MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán công ty cho các bạn bè tỷ phú – Lối thoát mới của các doanh nhân Việt đầu ngành khi không tìm được người thừa kế xứng đáng?

27-10-2023 - 09:16 AM | Doanh nghiệp

Trong 2 năm gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn đầu ngành tại Việt Nam đã đổi chủ; như Phúc Long về tay Masan, Thọ Phát thuộc sở hữu của KIDO. Ngoài ra, Ba Huân cũng đã chuyển nhượng 25% cổ phần cho CEO mới – Trần Việt Hưng. Điểm chung của 3 DN nói trên là ông/bà chủ không tìm được người thừa kế xứng đáng và muốn nghỉ hưu, lại không muốn mất thương hiệu.

Bán công ty cho các bạn bè tỷ phú – Lối thoát mới của các doanh nhân Việt đầu ngành khi không tìm được người thừa kế xứng đáng? - Ảnh 1.

Thương vụ M&A giữa Masan và Phúc Long tạo rất nhiều cảm hứng cho các DN Việt trong việc mua bán sáp nhập công ty.

Tìm được người thừa kế như ý rất khó khăn ở Việt Nam

Mơ ước của tất cả doanh nhân lớn trên thế giới lẫn Việt Nam là con cháu đủ đam mê lẫn tài năng kế nghiệp bản thân. Tuy nhiên, thực tế luôn rất phũ phàng, nhất là ở những nước đang phát triển như Việt Nam.

Nếu nhìn vào thương trường Việt thời điểm hiện tại, rất khó để tìm kiếm nhiều doanh nhân thế hệ F1 được xem là thừa kế thành công cơ nghiệp gia đình – tức không những giữ vững được thị phần mà còn tăng rộng thêm quy mô kinh doanh của DN.

‘Công chúa mía đường’ Đặng Huỳnh Ức My của Tập đoàn Thành Thành Công, Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy, Vưu Lệ Quyên – CEO Biti’s… chính là một vài gương thành công hiếm hoi.

Bán công ty cho các bạn bè tỷ phú – Lối thoát mới của các doanh nhân Việt đầu ngành khi không tìm được người thừa kế xứng đáng? - Ảnh 2.

Chủ tịch ACB - Trần Hùng Huy

Hiện tại, hầu hết doanh nghiệp đầu ngành ở Việt Nam vẫn đang trong quá trình chuyển giao thế hệ, như REE, Hóa chất Đức Giang, T&T Group, Phát Đạt, PNJ, Alphanam, Xây dựng Hòa Bình, BRG… Ở một khía cạnh khác, chúng ta không được biết nhiều về câu chuyện kế thừa của các Tập đoàn hàng đầu Việt Nam như Masan, Vingroup, Thaco, Vietjet Air, Techcombank, VPBank…

Hầu hết doanh nhân Việt đều có con cái và rất nhiều người trong số họ có được nền tảng giáo dục tốt ngay từ nhỏ, tiếp cận giáo dục ở châu Âu – Mỹ. Tuy nhiên, không nhiều F1 không có hứng thú với việc kinh doanh quy mô lớn hoặc ngành nghề mà ba mẹ đang theo đuổi. Cũng có rất nhiều trường hợp, các F1 chỉ thích làm thể thao, nghệ thuật và văn hóa, thay vì kế nghiệp kinh doanh.

Vậy khi các doanh nhân lớn tuổi muốn về hưu mà con cái lại không mặn mà với cơ nghiệp cha ông đã xây dựng, thì phải làm gì? Một số doanh nhân lựa chọn ‘bán công ty’ hoặc ‘thuê người điều hành’ đợi con cháu trưởng thành. Nhưng bán cho ai và thuê ai lại là những câu hỏi không dễ dàng để trả lời!

Trong quá khứ, có rất nhiều thương hiệu Việt được bán cho các doanh nghiệp nước ngoài. Và không phải tất cả thương hiệu Việt đều bị xóa sổ, nhiều thương hiệu vẫn tiếp tục phát triển tốt đến ngày hôm nay khi về tay nước ngoài như: băng vệ sinh Diana, kem đánh răng P/S, bánh kẹo Kinh Đô, điện máy Nguyễn Kim, Sabeco…Dù vậy vẫn có các trường hợp kém may mắn hơn như kem đánh răng Dạ Lan hay xà bông Cô Ba, hoàn toàn biến mất.

Đây có lẽ cũng là một trong những lý do quan trọng khiến ông chủ Lương Vạn Vinh của Mỹ Hảo đã từ chối lời đề nghị ‘bán mình’ với giá 30 triệu USD của một đối tác nước ngoài cách đây hơn chục năm.

Bán công ty cho các bạn bè tỷ phú – Lối thoát mới của các doanh nhân Việt đầu ngành khi không tìm được người thừa kế xứng đáng? - Ảnh 3.

'Mối tình' dang dở giữa Ba Huân và VinaCapital năm 2018. Ảnh: Thuận Hải/Dân Việt

Hoặc gần đây hơn là câu chuyện hợp tác bất thành giữa Ba Huân và quỹ VinaCapital. Vào năm 2018, quỹ VinaCapital đã đồng ý rót 32,5 triệu USD để đổi lấy gần 34% cổ phần Ba Huân. Tuy nhiên, chỉ không lâu sau khi cả hai báo tin vui, Ba Huân đã đơn phương chấm dứt thỏa thuận vì cho rằng hợp đồng tiếng Anh có nhiều chỗ không minh bạch.

Cụ thể hơn, đó là điều khoản tỷ suất hoàn vốn 22% và giới hạn ngành nghề kinh doanh của Ba Huân chỉ gồm sản xuất, kinh doanh thịt gà và trứng gà. Và nếu Ba Huân không làm theo những cam kết này thì doanh nghiệp sẽ bị phạt trả lại vốn đầu tư, cộng dồn với lãi suất 22% hoặc chuyển giao tối thiểu 51% cổ phần. Nôm na là Ba Huân sợ bị mất công ty vào tay đối tác.

Thuê CEO cũng không phải là một bài toán dễ giải ở Việt Nam. Khi muốn mở thêm mảng bán lẻ trong nước, Phúc Sinh – nhà xuất khẩu tiêu và cà phê lớn hàng đầu Việt Nam, đã thuê CEO để điều hành. Kết quả là họ đã sa thải gần chục CEO và đốt tầm 2 triệu USD trong 2 năm đầu tiên. Cảm thấy hết hy vọng về việc thuê quản lý ngoài, nhà sáng lập Phan Minh Thông đành phải chấp nhận việc kiêm nhiệm.

Ngoài thiếu CEO chuyên nghiệp và giỏi, thì vấn đề niềm tin cũng khiến nhiều ông/bà chủ ngại ngần khi nghĩ về việc thuê một người ngoài vào quản lý công ty của mình.

Bán công ty cho các bạn bè tỷ phú - Lối thoát mới của các doanh nhân Việt?

Khi các doanh chủ đang đứng giữa ngã ba đường - vừa muốn nghỉ hưu, lại không tìm được người thừa kế xứng đáng, cũng không muốn bán cho doanh nghiệp nước ngoài vì sợ mất thương hiệu - một lối thoát mới đang mở ra: các Tập đoàn quốc nội đã đủ lớn và đủ giàu để có thể mua lại. Đặc biệt nếu may mắn, người mua lại có thể còn là bạn bè thân thiết, đã sẵn thấu hiểu qua mối quan  hệ nhiều năm và có thể tin tưởng giao phó.

Năm 2012, Jollibee từng bỏ ra 25 triệu USD để mua 49% cổ phần Highlands Coffee từ Viet Thai International (VTI). Nếu dịch chuyển bối cảnh sang 2022, biết đâu Highlands Coffee có thể thuộc về Masan. Bởi Masan mua lại Phúc Long cũng có quy mô như Highlands Coffee lúc bán cho Jollibee.

Có thể nói, thương vụ bán mình thành công của Phúc Long cho Masan đã tạo cảm hứng cho rất nhiều ông/bà chủ lớn ở miền Nam mạnh dạn 'rửa tay gác kiếm' thu tiền dưỡng già.

Vào cuối tháng 5/2021, tập đoàn Masan tuyên bố bỏ 15 triệu USD để mua 20% cổ phần Phúc Long, tương đương mức định giá chuỗi cà phê, trà sữa này ở mức 75 triệu USD.

Bán công ty cho các bạn bè tỷ phú – Lối thoát mới của các doanh nhân Việt đầu ngành khi không tìm được người thừa kế xứng đáng? - Ảnh 4.

Phúc Long đang phát triển rực rỡ trong tay Masan.

Tháng 02/2022, Masan công bố việc mua thêm 31% cổ phần của chuỗi cà phê, trà sữa Phúc Long với giá 110 triệu USD. Lần mua bán thứ 3 vào ngày 01/8/2022, thông qua công ty con The Sherpa, Masan đã tiến hành mua thêm 34% lợi ích vốn chủ sở hữu của công ty cổ phần Phúc Long Heritage với giá trị 3.617.700 triệu VND, nâng tổng sở hữu cổ phần từ 51% lên 85%.

Với giá trị quy đổi theo tỷ giá 23.540 VNĐ/1USD, ước tính số tiền chuyển nhượng 85% cổ phần Phúc Long Heritage mà Masan phải thanh toán rơi vào khoảng 280 triệu USD, tương đương hơn 6.400 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, ông chủ Phúc Long – Lâm Bội Minh có một người con trai. Trước khi bán cho Masan, ông Lâm Bội Minh cũng đã phải thuê người quản lý chuỗi, nhưng mọi chuyện cũng không suôn sẻ. Hiện ông Lâm Bội Minh không còn quản lý hoặc nằm trong Ban điều hành của Phúc Long mà đã chuyển sang lĩnh vực bất động sản.

Mới đây, nhà sáng lập của bánh bao Thọ Phát - Vũ Phước Thọ cũng quyết định bán công ty cho KIDO Group.

Bán công ty cho các bạn bè tỷ phú – Lối thoát mới của các doanh nhân Việt đầu ngành khi không tìm được người thừa kế xứng đáng? - Ảnh 5.

CEO KIDO Trần Lệ Nguyên và Nhà sáng lập Thọ Phát - Vũ Phước Thọ là bạn bè lâu năm.

Không giấu gì mọi người, tôi có hai đứa con – một trai và một gái. Con gái của tôi hiện đang làm một chuỗi nhà hàng, cũng giỏi lắm và nó không muốn tiếp quản công việc kinh doanh của tôi. Trong khi con trai chỉ mê thể thao và cũng không thích theo ba làm bánh bao. Hơn nữa, tôi năm nay cũng đã 61 tuổi rồi, đã đến lúc phải chuẩn bị cho việc nghỉ hưu.

Còn sở dĩ chọn bán cho KIDO chứ không phải là một đối tác khác, bởi tôi rất nể trọng anh Trần Lệ Nguyên và KIDO. Chúng tôi biết nhau đã lâu, theo quan điểm của tôi, ít ai mê ẩm thực và biết nhiều món ngon cũng như chỗ ăn ngon bằng anh Nguyên.

Hơn nữa, KIDO có rất nhiều kinh nghiệm ở nghiệp vụ M&A và họ cũng đã giúp các thương hiệu sau khi về dưới trướng mình phát triển rực rỡ hơn, như dầu Tường An hay kem Celano/Merino. KIDO cũng có vị thế lớn trên thị trường thực phẩm Việt. Vậy nên, khi quyết định bán Thọ Phát, anh Nguyên và KIDO là sự lựa chọn đầu tiên và duy nhất của tôi ”, ông Vũ Phước Thọ tiết lộ.

Trong công bố tài chính mới nhất của Tập đoàn KIDO: tính đến cuối quý III/2023, KIDO đã rót 810 tỷ đồng để sở hữu 51% cổ phần của doanh nghiệp chuyên sản xuất bánh bao Thọ Phát, tương đương mức định giá Thọ Phát 1.588 tỷ đồng.

Trong nửa đầu tháng 10/2023, KIDO tiếp tục rót thêm tiền để nắm giữ 68% cổ phần Thọ Phát. Nếu tính theo mức định giá trên, số tiền KIDO rót vào Thọ Phát ước tính hơn 1.000 tỷ đồng. Trong tương lai gần, ông Vũ Phước Thọ vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng Thọ Phát.

Tháng 3/2022, bà Phạm Thị Huân – bà chủ Ba Huân xác nhận với truyền thông rằng: đã bán lại 25% cổ phần Ba Huân cho một đối tác trong nước. Bên nhận chuyển nhượng được tiết lộ là Trần Việt Hưng và các thành viên trong gia đình ông. Giá trị của giao dịch này không được tiết lộ.

Bán công ty cho các bạn bè tỷ phú – Lối thoát mới của các doanh nhân Việt đầu ngành khi không tìm được người thừa kế xứng đáng? - Ảnh 6.

Chân dung tân CEO của Ba Huân - Trần Việt Hưng

Doanh nhân Trần Việt Hưng sinh 1985 và có kinh nghiệm gần 10 năm làm việc tại Singapore. Mặc dù bà Huân cũng có mối quan hệ quen biết với gia đình ông Trần Việt Hưng, đây cũng là đối tác trong nước quan trọng của công ty, nhưng bà cũng phải mất 1 năm cân nhắc thì mới ra quyết định này. Ông Trần Việt Hưng được bổ nhiệm làm CEO của Ba Huân sau 6 tháng làm quen với doanh nghiệp.

Bán công ty cho các bạn bè tỷ phú – Lối thoát mới của các doanh nhân Việt đầu ngành khi không tìm được người thừa kế xứng đáng? - Ảnh 7.

Sau nhiều trăn trở, bà Ba Huân cũng đã quyết định thử tin tưởng vào người ngoài.

" Anh này trẻ, giỏi, từng làm việc ở nước ngoài, đam mê về nông nghiệp, đưa ra định hướng mới rất tốt. Tuổi trẻ bây giờ hay lắm, còn năm nay tôi cũng gần 70 tuổi rồi, đâu thể giữ vai trò Tổng giám đốc điều hành hoài. Tôi nhường 25% để anh Hưng có thể linh hoạt, ra quyết định nhanh hơn ", bà ba Huân chia sẻ.

Bà Ba Huân có vài người con, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, không người con nào của bà phù hợp với việc thừa kế doanh nghiệp. Bà cũng có đông anh chị em, nhưng anh chị em của bà lại không ai đủ khả năng điều hành và phát triển Ba Huân trong tương lai.

Theo Quỳnh Như

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên