MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán chui cổ phiếu: Những vụ mua bán nội gián đình đám trên thế giới

12-01-2022 - 17:40 PM | Tài chính quốc tế

Một nhà máy của Kodak ở Rochester, New York, Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Một nhà máy của Kodak ở Rochester, New York, Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Tháng 7/2020, giới đầu tư phấn khởi khi giá cổ phiếu Kodak tăng vọt. Kodak từng là một gã khổng lồ trong ngành phim chụp ảnh, nhưng tụt dốc không phanh từ khi máy ảnh kỹ thuật số ra đời.

Giá cố phiếu Kodak tăng mạnh sau khi có tin hôm 28/7 rằng chính phủ Mỹ sẽ cung cấp một khoản vay để hãng chuyển đổi sang sản xuất nguyên liệu sản xuất thuốc chống COVID-19. Một ngày trước khi có tin này, giá cổ phiếu của Kodak chưa đến 3USD, nhưng vài ngày sau đã tăng vọt lên 60USD, Tạp chí Phố Wall đưa tin.

Tuy nhiên, cảm giác hưng phấn đó không kéo dài sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đó nói rằng chính phủ sẽ xem xét những báo cáo cho rằng chủ tịch điều hành và những người khác trong nội bộ Kodak đã được cấp quyền mua cổ phiếu 1 ngày trước khi thông tin về khoản vay được công bố, để sau đó bán tháo kiếm lời. Đến ngày 2/9, Kodak thông báo trên trang web của họ rằng hồ sơ xin vay vốn để cấp cho Dược phẩm Kodak “đang bị dừng lại”.

Tổng công tố New York Letitia James cho biết đã đệ đơn lên toà án tối cao bang New York để yêu cầu CEO Kodak Jim Continenza điều trần công khai về việc mua 46.737 cổ phiếu của Kodak vào đầu hè năm 2020.

Continenza đã mua số cổ phiếu này khi ông ta đang là người phụ trách các cuộc đàm phán bí mật với Nhà Trắng và chính phủ liên bang Mỹ để vay 655 triệu USD nhằm giúp Kodak chuyển đổi hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, trong phản hồi công khai, Kodak nói rằng ông Continenza không nắm được thông tin không công khai quan trọng và việc ông ta mua cổ phiếu đã được luật sư cố vấn trưởng của Kodak chấp thuận theo quy định về giao dịch nội bộ của Kodak.

Kodak khẳng định ông Continenza đã mua cổ phiếu của công ty “gần như trong mọi giai đoạn cửa sổ và chưa bán ra một cổ phiếu nào”. Vì thế, Kodak cho rằng cáo buộc của Tổng chưởng lý là không đúng sự thật.

Còn Tổng công tố James cho rằng giao dịch của Continenza không đúng quy định.

“Chính sách giao dịch nội bộ của Kodak yêu cầu phải gửi thông báo qua email ít nhất 2 ngày trước giao dịch và người gửi phải nhận được phản hồi đồng ý. Nhưng cả hai điều này đã không xảy ra”, Tổng chưởng lý khẳng định.

Buộc tội ai đó giao dịch nội gián đôi khi không thể rõ ràng. Mua bán cổ phiếu về cơ bản là dựa trên những thông tin người này có mà người kia không có. Nếu đặt lệnh đúng thời điểm nhờ giỏi phân tích bảng cân đối tài chính hay thu thập thông tin hiện trường tốt, đó là một nhà đầu tư giỏi. Nhưng nếu được hé lộ một tin tức quan trọng từ lãnh đạo công ty nhân một buổi chơi golf cuối tuần, nhà đầu tư có thể phải vào tù.

Thị trường chứng khoán Mỹ từng ghi nhận nhiều trường hợp điển hình về giao dịch chui. Giao dịch nội gián không chỉ giới hạn ở những người trong nội bộ doanh nghiệp, mà cả hành vi chuyển thông tin nội bộ cho những người thân cận, như nhân tình.

Jeffrey Skilling, giám đốc tài chính của hãng nhiên liệu Mỹ Enron, từng bị kết tội giao dịch nội gián. Điều đó xảy ra khi ông ta che giấu tình hình tài chính khủng hoảng nghiêm trọng của công ty để bán tháo cổ phiếu. Là giám đốc tài chính và là một trong những kiến trúc sư của kế hoạch, Skilling biết công ty chỉ còn là hổ giấy, nhưng các nhà đầu tư thì không. Năm 2006, một thẩm phán liên bang kết luận Skilling phạm 19 tội, trong đó có tội giao dịch nội gián.

R. Foster Winans là cây viết phụ trách chuyên mục của Tạp chí Phố Wall. Dù Winans là người ngoài, nhưng quan hệ gần gũi giữa báo chí mảng tài chính ở New York và các nhà đầu tư Mỹ là không thể tránh khỏi. Winans cuối cùng đã chia sẻ thông tin với một nhà môi giới chứng khoán về những gì ông ta sắp viết trong bài báo tiếp theo. Nhiều người Mỹ đọc và bàn luận về bài báo này, giúp Winans kiếm được món hời lớn. Kế hoạch cuối cùng bị lộ, sau khi Winans kiếm được khoảng 30.000USD. Vụ đó trở thành ví dụ điển hình cho cách báo chí tài chính có thể dính dáng vào trò kiếm tiền gian lận.

Trường hợp này trở thành ví dụ điển hình cho thấy thông tin “nội bộ” không hẳn chỉ là thông tin bên trong doanh nghiệp.

James McDermott Jr. từng sống một cuộc sống sung túc, kiếm được 4 triệu USD mỗi năm từ vị trí chủ tịch và giám đốc điều hành ngân hàng đầu tư Keefe ở Phố Wall. Năm 1999, McDermott bị bắt với cáo buộc chuyển thông tin về 5 vụ sáp nhập ngân hàng sắp diễn ra cho tình nhân, một diễn viên phim người lớn từ Canada.

Cô tình nhân Kathryn Gannon, người được gọi là Ngôi sao Marilyn, kiếm được 80.000USD từ những thông tin McDermott cung cấp. McDermott cuối cùng bị buộc tội giao dịch nội gián và bị kết án 5 tháng tù giam.

Theo Bình Giang

Tiền phong

Trở lên trên