MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán giá đắt hơn, lại giao hàng chậm hơn các chuỗi bán lẻ, vậy Apple Store Online đem lại lợi ích gì cho người dùng Việt Nam?

18-05-2023 - 17:53 PM | Thị trường

Bán giá đắt hơn, lại giao hàng chậm hơn các chuỗi bán lẻ, vậy Apple Store Online đem lại lợi ích gì cho người dùng Việt Nam?

Ngày 18/5, cửa hàng trực tuyến của Apple tại Việt Nam đã chính thức ra mắt. Không còn là những nhận định, giá bán được niêm yết của Apple sáng ngày 18/5 cao hơn so với các nhà bán lẻ trên thị trường khác như TGDD, FPT Shop hay CellphoneS.

Ví dụ, dòng điện thoại iPhone 14 Pro, loại dung lượng 128GB, màu tím được cửa hàng trực tuyến Apple Việt Nam niêm yết giá 27.999.000 đồng/chiếc. Trong khi đó, với mẫu này, Thế Giới Di Động và FPT Shop đều đang bán với online với giá 25.090.000 đồng, tức rẻ hơn khoảng 2,9 triệu đồng. Còn ở Cellphone S mức giá được niêm yết thấp hơn, 24.790.000 đồng, rẻ hơn khoảng 3,2 triệu đồng.

Bán giá đắt hơn, lại giao hàng chậm hơn các chuỗi bán lẻ, vậy Apple Store Online đem lại lợi ích gì cho người dùng Việt Nam? - Ảnh 1.

Các sản phẩm có thông tin giá, thông số,... đầy đủ bằng tiếng Việt

Theo một so sánh giá chi tiết với các sản phẩm đang được bán ở Cellphone S vào sáng ngày 18/05, mức chênh lệch giá các sản phẩm Iphone, Ipad, Mac, phụ kiện,... đang ở mức từ 0,8% đến 32%. Mức chênh lệch giá với Seri iphone 14 từ 12,9% đến 17,7%.

Về mức giá bán của Apple.com, đại diện Cellphone S cho biết, thực ra không có nhiều bất ngờ, vì cấu trúc giá bán đã được định sẵn. Hầu hết giá bán các sản phẩm từ iPhone, iPad hay Mac và phụ kiện đang cao hơn khá nhiều so với các hệ thống bán lẻ lớn trên thị trường hiện tại.

Ngoài giá bán, thời gian giao hàng của Apple cũng không phải là lợi thế cạnh tranh khi mất từ 1 đến 4 ngày ở các thành phố lớn, trong khi các hệ thống bán lẻ lớn do độ phủ các cửa hàng cao nên giao hàng nhanh chỉ mất 1 đến 2 giờ đồng hồ.

Về dịch vụ thu cũ, so với chính sách của một số hệ thống, giá thu cũ của Apple.com đang định giá thấp hơn, thời gian định giá, thu cũ mất từ 7 đến 14 ngày và phụ thuộc vào việc định giá của đối tác thứ ba.

Đại diện Cellphone S cho rằng, với lợi thế bán giá rẻ hơn cùng với các dịch vụ nhanh hơn các chuỗi bán lẻ hiện tại vẫn có khả năng cạnh tranh trong việc bán các sản phẩm Apple.

Với những đặc điểm so sánh ở trên, có thể thấy việc mua hàng tại Apple chưa thể hiện lợi thế cạnh tranh về giá hay dịch vụ so với các chuỗi bán lẻ. Vậy, người tiêu dùng có lợi gì với sự xuất hiện của Apple tại Việt Nam?

Theo phân tích của chuyên gia trong ngành, người tiêu dùng sẽ được lợi 2 điều sau:

Một là, tới mùa ra mắt sản phẩm mới, việc định giá bán lẻ của Apple sẽ đặt ra một mức giá trần cho thị trường Apple chính hãng và buộc các nhà phân phối và bán lẻ tại Việt Nam phải nhìn vào.

Hai là, người dùng có thể vào thẳng website của Apple để mua hàng. Đây sẽ là nơi cung cấp đầy đủ nhất tất cả sản phẩm của Apple, bao gồm cả một số sản phẩm mà các cửa hàng bán lẻ ít nhập về, hoặc chọn cấu hình dạng customized cho những sản phẩm như MacBook.

Bên cạnh đó, Apple Store trực tuyến cũng cung cấp một số dịch vụ khá thú vị và không có trên các hệ thống bán lẻ truyền thống. Với search Apple Watch, người dùng có cơ hội cá nhân hóa thiết bị bằng cách chọn vỏ kết hợp với dây đeo theo ý thích, tạo ra phong cách độc đáo cho riêng mình thông qua search Apple Watch Studio, chỉ có trên trang search apple.com/vn.

Bán giá đắt hơn, lại giao hàng chậm hơn các chuỗi bán lẻ, vậy Apple Store Online đem lại lợi ích gì cho người dùng Việt Nam? - Ảnh 2.

Trước đó, bình luận về sự xuất hiện cửa hàng trực tuyến của Apple, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài cho rằng một vài cửa hàng Apple không thể thay thế cho hơn 3.000 cửa hàng của chuỗi này cộng với hệ thống cửa hàng của các đối thủ khác. Đồng thời, việc cửa hàng của Apple xuất hiện tại Việt Nam là bình thường, chỉ với mục đích làm thương hiệu.

Cụ thể hơn, ông Tài nói việc Apple xuất hiện ở Việt Nam chứng tỏ họ đánh giá thị trường sẽ phát triển và điều đó tốt cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, cách thức của Apple cũng sẽ giống các hãng khác, là mở cửa hàng brand shop (nơi để người tiêu dùng trải nghiệm sản phẩm, được tư vấn sản phẩm, cung cấp các dịch vụ - PV) để xây dựng thương hiệu.

Theo ông Tài, không thể nào một vài cửa hàng của Apple có thể phục vụ được 90 triệu dân Việt Nam, nếu có, họ sẽ phải cần một chuỗi rất lớn. Ông Tài không tin Apple sẽ bước chân vào vận hành chuỗi như cách mà doanh nghiệp của ông đang làm, vì đó là việc không hề đơn giản. Apple là nhà sản xuất, làm ra sản phẩm, sẽ biết làm thế nào để có một sản phẩm hoàn hảo. Còn Thế Giới Di Động là người phục vụ khách hàng, biết rõ cách thức mở cửa hàng, khách hàng cần gì, phục vụ khách hàng như thế nào... Hai vị trí, vai trò này không có điểm chung, nên các cửa hàng của Apple tựu trung lại vẫn chỉ để làm thương hiệu mà thôi.

Theo ông, những nhà sản xuất nếu mở một vài cửa hàng để làm thương hiệu thì không bàn, nhưng nếu mở brand shop nhiều thì cuối cùng cũng sẽ thất bại. "Các bạn cứ đếm xem thương hiệu nào còn brand shop và còn lại bao nhiêu. Hoặc đếm trong năm này và chờ sang năm sau xem sẽ còn lại bao nhiêu? Các cửa hàng đó không thể hiệu quả được. Nó không mang lại giá trị gì ngoài xây dựng thương hiệu", ông chủ chuỗi bán lẻ nói.

Mặc dù vậy, người đứng đầu Thế giới di động vẫn nhấn mạnh việc Apple xuất hiện tại Việt Nam là tốt cho thị trường.

Theo Trọng Nghĩa

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên