MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán đắt, bị ông chủ Trung Nguyên chê nhưng Starbucks Việt Nam vẫn bỏ xa nhiều đối thủ và ngày càng ăn nên làm ra

30-11-2018 - 15:13 PM | Doanh nghiệp

Khi Starbucks bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam, khi đó chủ tịch Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đã tỏ ra hết sức tự tin và không ngại chê đối thủ: "Những gì Starbucks đang làm dở tệ. Họ không bán cà phê mà bán nước có mùi cà phê pha với đường".

Thị trường chuỗi cà phê bắt đầu bùng nổ trong gần một thập kỷ gần đây với sự xuất hiện của ngày càng nhiều những thương hiệu lớn. Thị trường có sự góp mặt của những chuỗi đi lên từ các startup như Cộng Cà phê, The Coffee House, cho tới những tên tuổi lớn hơn như Phúc Long, Highlands, Trung Nguyên hay sự du nhập của những "người khổng lồ" thế giới như Starbuckshay Coffee Bean. Sức hút của thị trường này đến từ việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng và thu nhập ngày càng tăng tại những đô thị lớn.

Đến cuối tháng 11/2018, dẫn đầu thị trường là Highlands Coffee với tổng cộng 233 cửa hàng trên toàn quốc - nhiều hơn 100 cửa hàng cho với chuỗi đứng thứ 2 là The Coffee House. Những chuỗi lớn có tên khác như Starbucks, Trung Nguyên Legend, Phúc Long hay Cộng Cà phê có từ 40-60 cửa hàng.

Con số này chắc chắn sẽ còn tiếp tục bùng nổ khi mà nhiều chuỗi vẫn dồn lực để gia tăng độ phủ của mình.

Bán đắt, bị ông chủ Trung Nguyên chê nhưng Starbucks Việt Nam vẫn bỏ xa nhiều đối thủ và ngày càng ăn nên làm ra - Ảnh 1.

Có thể thấy hầu hết các chuỗi cafe lớn hiện nay đều là những thương hiệu Việt Nam, ngoại trừ 2 thương hiệu ngoại là The Coffee Bean & Tea Leaf và Starbucks.

The Coffee Bean đã có hơn 10 năm hiện diện trên thị trường cafe Việt Nam nhưng dường như gặp thách thức lớn với bài toán tăng trưởng. Năm 2013, khi Starbucks - một đối thủ cùng phân khúc - gia nhập thị trường Việt Nam thì The Coffee Bean có 11 cửa hàng. Sau 5 năm, số cửa hàng của The Coffee Bean chỉ ở con số 15 trong khi Starbucks đã có trên 40 cửa hàng.

Việc có 40 cửa hàng sau hơn 5 năm của Starbucks có thể coi là "chậm" so với tốc độ của Highlands hay The Coffee House. Chuỗi cafe này chỉ ở mở những vị trí đắc địa, gần các khu văn phòng có nhiều tập đoàn lớn.

Thị trường chuỗi cà phê còn nhiều tiềm năng nhưng để phát triển bền vững thì bắt buộc mỗi thương hiệu phải chọn ra một thế mạnh của riêng mình, đồng thời đảm bảo sự đồng nhất về sản phẩm và dịch vụ giữa các cửa hàng. Và phần lớn quyết định sự thành công của thương hiệu là nhờ việc định vị phân khúc khách hàng, thương hiệu và lợi thế sở hữu mặt bằng thoáng đãng tại những vị trí đắc địa.

Việc định vị ở phân khúc cao cấp với mặt bằng giá cao hơn hẳn thì đây có thể coi là bước đi "chậm nhưng chắc" của Starbucks. Giờ đây thương hiệu cafe Mỹ này đã dẫn đầu phân khúc cao cấp - mảng thị trường không có mấy cái tên nổi bật.

Khi Starbucks bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam, khi đó chủ tịch Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đã tỏ ra hết sức tự tin và không ngại chê đối thủ: "Những gì Starbucks đang làm dở tệ. Họ không bán cà phê mà bán nước có mùi cà phê pha với đường".

Bán đắt, bị ông chủ Trung Nguyên chê nhưng Starbucks Việt Nam vẫn bỏ xa nhiều đối thủ và ngày càng ăn nên làm ra - Ảnh 2.

Dù có mức giá cũng không kém cạnh gì Starbucks nhưng có thể thấy hiện giờ Trung Nguyên Legend khó có thể coi là một thương hiệu ngang hàng với Starbucks ở phân khúc cao cấp.

Trong khi đó, ở phân khúc tầm trung đang là sự cạnh tranh khốc liệt giữa một loạt cái tên đầy tham vọng như Highlands, The Coffee House, Cộng Cà phê hay Phúc Long...

Và kết quả thể hiện rất rõ qua doanh số. Năm 2017, Cty TNHH Thực phẩm & Nước giải khát Ý tưởng Việt (Coffee Concepts) - đơn vị vận hành hệ thống Starbucks Việt Nam - đạt 449 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp rưỡi so với năm 2016 và gấp đôi so với năm 2015. Một kết quả có thể nói là khả quan với tốc độ mở rộng khá chậm của chuỗi cafe này.

Trong khi Highlands phải mất cả chục năm mới bắt đầu gặt hái lợi nhuận thì Starbucks chỉ chịu lỗ trong 3 năm đầu với tổng mức lỗ chỉ 52 tỷ đồng. Từ năm 2016, công ty bắt đầu có lãi gần 5 tỷ đồng và năm 2017 tăng lên 22 tỷ đồng.

So với chuỗi đang đứng đầu là Highlands thì doanh thu năm 2017 Starbucks vẫn chỉ bằng 1/3 nhưng vẫn lớn hơn hẳn 2 chuỗi đình đám khác là Phúc Long và The Coffee House - với doanh thu mỗi hệ thống năm 2017 đạt 340 tỷ đồng.

Bán đắt, bị ông chủ Trung Nguyên chê nhưng Starbucks Việt Nam vẫn bỏ xa nhiều đối thủ và ngày càng ăn nên làm ra - Ảnh 3.
Bán đắt, bị ông chủ Trung Nguyên chê nhưng Starbucks Việt Nam vẫn bỏ xa nhiều đối thủ và ngày càng ăn nên làm ra - Ảnh 4.

Tuy vậy, với số lượng cửa hàng áp đảo, doanh thu năm 2018 của Starbucks nhiều khả năng sẽ bị The Coffee House vượt qua. Gia nhập thị trường năm 2014 - tức sau cả Starbucks - The Coffee House đã có quá trình tăng trưởng rất ấn tượng: từ 42 tỷ năm 2015 lên 143 tỷ năm 2016 và 346 tỷ đồng năm 2017.

Tham vọng của The Coffee House là rất lớn. Trong một lần trả lời phỏng vấn tờ Nikkei, nhà sáng lập kiêm CEO The Coffee House Nguyễn Hải Ninh chia sẻ rằng: "Chúng tôi nhắm tới việc mở khoảng 700 cửa hàng trên khắp Việt Nam trong vòng 5 năm tới, trung bình 10 cửa hàng mới mỗi tháng".

Kiến Khang

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:
Trở lên trên