trẻ, khoẻ, sẽ tiến rất nhanh, rất mạnh"

Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Phòng thương mại Mỹ (AmCham) tại Hà Nội, cho rằng về phương diện kinh tế học, ngành hàng không có thể được coi là quan trọng nhất.

Thực tế, nếu ví ngành hàng không như một đất nước, nó có thể được xếp hạng thứ 20 về kích thước theo GDP, cùng hạng với Thụy Sĩ và Argentina. Nhưng thật không may, virus corona đang gây nên rất nhiều những khó khăn, thách thức chưa từng có cho cả các hãng hàng không, các sân bay, và cả các hành khách.

Bamboo Airways trẻ, khỏe, sẽ tiến rất nhanh, rất mạnh - Ảnh 2.

Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Phòng thương mại Mỹ (AmCham) tại Hà Nội phát biểu tại sự kiện

Ông cho biết tình hình hiện tại ở nước Mỹ không mấy khả quan. United Airlines - hãng hàng không lớn tại Mỹ - trước đây phục vụ 500.000 hành khách một ngày. Nhưng hiện tại hãng chỉ có 10.000 khách một ngày, giảm 98%.

Ngành hàng không tại Việt Nam hoạt động trở lại, hàng triệu người dân ai cũng có thể đi lại, gặp gỡ đối tác, thăm hỏi người thân. Không nhiều nơi trên thế giới có thể tổ chức một tọa đàm như ngày hôm nay, và đó là điều chúng ta cần cảm thấy biết ơn, ông Adam Sitkoff chỉ ra.

Đồng quan điểm, ông Trịnh Văn Quyết cho rằng nếu không có hàng không, kết nối quan hệ kinh tế giữa địa phương, tỉnh thành và nhà kinh doanh, các tuyến tour du lịch sẽ chậm.

"Ngành hàng không thể hiện sức khỏe của nền kinh tế. Nếu sân bay vắng bóng người, thì là sức khỏe của nền kinh tế cũng như hoạt động chống dịch của chúng ta chưa thành công", ông khẳng định, cho biết thêm cảnh tượng còi xe, đông đúc tại lối ra - vào của khu vực nội địa của các cảng hàng không quốc tế ở Việt Nam hiện tại là một minh chứng sống động cho thành công này.

Kết luận tại Tọa đàm, TS. Trần Du Lịch cho rằng cơ hội phục hồi sau Covid-19 không dành cho tất cả các doanh nghiệp. Trong thời đại to không đồng nghĩa là khỏe, nhỏ không đồng nghĩa là yếu, thì một bộ máy tinh gọn sẽ sở hữu nhiều lợi thế hơn.

Bamboo Airways trẻ, khỏe, sẽ tiến rất nhanh, rất mạnh - Ảnh 3.

TS. Trần Du Lịch cho rằng cơ hội phục hồi sau Covid-19 không dành cho tất cả các doanh nghiệp.

"Những doanh nghiệp to, nhưng cồng kềnh, thì không khác gì xe ô tô 18 bánh chạy giữa phố cổ Hà Nội. Đã đi nhiều nơi trên thế giới bằng nhiều hãng hàng không, tôi đánh giá hàng không nội địa Việt Nam là số một. Và hy vọng cho Bamboo Airways, một hãng hàng không trẻ nhưng khỏe, với dịch vụ cao cấp bậc nhất trong số này, sẽ như một chiếc ô tô con, quy mô chưa lớn, nhưng tiến rất nhanh, rất mạnh", ông so sánh.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên