MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán hàng online giảm tốc sau Tết

22-02-2024 - 09:39 AM | Thị trường

Thị trường bán hàng trực tuyến khởi động trở lại khá chậm sau đợt mua sắm bùng nổ trước Tết Nguyên đán nhưng được dự báo sẽ sớm hồi phục.

Trong suốt kỳ nghỉ Tết vừa qua, ngày nào ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Dịch vụ Thực phẩm Hương Quê (Hương Quê Food), cũng livestream duy trì tương tác với khách hàng. Tuy nhiên, đến ngày 15-2 (mùng 6 Tết), Hương Quê Food mới mở hàng đầu năm do bên giao nhận lấy hàng trễ.

Đơn hàng giảm

Tương tự, nhiều nhà bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) cũng tái khởi động sau Tết khá trễ vì nhiều lý do.

Theo nền tảng số liệu TMĐT Metric, từ đầu tháng 1-2024 đến nay, doanh thu 2 sàn Shopee và TikTok Shop đạt 28.700 tỉ đồng với 317,6 triệu sản phẩm được bán ra và hơn 326.000 shop có đơn hàng thành công. Thời điểm doanh thu 2 sàn này đạt đỉnh là vào 1 tuần trước Tết âm lịch (ngày 1 đến 7-2) khi người tiêu dùng gấp rút mua sắm với tổng thu 4.200 tỉ đồng.

Đáng chú ý, sức mua chưa có dấu hiệu phục hồi sau kỳ nghỉ Tết kéo dài. Từ ngày 15 đến 18-2, doanh thu của Shopee và TikTok Shop chỉ đạt 1.500 tỉ đồng, giảm 65% so với tuần trước Tết và giảm 20% so với tuần trong Tết. Theo Metric, đầu năm, người tiêu dùng thường chưa có kế hoạch mua sắm hàng hóa có giá trị cao khiến doanh thu bán lẻ trực tuyến sụt giảm mạnh.

Thị trường thương mại điện tử sau Tết Nguyên đán khởi động lại khá chậm dù vẫn còn nhiều triển vọng Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Thị trường thương mại điện tử sau Tết Nguyên đán khởi động lại khá chậm dù vẫn còn nhiều triển vọng Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Là người bán hàng đạt doanh thu lên đến 70 tỉ đồng/năm trên kênh TMĐT với hàng loạt nhãn hiệu tinh dầu, mỹ phẩm như JulyHouse, Macaland, Loli & The Wolf, Heviefood..., anh Trần Lâm cho biết sức mua một số sản phẩm đang chững lại song cũng có nhãn hiệu duy trì doanh thu ổn định.

ThS Đỗ Quang Huy, chuyên gia TMĐT, đánh giá mùa bán hàng Tết vừa qua trên các kênh trực tuyến khá tốt. Tuy nhiên, do quá tải ở khâu giao nhận nên các nhà bán hàng online năm nay nghỉ Tết sớm hơn mọi năm và thời gian nghỉ kéo dài. "Thị trường online năm nay khởi động đầu năm khá chậm, trong những ngày nghỉ Tết khách ít đặt hàng" - ông Huy nhận xét.

Đòi hỏi chuyên nghiệp hóa

Ông Đỗ Quang Huy dự đoán năm 2024, TMĐT có khả năng sẽ tăng trưởng mạnh hơn so với tốc độ tăng 25% của năm trước. Lý do là vì hiện nay, nhiều doanh nghiệp và nhà sản xuất triển khai bán hàng online để thu hút người mua với giá rẻ kèm nhiều quà tặng do cắt giảm được các khâu trung gian. Bên cạnh đó, các sàn TMĐT tiếp tục tung ra nhiều mã giảm giá khi nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng trong giai đoạn này là ưu tiên giá rẻ.

Các báo cáo phân tích thị trường cũng dự đoán TMĐT năm nay sẽ tiếp tục bùng nổ với khả năng tăng trưởng doanh thu ở mức 35%, đạt khoảng 310.000 tỉ đồng. Dẫu vậy, điều này không đồng nghĩa cơ hội tăng trưởng dành cho tất cả doanh nghiệp. Năm 2023 có tới hơn 105.000 nhà bán hàng trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki và Sendo đã rời thị trường, cho thấy sự cạnh tranh rất khắc nghiệt.

"Khi TMĐT dần trở thành một nền tảng quan trọng phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng, doanh nghiệp chắc chắn sẽ phát triển bài bản và mức độ cạnh tranh gay gắt hơn. Những thương hiệu khẳng định được uy tín và có được niềm tin của khách hàng sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua này" - đại diện Metric nhận định.

Anh Vũ Hùng Anh - đang sở hữu 2 kênh TikTok "Tạp hóa Hồng Kông 1968" và "Chìa khóa độc lạ Việt Nam" - cho biết đã bắt đầu livestream bán hàng từ ngày 13-2 (mùng 4 Tết) và duy trì đến nay. Anh đang làm việc với một số nhà sản xuất trong nước để phân phối sản phẩm trực tiếp với mức giá hợp lý cho người tiêu dùng.

"Việc bán hàng trên TikTok Shop khá thuận lợi, người mua nhiều. Quan trọng là sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả hợp lý và người bán có kịch bản bán hàng hay - vừa đậm chất giải trí vừa giới thiệu được hết ưu điểm của sản phẩm" - anh Hùng Anh cho biết.

Cũng theo nhà bán lẻ trực tuyến này, có nhãn hàng đưa ra mức giá bán cao, chiết khấu hoa hồng hấp dẫn cho TikToker nhưng anh đã đàm phán để giảm giá bán, nhận hoa hồng ít hơn nhưng bù lại sẽ bán được số lượng lớn.

Anh Trần Lâm chỉ ra giai đoạn năm 2016 - 2018, bất kỳ người bán hàng là cá nhân, doanh nghiệp nào đưa sản phẩm lên kênh TMĐT cũng dễ dàng có lãi. Thế nhưng vài năm trở lại đây, chỉ những nhà bán có chiến lược bài bản, rõ ràng mới có thể trụ lại. 

"Giai đoạn này, thị trường dần tiến tới chuyên nghiệp hơn, buộc các shop online phải đầu tư rất nhiều mới có thể thành công. Tôi cũng sẽ đầu tư nhiều hơn vào chuỗi cung ứng, chuyển tải đến người tiêu dùng câu chuyện về nuôi trồng, sản xuất... sản phẩm một cách sinh động. Song song đó là cải thiện quy trình xử lý đơn hàng nhằm rút ngắn thời gian giao hàng cho khách" - anh Lâm cho biết. 

Kiên trì, kỷ luật mới bán hàng online thành công

Bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, Viện trưởng Viện Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Đào tạo Mê Kông - nơi đang thực hiện một số dự án hỗ trợ các chủ thể chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và nông sản vùng miền tham gia TMĐT, nhận định TMĐT vẫn là xu hướng dẫn dắt thị trường trong năm 2024 - 2025. Đang có rất nhiều sự hỗ trợ từ phía nhà nước, các nền tảng, khối tư nhân để phát triển bán lẻ trực tuyến.

Dù vậy, theo bà Phượng, không phải sản phẩm nào và ai cũng có thể bán thành công trên online. "Chúng tôi có khóa đào tạo cho 69 người ở tỉnh Đồng Tháp bán hàng online nhưng đến nay chỉ có 3 người duy trì việc bán hàng. Để thành công trong bán hàng online phải kiên trì, kỷ luật chứ không hề dễ dàng" - bà Phượng nhìn nhận.


Theo Thanh Nhân - Ngọc Ánh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên