Bán 'hàng hiệu' ở... vỉa hè
Mặc dù đã có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng nhưng vấn nạn buôn lậu, hàng giả trên địa bàn TPHCM vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm và đang có xu hướng gia tăng.
Tràn lan hàng giả, hàng nhái
Tối 12/8, tại khu phố thời trang Nguyễn Trãi (quận 5), những sạp hàng bày sát hai bên vỉa hè bán đủ các loại quần áo, giày dép, túi xách... với giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/sản phẩm nhưng mang nhãn mác thương hiệu ngoại nổi tiếng, thu hút khá đông khách đến chọn lựa.
Giới thiệu với khách các loại túi xách mang thương hiệu LV, Chanel, Gucci... với giá chưa đến 100.000 đồng/sản phẩm, nhân viên đon đả cho biết: “Đây là sản phẩm công ty gia công cho các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài, do một số sản phẩm bị lỗi nên đưa ra thị trường bán giá rẻ và số lượng rất ít”.
Chị Thu (ngụ quận 6) là “tín đồ thời trang”, thường xuyên đến phố thời trang Nguyễn Trãi săn hàng giảm giá. Chị Thu tiết lộ: “Đa số các mặt hàng gắn mác ngoại đều là hàng nhái, hàng giả chứ không phải hàng thật, gia công cho nước ngoài. Có thể các loại giày dép, túi xách được nhập lậu từ Trung Quốc, hoặc hàng may trong nước rồi gắn mác thương hiệu ngoại. Do giá bán rất rẻ nên phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng”.
Tại nhiều chợ lớn, trung tâm thương mại..., hàng hiệu nhái cũng bày bán nhan nhản ở các sạp hàng. Tại chợ Bến Thành (quận 1), tiểu thương giới thiệu những chiếc áo thun hiệu Lacoste, Polo, Hermes... với giá chỉ từ 250.000-300.000 đồng/cái. Khi đề cập đến hàng thật - giả, một tiểu thương nói thẳng: “Hàng hiệu thật không có giá đó. Tuy đây là hàng fake (nhái) nhưng chất liệu sản phẩm giống hàng thật đến 90%. Không chỉ khách trong nước mà nhiều khách nước ngoài cũng đến đây mua sắm rất nhiều”.
Tại chợ Bàn Cờ (quận 3), tiểu thương bày bán la liệt các loại mỹ phẩm, nước hoa thương hiệu nổi tiếng như 3CE, Lancome… với giá chỉ từ 50.000-100.000 đồng/sản phẩm. Khách có thể mở hộp thử thoải mái. Các loại mắt kính hiệu giá chỉ vài chục ngàn đồng cũng được rất đông khách đi chợ xếp hàng ngồi thử. “Tất cả kính ở đây đều là hàng xách tay do người quen ở nước ngoài đem về. Thật giả thì tôi không biết, nhưng rẻ - đẹp là có người mua” - một người bán mắt kính tại chợ, nói.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT tập trung giám sát, kiểm soát các địa bàn trọng điểm, các tuyến đường liên tỉnh, quốc lộ và các kho bãi, điểm chứa trữ để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm”
Đại diện Cục Quản lý thị trường TPHCM
Hàng hiệu nhái giá rẻ không chỉ nhộn nhịp ở các cửa hàng, chợ truyền thống mà còn rao bán rất sôi nổi trên mạng. Trên các trang cá nhân như Facebook, Zalo…, người dùng dễ dàng xem các buổi livestream (phát sóng trực tiếp) các buổi bán hàng tận… nước ngoài. Sau thao tác đặt hàng, chuyển tiền, chỉ trong vòng ít ngày, hàng được giao hàng đến tận nhà.
“Tôi thường mua mỹ phẩm, thực phẩm chức năng của Mỹ, Nhật qua Facebook của người quen. Họ khẳng định có người nhà ở nước ngoài, hàng mua được gửi từ bên đó về. Thật sự, tôi cũng khá lo lắng vì nhiều sản phẩm không có bao bì nhưng thấy rẻ và tin tưởng người quen nên vẫn mua sử dụng” - chị Nga (nhân viên văn phòng, ngụ quận 3), nói.
Gây thất thu ngân sách
Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, trong thời gian qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả không có dấu hiệu thuyên giảm, đặc biệt nguồn hàng hóa di chuyển vào thị trường từ hướng biên giới Tây Nam hoạt động mạnh hơn. Số liệu thống kê trong 7 tháng đầu năm 2023 cho thấy, lực lượng QLTT TPHCM đã kiểm tra hơn 2.700 vụ, tăng 1.376 vụ (tăng 101,77%), trong đó hơn 2.000 vụ phát hiện vi phạm, tăng 1.162 vụ (tăng 131,74%) so với cùng kỳ năm trước. Tổng số tiền thu nộp ngân sách là hơn 43 tỷ đồng, tăng 104,45% so với cùng kỳ năm 2022. Trị giá hàng hóa tiêu hủy lên tới hơn 31,5 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 103 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Cục QLTT TPHCM, tình trạng vi phạm về hàng hóa nhập lậu có chiều hướng gia tăng. Chỉ tính riêng trong tháng 7/2023, lực lượng chức năng TPHCM đã phát hiện, xác minh, xử lý 131 vụ (liên quan đến 109 cá nhân, 22 tổ chức) có dấu hiệu vi phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (tăng 67 vụ, tương ứng 104,69%).
Đặc biệt, tình hình kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… rất phức tạp. Cục QLTT TPHCM nhìn nhận, việc tạo lập tài khoản sử dụng thông tin giả để bán hàng rất khó xác định được đối tượng vi phạm và nơi chứa trữ hàng hóa vi phạm để kiểm tra, xử lý. Trong khi đó, việc giao nhận hàng hóa qua dịch vụ giao nhận hàng hóa, phương tiện sử dụng bằng xe gắn máy với số lượng ít nên rất cơ động và khó phát hiện.
Tại tọa đàm về chủ đề “Cải cách hải quan, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới” vừa diễn ra tại TPHCM, ông Đỗ Hồng Trung - Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ngày càng gia tăng.
“Những mặt hàng này được rao bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội là vấn đề nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường đầu tư kinh doanh, gây thất thu ngân sách” - ông Trung cho hay.
Ông Nguyễn Bắc Hải - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho rằng, công tác phòng, chống buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn. Theo ông Hải, đối tượng buôn lậu sử dụng việc liên lạc, trao đổi, thỏa thuận thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử nên gây khó khăn cho quá trình điều tra, xác minh làm rõ vi phạm. Khi cơ quan hải quan phát hiện vi phạm thì những đối tượng này lại thông đồng với nhau dưới các hình thức “gửi nhầm hàng”, “từ bỏ”... nhằm trốn tránh trách nhiệm.
Theo dự báo của lực lượng chức năng TPHCM, trong những tháng cuối năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trong tạm nhập, tái xuất, khai báo không đúng khối lượng, chủng loại, xuất xứ để buôn lậu, gian lận về thuế sẽ không giảm. Hàng hóa sẽ được các đối tượng tập kết tại các kho hàng, bến bãi chờ phân phối vào thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc… sẽ phát sinh thông qua các dịch vụ bưu điện, chuyển phát nhanh, dịch vụ hàng không, sử dụng thương mại điện tử, ứng dụng thiết bị di động để quảng cáo, giao dịch hàng hóa nhằm tránh sự kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng.
Tiền Phong