Bán đất thời bất định, trả hoa hồng cao môi giới cũng “ngán”
Nhiều nhà đầu tư với tâm lý sợ áp lực tài chính muốn bán nhanh bất động sản đang nắm giữ nên chấp nhận chi trả hoa hồng cao, nhưng môi giới cũng lắc đầu từ chối.
- 11-09-2022Bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng cao
- 11-09-2022Nghịch cảnh tại các phiên đấu giá đất
- 11-09-2022Thời điểm xuống tiền vào bất động sản đã xuất hiện?
Trả hoa hồng cao môi giới cũng “ngán”
Thị trường bất động sản đang xuất hiện tình trạng trầm lắng cục bộ mà nguyên nhân lớn là việc ngân hàng kiểm soát tín dụng vào bất động sản. Không ít người sử dụng đòn bẩy tài chính ôm đất thời "sốt giá" đã bắt đầu cắt lỗ. Tuy nhiên, việc sang tay chủ đất mới trong thời gian này là khó thành công.
Anh Quang, môi giới nhà đất ở Bắc Ninh cho biết, thị trường đất nền đã chững lại trong hơn 2 tháng qua. Hiện tại, một số người mua đất ở thời điểm đỉnh giá đang muốn bán nhanh, nhưng không có người mua dù đã giảm giá.
"Có chủ đất chấp nhận hạ giá xuống cả trăm triệu đồng so với lúc mua nhưng không thể tìm được khách. Nhiều chủ đất còn hứa hẹn trả hoa hồng cao hơn bình thường nếu bán được đất, nhưng môi giới cũng lắc đầu", anh Quang nói.
Tương tự, Nguyễn Trường, môi giới bất động sản tại ven Hà Nội cho biết, khoảng một tháng nay, văn phòng của anh đã nhận không dưới 30 người gọi tới nhờ rao bán hộ đất nền. Tất cả số đất này đều được mua trong thời điểm "sốt nóng" nên giá khá cao.
"Đa phần mọi người đều chấp nhận muốn bán nhanh sẽ phải chịu lỗ, có thể 5 - 10%, hoặc hơn, tùy vào vị trí và tiềm năng của mảnh đất. Họ cũng sẵn sàng chi tiền hoa hồng cao hơn bình thường để có thể giải phóng nhanh được", anh Trường nói.
Tuy nhiên, anh Trường cho biết, hiện nay, số người nhờ bán thì nhiều, nhưng người hỏi mua lại rất ít, chủ yếu thăm dò thị trường xem có giảm giá nữa không. "Để tìm cách bán được hàng, tôi đã cho đăng tải liên tục trên các hội nhóm bất động sản, chạy quảng cáo, gọi điện chào mời những khách hàng thân thiết, nhưng đều nhận được câu trả lời thời điểm này chưa muốn đầu tư", anh Trường cho hay.
Anh Thanh Tùng, chủ một phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội chia sẻ, trong những tháng gần đây xuất hiện tình trạng người bán nhiều hơn người mua. Hiện tượng này không chỉ diễn ra ở khu vực vùng ven Hà Nội mà còn tại nhiều tỉnh từng có sốt đất.
Anh Tùng cho biết, trước thực trạng ngân hàng siết tín dụng từ đầu năm nay, những nhà đầu tư F0 thiếu kinh nghiệm, sử dụng đòn bẩy tài chính ngân hàng là chủ yếu bắt buộc phải đẩy hàng vì không có khả năng cầm cự. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có tâm lý sợ thị trường bất động sản chững lại và giảm sâu thời gian tới.
Anh Tùng cho biết thêm, giá mua vào bất động sản đã cao nên thời gian gần đây, nhà đầu tư dù cắt lỗ nhưng vẫn không có giao dịch vì người mua cảm thấy vẫn băn khoăn về mức giá. Nhiều người cho rằng giá vẫn cao hơn so với hạ tầng, tốc độ phát triển ở nhiều khu vực. Đặc biệt khi thị trường bất động sản đang bất định như hiện nay thì nhà đầu tư lại càng cân nhắc kỹ lưỡng.
Những nơi sốt ảo giá sẽ giảm
Nhìn nhận thị trường bất động sản thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường đã xuất hiện dấu hiệu giảm tốc từ năm 2021 khi thanh khoản không có nhưng giá vẫn tiếp tục tăng.
Những dấu hiệu đó cho thấy thị trường đã đến đỉnh điểm của việc tăng trưởng nóng. Do vậy, trong những tháng cuối năm nay, thách thức mà thị trường phải đối mặt là dấu hiệu giao dịch sụt giảm, thanh khoản chậm. Trong giai đoạn này sẽ xuất hiện nhiều nhà đầu tư đang rút khỏi thị trường bởi áp lực lãi vay và chấp nhận bán cắt lỗ.
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho biết, nhiều năm qua nguồn cung bất động sản nhà ở rất hạn chế. Người dân chủ yếu đầu tư đất nền, còn đất và các tài sản trên đất chiếm tỷ lệ thấp hơn. Nếu lạm phát tăng nhanh và nguồn cung bất động sản tiếp tục khan hiếm, lượng đầu tư vào tài sản nhà ở và thương mại sẽ tăng đáng kể.
Tuy nhiên, ông cảnh báo, trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, giới đầu tư nên cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng các đòn bẩy tài chính, tránh lặp lại tình trạng "chết trên đống tài sản" đã từng xảy ra trong quá khứ.
Ông Khương phân tích, khi lạm phát diễn ra, mặc dù giá bất động sản tăng lên nhưng thị trường không có khả năng mua, tính thanh khoản không có. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư cũng dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản, khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn cho họ cũng như gây áp lực lên hệ thống ngân hàng.
Còn theo ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội - thời gian qua, thị trường bất động sản cực sôi động do có dòng tiền lớn đổ vào. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, từ các động thái từ vĩ mô, dòng tiền có tâm lý dè chừng.
"Hiện nay, thị trường bất động sản đã tốt hơn giai đoạn đóng băng trước kia, nhưng các yếu tố vĩ mô cũng đang tác động không nhỏ. Do đó, dòng tiền vào bất động sản đang cẩn trọng hơn giai đoạn trước", ông Điệp bày tỏ.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, tình trạng lệch pha cung - cầu càng lớn, người bán nhiều nhưng người mua ít. Dòng vốn cực kỳ quan trọng đối với bất động sản, thị trường có sôi động hay không phải phụ thuộc vào điều này.
Do đó, ông cho rằng, thị trường giai đoạn này có thể đi ngang hoặc điều chỉnh phải tùy vào diễn biến tiếp theo. Dù vậy, thị trường sẽ lập tức sôi động mạnh khi dòng tiền được nới và quay trở lại, tức tình hình lạm phát được kiểm soát, lãi suất ngân hàng giữ mức ổn định và việc giải ngân dễ dàng hơn.
Nhịp sống thị trường