MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán đất, bán tài sản để định cư, cho con đi du học nước ngoài, nhưng nhà giàu Trung Quốc đang tháo chạy khỏi phương Tây

27-05-2020 - 13:53 PM | Tài chính quốc tế

Theo một loạt cuộc phỏng vấn với các hộ gia đình ở đại lục, đại dịch Covid-19 có thể thay đổi vĩnh viễn kế hoạch cho con đi du học hoặc sử dụng phương án đầu tư để di cư của các gia đình giàu có tại Trung Quốc.

Những vấn đề mà đại dịch gây ra với người giàu ở thành thị tại đại lục, bao gồm sự bất ổn về thu nhập trong tương lai, rủi ro về y tế khi sống tại nước ngoài và hình ảnh của người Trung Quốc xấu đi ở các nước phương Tây, đã khiến nhiều người buộc phải cân nhắc lại. Thậm chí, một số người còn hoàn toàn từ bỏ kế hoạch cho con đi học tại các trường ở Mỹ, Anh hoặc mua bất động sản ở Canada hay Australia.

Alice Tan – điều hành một công ty kinh doanh trà ở Quảng Châu, đã chia sẻ trong một nhóm trò chuyện với hơn 300 thành viên: "Nhiều người trong chúng ta đã rất ngạc nhiên vì các nước Tây Âu đã xử lý dịch bệnh kém hiệu quả. Chúng ta luôn cho rằng cả chất lượng cuộc sống và y tế ở các nước phương Tây tốt hơn nhiều so với Trung Quốc, nhưng quan điểm đó giờ đã thay đổi."

Tan nói thêm, trong số các thành viên của nhóm, mong muốn được sống ở nước ngoài đã giảm sút trong những tháng gần đây. Đặc biệt, ý tưởng phổ biến về việc cho các con đi du học thậm chí đã không còn. 

Chị Tan và bạn bè của mình – cũng giống như những người thuộc tầng lớp trung lưu khác ở Trung Quốc, hầu hết đều cập nhật thường xuyên tin tức về đại dịch và sự hồi phục của nền kinh tế qua những kênh thông tin chính thức của nhà nước. Sự thay đổi sâu sắc trong quan điểm của họ có thể sẽ khiến số lượng sinh viên và nhà đầu tư ra nước ngoài sụt giảm rất mạnh.

Động lực của hoạt động di cư suy giảm

Theo Viện Chính sách Di cư tại Mỹ, thế giới có 258 triệu người di cư vào năm 2017,10 triệu trong số đó đến từ Trung Quốc đại lục – thuộc nhóm lớn thứ 4 thế giới. Một nửa số người di cư Trung Quốc đã đến Hồng Kông và Mỹ, Canada và Australia đứng thứ 3 và thứ 4 trong số những địa điểm phổ biến nhất.

Không giống như những năm 1980 và 1990, khi làn sóng nhập cư bất hợp pháp từ Trung Quốc đến châu Âu và Bắc Mỹ nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn ở các nước giàu, người di cư từ đại lục trong thập kỷ qua có xu hướng trở nên giàu có hơn, tìm kiếm môi trường giáo dục và chất lượng cuộc sống cao hơn cho con em họ.

Năm 2018, Hurun Report và Visas Consulting – công ty tư vấn cho người Trung Quốc muốn đầu tư và sinh sống ở nước ngoài, đã thực hiện 1 cuộc khảo sát với sự tham gia của 224 nhà đầu tư. Kết quả cho thấy, Mỹ là điểm đến hấp dẫn nhất đối với hoạt động di cư, sau đó là Anh, Ireland, Canada và Australia. Cuộc khảo sát cho thấy giáo dục là yếu tố hàng đầu trong quyết định di cư của họ, theo sau đó là sinh thái, an ninh lương thực, y tế, phúc lợi xã hội và an toàn tài sản.

Trong khi đó, Bộ Giáo dục nước này cho biết, năm 2019 đã có hơn 660.000 sinh viên đại lục đi du học, tăng 8,8% so với năm trước. Mong muốn có một ngôi nhà hoặc bằng tốt nghiệp ở nước ngoài đã mạnh mẽ đến mức việc các trường tư cũng chuẩn bị cho sinh viên đi học ở các trường đại học nước ngoài và tư vấn di cư đã trở thành một hoạt động kinh doanh bùng nổ ở Trung Quốc. Dẫu vậy, đại dịch đã khiến một loạt các công ty tư vấn di cư tại nước này phá sản. 

Lo ngại bị phân biệt đối xử 

Gou Hua – sống tại Thâm Quyến, con trai anh sẽ đến Đại học Freshman (California) vào mua thu tới, cho biết: "Tôi không thể ngừng lo lắng về việc con trai mình sẽ phải chịu tình trạng phân biệt đối xử khi đi học ở nước ngoài."

Jade Zheng – sở hữu một số căn hộ ở Thâm Quyến và điều hành 1 cửa hàng café, cho biết: "Đây thực sự là một trở ngại đối với tâm lý của chúng tôi. Ban đầu, chúng tôi dự định sẽ cho con trai 7 tuổi đi học tại Canada vào năm sau hoặc 2 năm nữa. Tôi kỳ vọng rằng bé sẽ thích nghi với môi trường phương Tây từ khi còn nhỏ."

Zheng chia sẻ: "Tuy nhiên, tác động kinh tế của đại dịch đã khiến chúng tôi bi quan về thu nhập của gia đình trong vài năm tới. Do đó, chúng tôi dự định hoãn và tiếp tục cho con học tập ở Thâm Quyến đến ít nhất là trung học." Hơn nữa, chị cũng nói thêm về chuyến đi gần đây đến Toronto và không còn thấy thành phố này có sức hút như đầu những năm 2000, khi chị du học tại đó.

Trả lời phỏng vấn SCMP, chị Zheng nói: "Trong vài năm qua, tôi và bạn bè đã muốn bán một số khu bất động sản ở Thâm Quyến và mua tại Australia và Canada. Nhưng hiện tại, mong muốn đó đã giảm bớt. Thị trường bất động sản tại Thâm Quyến đã tăng gấp đôi hoặc gấp 3 lần giá trị trong vài năm qua. Trong khi bất động sản châu Âu, châu Mỹ và Nhật Bản đã bớt ‘nóng’."

Đặt niềm tin lớn vào sự hồi phục Trung Quốc

Hiện tại, nhiều gia đình trung lưu ở Trung Quốc tin rằng kinh tế Trung Quốc sẽ hồi phục và hệ thống chính trị vẫn trụ vững. Họ cho rằng việc giữ lại bản sắc Trung Quốc và nắm giữ tài sản ở các thành phố hạng 1 ở đại lục là một điều quan trọng không kém việc nắm giữ thẻ xanh ở nước ngoài.

Richard Shen là nhân viên văn phòng làm việc tại công ty nước ngoài ở Thượng Hải, gia đình anh điều hành 2 chuỗi nhà hàng tại thành phố này. Shen cho hay: "Hầu hết bạn bè xung quanh tôi vẫn tin tưởng vào nền kinh tế tương lai của Trung Quốc, dù có thể thấy rằng giai đoạn tăng trưởng mạnh có thể đã đi qua. Trong khi đó, chúng tôi cũng nhận thấy khả năng suy thoái xảy ra ở châu Âu và Mỹ hiện lớn hơn ở Trung Quốc."

Anh nói thêm: "Chính phủ Trung Quốc có nhiều vấn đề, nhưng đại dịch khiến tôi nhận thấy rằng chính phủ của các nước khác thậm chí còn có những vấn đề lớn hơn." Shen – gia đình sở hữu 4 căn hộ ở Thượng Hải, đã chi khoảng 600 nghìn USD cho bảo hiểm đầu tư và giáo dục, chia sẻ rằng anh vẫn có kế hoạch cho 2 con trai đi du học trong vài năm tới, nhưng sẽ chờ đợi và quan sát xu hướng của thị trường để bán tài sản ở Trung Quốc, mua tài sản ở nước ngoài.

Tuy nhiên, không giống như những thế hệ trước đây từng du học và định cư ở nước ngoài, Shen cho rằng con trai mình sẽ quay trở lại Thượng Hải, nơi "tài sản có thể đảm bảo sự giàu có và một tương lai tươi sáng". Trong khi đó, anh muốn vợ mình mua một căn hộ ở Nhật Bản để nghỉ hưu, thay vì đầu tư ở các nước phương Tây. Ngoài ra, anh cũng cho biết thái độ gay gắt của Mỹ đối với Trung Quốc ở thời điểm hiện tại cũng là dấu hiệu rõ ràng cho thấy rằng Mỹ không còn chào đón sinh viên Trung Quốc nữa. 

Tham khảo SCMP

Lục Lam

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên