Bạn đang ở “cái dốc bên kia của cuộc đời”? Đừng lo, vì tuổi già không đáng sợ như bạn nghĩ
Nhắc đến tuổi già, nhiều người trong chúng ta thường mang tâm lí sợ hãi, ngại đối diện. Tuy nhiên, ta vẫn hoàn toàn có thể sống có mục đích và đầy ý nghĩa, dù cho bệnh nặng hay thể chất và tinh thần suy giảm.
- 20-03-2018Những điều nên làm để tránh "khủng hoảng tuổi trung niên": Đừng để bản thân vô vọng ở quãng giữa của cuộc đời
- 17-03-2018Cuối cuộc đời mạnh khỏe hưởng lạc hay bệnh tật vây thân, tùy thuộc vào những lựa chọn sau của bạn trong thời khắc này
- 16-03-2018Nếu nghe được những lời này từ những người đi trước, cuộc đời bạn bây giờ sẽ tốt hơn chứ?
Đâu là cách tốt nhất để có cái nhìn tích cực về tuổi già? Chính là dành nhiều thời gian hơn cho người cao tuổi và khám phá những điều đem lại ý nghĩa và niềm vui cho những năm tháng về già, mặc cho sức khỏe và địa vị xã hội của họ đang dần bị mai một.
Đó là điều mà hai tác giả của cuốn sách truyền cảm hứng về vấn đề lão hóa đã khám phá ra,và muốn chia sẻ với bạn đọc, vì chúng ta sớm muộn gì cũng sẽ gia nhập đội ngũ "những người già cả". Thực chất, bài học trong cuốn sách này cũng rất hữu ích với thanh niên hay những người trung niên.
Thật buồn là hiện có quá nhiều người trẻ sợ hãi hay thậm chí khinh thị những người lớn tuổi, coi họ là khoản chi tốn kém mà ít có gì đáp lại. Trước tốc độ bùng nổ của công nghệ thường gây bối rối cho người cao tuổi hiện nay, các thanh thiếu niên ít khi hoặc không tôn trọng kho tàng trí tuệ mà cha ông đã gây dựng.
Cuốn sách đầu tiên có tên "Sự kết thúc của tuổi già" (The End of Old Age) của Tiến sĩ Marc E. Agronin, một nhà tâm thần học về tuổi già ở Miami Jewish Home. Những năm tháng chăm sóc người cao tuổi đã dạy ông rằng ta hoàn toàn có thể sống có mục đích và đầy ý nghĩa, ngay cả khi bệnh nặng hay thậm chí tàn tật, hoạt động thể chất và tinh thần suy giảm.
Cuốn sách thứ hai là "Hạnh phúc là sự lựa chọn của bạn" (Happiness Is a Choice You Make) được viết bởi John Leland, phóng viên của tờ New York Times, đã dành một năm phỏng vấn và học hỏi từ 6 trong số những cư dân lớn tuổi nhất của thành phố (từ 85 tuổi trở lên) về nền văn hoá đa dạng, xuất thân và kinh nghiệm cuộc sống của họ.
Sau khi đọc sách, tôi đã có một cách nhìn mới về bản thân mình: tôi là một người đang dần bước sang dốc bên kia cuộc đời, nhưng vẫn tiếp tục theo đuổi và tham gia các hoạt động tương xứng với những hạn chế của mình- do sự thay đổi không thể tránh được trong cơ thể và tinh thần theo năm tháng.
Có những hoạt động tôi từng yêu thích mà giờ không thể làm nữa, hoặc rất muốn làm, như chơi quần vợt, trượt tuyết và trượt băng. Nhưng tôi vẫn có thể đi bộ, đạp xe, bơi lội, và chơi đùa với cún cưng, các hoạt động này đem đến nhiều thú vui bất ngờ và những người bạn mới. Tôi có thể cùng các cháu tới thăm viện bảo tàng, thích thú với kiến thức mà tụi nó học được trên lớp. Khi tôi tặng chúng vé đi xem opera cùng tôi, một đứa nở nụ cười: "Cháu đoán mình sắp có thêm bài học về văn hóa đây."
Tôi biết rằng nếu và khi sức khỏe của tôi có cạn kiệt hơn nữa, tôi vẫn sẽ thích những cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa với mấy tên nhóc này. Tụi nó có thể biết cách khởi động lại điện thoại di động hoặc dò tìm các kênh bị ẩn trên TV, nhưng tôi có thể chia sẻ những bài học cuộc sống và giúp chúng mạnh mẽ hơn để có những quyết định mạo hiểm- thứ sẽ thúc đẩy tiềm năng phát triển.
Tiến sĩ Agronin trích dẫn khái niệm "lão hóa tích cực" của Robert D. Hill, một nhà tâm lý học tại Salt Lake City, đó là "bị ảnh hưởng bởi bệnh tật và tàn tật, nhưng không phụ thuộc vào việc chống lại nó." Thay vào đó, nó là "một trạng thái tâm trí lạc quan, can đảm, có khả năng thích ứng và đối phó một cách linh hoạt với những thay đổi của cuộc sống ".
Hoặc, như Tiến sĩ Cohen nhận thấy, sự sáng tạo không chỉ giới hạn trong những người trẻ. Ở mọi lứa tuổi, nó có thể giúp mọi người khám phá những khả năng mới và thêm sự phong phú cho cuộc sống. Theo Tiến sĩ Cohen, sáng tạo có thể mang lại lợi ích cho tuổi già bằng cách tăng cường tinh thần, cải thiện sức khoẻ thể chất, làm giàu mối quan hệ và xây dựng di sản.
Theo tiến sĩ Agronin, khi không còn theo đuổi được những vai trò và sự đam mê trong những năm tháng tuổi trẻ của mình, chúng ta có thể tìm về quá khứ để được tiếp thêm sức mạnh và nguồn cảm hứng. Ta có thể thử một cái gì đó mới mẻ, hoặc tiếp tục những gì chúng ta đã làm trước đây, hoặc đi theo một hướng mới.
Và, như ông Leland phát hiện, với việc "lão hóa tích cực" ta sẽ không phải hối tiếc điều gì. Là một nhà văn, dù sẽ không bao giờ đoạt giải Pulitzer, nhưng "những giải thưởng" mà tôi nhận được từ hàng ngàn độc giả- những thứ họ học được từ các bài viết của tôi trong nửa thế kỷ qua- có ý nghĩa hơn rất nhiều. Những độc giả này truyền cảm hứng để tôi tiếp tục những gì tôi làm tốt nhất - cung cấp cho mọi người thông tin hữu ích về sức khoẻ và nguồn cảm hứng, dựa trên bằng chứng khoa học tốt nhất hiện nay.
Trích dẫn tác phẩm của Laura L. Carstensen, giám đốc sáng lập của Trung tâm Stanford về Tuổi thọ, ông Leland viết rằng "người lớn tuổi, biết rằng họ phải đối mặt với thời gian giới hạn ở phía trước, tập trung năng lượng vào những thứ tạo cho họ niềm vui trong chính thời điểm này", chứ không phải trong một tương lai khó đoán trước.
Trí thức trẻ