"Bạn đúng hay sai không quan trọng, cái chính là kiếm được bao nhiêu khi đúng và mất bao nhiêu khi sai"
Các nhà đầu tư nổi tiếng luôn có nguyên tắc sống riêng của họ. Đó có thể là những quan điểm, triết lý giúp họ gặt hái được thành công lớn trong sự nghiệp. Dưới đây là những câu nói nổi tiếng thể hiện quan điểm sống của những nhà đầu tư vĩ đại nhất lịch sử.
- 29-12-2016Những kỹ năng cần rèn từ nhỏ để lớn lên gặt hái thành công
- 29-12-20167 bài tập bổ não dành cho người muốn thông minh, thành công hơn
- 29-12-20168 điều người thành công "khắt cốt ghi tâm" khi gặp thất bại, bạn cũng cần phải thế!
1. “Giá là cái bạn phải trả. Còn giá trị mới là cái bạn nhận được”, Warren Buffett
“Giá là cái bạn phải trả. Còn giá trị mới là cái bạn nhận được”.
Tỷ phú Warren Buffett được đánh giá là nhà đầu tư lỗi lạc nhất thế giới. Nếu bạn muốn lựa chọn một phong cách đầu tư giá trị cổ điển, Warren Buffett sẽ là hình mẫu có vai trò to lớn.
Theo quan niệm của chủ tịch Berkshire Hathaway về đầu tư: “Giá là cái bạn phải trả. Còn giá trị mới là cái bạn nhận được”. Nguyên tắc đầu tư quan trọng nhất của ông là tìm mua và nắm giữ lâu dài cổ phiếu của những công ty có thị giá thấp hơn giá trị nội tại.
Ngoài ra, Warren Buffett cũng đầu tư theo phong cách chủ động như mua cổ phần nhiều để nắm quyền quản lý công ty hoặc đầu tư theo chiến lược ngắn hạn. Nguyên lý của Warren Buffett đã tạo thành nền tảng trong đầu tư giá trị, đòi hỏi nhà đầu tư phải bổ sung bằng tri thức trong tương lai.
2. "Hãy hành động dũng cảm với kiến thức và kinh nghiệm của bạn", Benjamin Graham
"Hãy hành động dũng cảm với kiến thức và kinh nghiệm của bạn"
Benjamin Graham không chỉ là một nhà đầu tư thông thái mà còn là nhà giáo dục tài chính đại tài. Ông cũng chính là cố vấn cho một trong những tỷ phú giàu có nhất thế giới – Warren Buffett.
Tóm lược phong cách đầu tư của Benjamin Graham trong một vài câu dường như là điều không thể nhưng có thể nói ông luôn sống với châm ngôn: "Hãy hành động dũng cảm với kiến thức và kinh nghiệm của bạn. Nếu bạn rút ra kết luận sau khi đã phân tích số liệu kỹ lưỡng và rất tin tưởng vào nhận định của mình thì hãy hành động. Mặc kệ người khác có do dự vì quan điểm khác biệt. Đám đông không đồng quan điểm với bạn không có nghĩa là bạn sai. Ngược lại, bạn có thể đúng vì các dữ kiện và lý do đưa ra kết luật là đúng”.
Ý tưởng và phương pháp đầu tư của Graham được đúc kết trong 2 cuốn sách kinh điển của ông là “Securities Analysis - Phân tích chứng khoán” và The Intelligent Investor - Nhà đầu tư thông minh". Hai ấn phẩm này được xem là sách phải đọc đối với bất cứ nhà đầu tư nào.
Bản chất của đầu tư giá trị là mua giá thấp hơn giá trị thật của công ty. Graham tin vào việc phân tích công ty, tìm kiếm những công ty có bảng cân đối kế toán tốt, nợ ít, lợi nhuận trên mức trung bình và dòng tiền dồi dào.
Graham cũng khuyên các nhà đầu tư phải biết rõ cá tính đầu tư riêng của mình. Theo ông, có hai nhóm nhà đầu tư khác biệt trên thị trường là nhóm chủ động và nhóm bị động. Nhà đầu tư chỉ có duy nhất một trong hai lựa chọn: chủ động là cam kết nghiêm túc bằng thời gian và sức lực của mình để trở thành nhà đầu tư giỏi, biết cân bằng giữa lượng và chất của khảo sát thực tế với lãi suất mong đợi. Càng bỏ ra nhiều công sức trong việc đầu tư thì càng kiếm được nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu đó không phải là thế mạnh của bạn thì hãy bằng lòng trở thành nhà đầu tư bị động, nhận mức lời thấp hơn nhưng ít tốn thời gian và công sức hơn.
3. "Bạn đúng hay sai không quan trọng, cái chính là kiếm được bao nhiêu khi đúng và mất bao nhiêu khi sai", George Soros
"Bạn đúng hay anh sai, điều đó không quan trọng, cái chính là bạn kiếm được bao nhiêu khi đúng và mất bao nhiêu khi sai".
George Soros là nhà đầu tư tỷ phú người Mỹ gốc Do Thái nổi tiếng là người đã “phá sập ngân hàng Anh”. Năm 1992, ông đã đặt 10 tỷ USD vào một thương vụ đầu tư tiền tệ, bán khống đồng Bảng Anh. Thương vụ đó đã giúp ông bỏ túi hơn 1 tỷ USD chỉ trong vòng một ngày. Bên cạnh đó, ông cũng là người có thành tích điều hành quỹ Quantum Fund với tỷ suất lợi nhuận bình quân lên tới 30%.
Nói về đầu tư, George Soros cho rằng: "Bạn đúng hay anh sai, điều đó không quan trọng, cái chính là bạn kiếm được bao nhiêu khi đúng và mất bao nhiêu khi sai". Soros vẫn luôn ý thức rằng mình có thể sai lầm và rằng quan điểm của ông chưa chắc đã đúng. Vì thế mà ông luôn khắt khe với quá trình tư duy và giả thuyết về thị trường của mình. Điều đó đã mang đến cho ông sự nhanh nhẹn và linh hoạt về mặt trí tuệ.
4. “Ai cũng có khả năng kiếm tiền từ chứng khoán nhưng không phải ai cũng có sự gan lì", Peter Lynch
“Ai cũng có khả năng kiếm tiền từ chứng khoán nhưng không phải ai cũng có sự gan lì. Nếu bạn dễ dàng bán cổ phiếu khi thị trường dao động, thì tốt nhất bạn nên tránh xa chứng khoán và cả các quỹ tương hỗ". Đó là tinh thần làm việc kiên cường của Peter Lynch. Bên cạnh đó, ông cũng chỉ áp dụng một nguyên tắc cơ bản trong đầu tư là nghiên cứu. Theo ông, đầu tư mà không nghiên cứu thì cũng giống như liều lĩnh chơi bài mà không nhìn vào quân bài.
Vào những năm 1980, nhà quản lý danh mục đầu tư Peter Lynch đã trở thành một trong những nhà đầu tư nổi tiếng nhất thế giới với thành tích thật sự đáng nể. Ông đã 11 lần đánh bại chỉ số S&P 500, nâng giá trị tài sản của quỹ từ 20 triệu USD lên 14 tỷ USD chỉ trong 13 năm làm quản lý quỹ Fidelity Magellan. Chính vì thế những kinh nghiệm của ông luôn là bài học vô giá đối với các nhà đầu tư trên khắp thế giới.
5. "Luôn tin vào trực giác của bạn", Michael Steinhardt
Hầu như không có công cụ đầu tư nào mà Michael Steinhardt không nắm vững như lòng bàn tay từ cổ phiếu, trái phiếu đến hợp đồng quyền chọn. Với Michael Steinhardt, tin tưởng vào trực giác là điều mà một nhà đầu tư nên làm: "Luôn tin vào trực giác của bạn, thứ giống như một siêu máy tính ẩn giấu trong đầu bạn. Đó là thứ có thể giúp bạn đưa ra những quyết định đúng vào những thời điểm thích hợp nếu bạn cho nó cơ hội".
Steinhardt có một tầm nhìn đầu tư dài hạn, song hầu hết quá trình đầu tư ông lại sử dụng các chiến lược ngắn hạn. Ông đầu tư dựa vào việc phân tích những biến động có định hướng của thị trường và biến động về phân bố tài sản trên tầm vĩ mô, sử dụng một tập hợp rất rộng các loại chứng khoán và thu lợi chủ yếu từ đó.
Michael Steinhardt rất khách quan trong việc đánh giá các quyết sách đầu tư của mình. Ông kiểm tra các tổ hợp đầu tư của công ty nhiều lần mỗi ngày, sở hữu những cổ phiếu có sức hấp dẫn với người giao dịch, bởi vậy ông luôn có những quyết định đi trước thị trường.