MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán hết tài sản để đầu tư vào Bitcoin khi giá chỉ là 900 USD, "gia đình Bitcoin" giờ ra sao?

12-08-2021 - 09:51 AM | Tài chính quốc tế

Bán hết tài sản để đầu tư vào Bitcoin khi giá chỉ là 900 USD, "gia đình Bitcoin" giờ ra sao?

Didi Taihuttu cùng với vợ và 3 người con đã bán hết tất cả tài sản và dùng toàn bộ số tiền để mua Bitcoin vào năm 2017, khi đồng tiền số lớn nhất thế giới chỉ có giá 900 USD/Bitcoin. Giờ đây, gia đình 5 người đang cất giữ phần lớn tài sản của họ tại các két sắt bí mật đặt ở 4 châu lục khác nhau.

"Tôi đã giấu các ví cứng ở vài quốc gia để dảm bảo mình sẽ không phải đi quá xa khi muốn truy cập vào các ví lạnh của mình hay khi muốn rời khỏi thị trường", Taihuttu giải thích với CNBC. Anh cũng tiết lộ đã chọn 2 nước ở châu Âu, 2 nước ở châu Á, 1 nước ở Nam Mỹ và 6 địa điểm ở Australia.

Tất nhiên đó không phải là những kho báu thực sự được chôn vùi dưới lòng đất hay cất giấu trên những hòn đảo xa xôi, nhưng "gia đình Bitcoin" cho biết các ví lạnh được cất giữ theo nhiều cách khác nhau ở nhiều loại địa điểm, từ những căn hộ cho thuê cho đến nhà của bạn bè họ.

"Tôi thích sống trong 1 thế giới phi tập trung nơi tôi tự có trách nhiệm bảo vệ tài sản của mình", Taihuttu nói.

Ví nóng vs ví lạnh

Có rất nhiều cách để tích trữ các đồng tiền số. Trong khi những sàn giao dịch trực tuyến như Coinbase và Paypal cung cấp token cho người dùng, những chủ sở hữu am hiểu hơn về công nghệ có thể lựa chọn không cần đến bên trung gian và tự cất giữ tiền số trong các ví lạnh.

Những loại ví lạnh như Trezor hay Ledger với kích thước chỉ nhỏ bằng ngón tay cái sẽ giúp người dùng lưu trữ và bảo mật token. Hãng thanh toán Square cũng đang phát triển 1 ví lạnh và dịch vụ "giúp việc lưu trữ bitcoin trở nên thông dụng hơn".

Những người sở hữu tiền số có thể chọn cất giữ tài sản trong "ví lạnh", "ví nóng" hoặc kết hợp cả hai. Ví nóng được kết nối với Internet và cho phép chủ sở hữu truy cập và tiêu tiền số của họ từ mọi nơi, mọi lúc. Tuy nhiên, sự thuận tiện cũng đi kèm với nguy cơ bị hack.

Trong khi đó "ví lạnh là những ví không có kết nối internet, do đó hacker không thể đánh cắp mật mã", theo Philip Gradwell, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty dữ liệu Chainalysis. Ông cho biết các sàn tiền số cũng thường sử dụng ví lạnh để bảo vệ tiền số mà khách hàng gửi ở chỗ họ.

Một báo cáo mới đây của Chainalysis cho thấy 11,8 triệu bitcoin đang nằm trong tay các nhà đầu tư dài hạn, 3,2 triệu đồng đang được giao dịch giữa các trader, 3,7 triệu đồng đã bị mất và 2,4 triệu đồng còn lại vẫn chưa được khai thác.

"Chúng ta có thể đoán được đâu là ví lạnh vì các ví lạnh có một vài đặc tính như thường nhận 1 lượng tiền số lớn từ 1 nguồn duy nhất", Gradwell nói.

Trong trường hợp của nhà Taihuttu, 26% lượng Bitcoin mà gia đình anh sở hữu được giữ trong các ví nóng và anh vẫn thường gọi đây là "vốn rủi ro", tức số tiền dùng để đầu cơ và chấp nhận mức rủi ro cao hơn. Anh dùng số Bitcoin này để đầu tư lướt sóng và liều lĩnh, ví dụ như khi anh bán dogecoin để chốt lời và sau đó lại mua vào khi nghĩ rằng giá chạm đáy.

74% còn lại (gồm cả bitcoin, ethereum và một lượng nhỏ litecoin) được trữ trong các ví lạnh để ở nhiều nơi trên khắp thế giới. Gia đình Taihuttu từ chối tiết lộ hiện số tiền số mà họ đang sở hữu có giá trị bao nhiêu. Trong 3 tuần gần đây, bitcoin, ethereum và litecoin đã lần lượt tăng giá 57%, 83% và 61%.

Chuyển bitcoin vào các ví lạnh không phải là ý tưởng mới. Ngay từ khi bitcoin xuất hiện đã có người tích trữ bitcoin trong ví lạnh. Tuy nhiên, quá trình bảo mật khá phức tạp và nếu muốn tiếp cận các ví lạnh bạn phải thực sự đến địa điểm cất giấu.

Theo thông tin đăng trên website của ngân hàng số Xapo, có 1 két sắt được chôn sâu trong dãy núi Alps của Thụy Sĩ, bên trong 1 hầm quân sự đã hoàn toàn ngắt kết nối internet và được đội bảo vệ canh phòng nghiêm ngặt, thậm chí được theo dõi bởi vệ tinh. Trong két sắt đó chứa các ví lạnh chứa bitcoin.

Năm 2019 sàn Coinbase đã mua lại Xapo – 1 động thái không có gì bất ngờ đối với công ty cất giữ tới 98% tiền gửi của khách hàng trong các ví lạnh. Theo Coinbase, họ làm như vậy là để bảo vệ tốt nhất tài sản của khách hàng.

Tuy nhiên Taihuttu cho biết đối với anh cách đó vẫn quá tập trung. "Nếu bạn thật sự muốn giữ đồng tiền số của mình tránh xa tầm với của chính phủ, hãy trực tiếp nắm giữ mật khẩu và ví lạnh, giống như bí mật chôn 1 thỏi vàng trong sân sau nhà bạn vậy", nhà sáng lập Nic Carter của Castle Island Ventures nói.

Đó là lý do tại sao Taihuttu không sử dụng ngân hàng hay bưu điện. "Những thứ đó quá rủi ro. Điều gì xảy ra khi ngân hàng phá sản? Bitcoin của tôi sẽ đi đâu? Tôi có còn lấy lại được Bitcoin của mình không? Một lần nữa bạn lại đặt tiền của mình vào tay 1 tổ chức tập trung".

Tham khảo CNBC

Thu Hương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên