MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán hoa tiền triệu 1 bó vẫn cháy hàng, đây là bí quyết của cô chủ startup Việt này

14-04-2017 - 14:32 PM | Doanh nghiệp

Tập trung mạnh vào thị trường trung cấp, nên mỗi bó/lẵng hoa của Fancy Florist giao động trong khoảng 1 - 1,5 triệu đồng - mức giá cao so với thu nhập bình quân của người Việt. Vậy làm thế nào để startup mới nổi này tồn tại và phát triển được trong suốt 6 tháng qua?

Các bà, các cô thường truyền miệng "bán hoa tươi 1 vốn 4 lời", nhưng khởi nghiệp với lĩnh vực kinh doanh hoa tươi tại Việt Nam thực tế lại rất khốc liệt. Ngoài yếu tố thời tiết, khách hàng, thì khâu bảo quản, nhập và xuất hoa cũng là một bài toán đặt ra với các startup non trẻ.

Không phải ngẫu nhiên mà tới 90% các đơn vị khởi nghiệp bán hoa tươi tại Việt Nam đều lụi bại sau từ một tới ba năm. Phần vì do các bạn trẻ này thiếu kinh nghiệm, phần vì không thể cạnh tranh với các chuỗi bán hoa truyền thống, vốn đã ăn sâu vào tiềm thức người tiêu dùng.

Cho tới nay, thị trường cũng chỉ còn sót lại một vài cái tên nổi bật, dám đi theo phong cách trẻ trung, và hiện đại như 38 Degree Flowers, Dalat Hasfarm hay Hoa Yeu Thuong.

38 Degree Flowers có điểm mạnh là hoa nhập khẩu, nên các sản phẩm của đơn vị này có thể xếp ở phân khúc cao cấp. Dalat Hasfarm tập trung vào lĩnh vực phân phối hoa, còn Hoa Yeu Thuong có thế mạnh là đặt hoa trực tuyến, nhắm tới đối tượng bình dân.

Nhưng cũng chính sự phân chia này đã để lộ ra một phân khúc béo bở, chưa có ai khai phá là thị trường trung cấp

Khởi nghiệp với lĩnh vực kinh doanh hoa tươi đến nay đã được hơn 6 tháng, Fancy Florist là cái tên mới nổi, được rất nhiều người sành hoa tìm tới. Các sản phẩm của startup này chủ yếu là dòng hoa nhập khẩu từ các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hà Lan...

Tập trung mạnh vào thị trường trung cấp, nên mỗi bó/lẵng hoa của Fancy Florist giao động trong khoảng 1 - 1,5 triệu đồng. Lý giải về mức giá nói trên, Vũ Hương Giang - founder startup Fancy Florist cho biết:

"Khách hàng bây giờ rất chú trọng hoa. Đây là một món ăn tinh thần, là quà tặng, là tình cảm mà các bạn trai gửi gắm tới người yêu, bạn gái. Không chỉ đẹp, mà hoa bây giờ cần cả yếu tố độc, lạ, được đầu tư kĩ lưỡng về mặt hình thức. Và đây cũng chính là điểm mạnh của Fancy Florist so với các dòng hoa truyền thống".


Hoa dạng bó được Vũ Hương Giang đầu tư kĩ lưỡng về nguồn nhập, cũng như cách sắp xếp, bài trí

Hoa dạng bó được Vũ Hương Giang đầu tư kĩ lưỡng về nguồn nhập, cũng như cách sắp xếp, bài trí

Vị founder này khẳng định, việc mua hoa tươi hiện nay rất dễ, ngoài đường, thậm chí là ngoài chợ không hề thiếu. Nhưng không phải ở cửa hàng nào, khách cũng nhận được sản phẩm gói ghém kĩ lưỡng, tỉ mỉ, mang phong cách trẻ trung, hiện đại, để dành riêng cho các dịp quan trọng.

Vũ Hương Giang kể lại:

"Ban đầu, Fancy Florist cũng bán ra các sản phẩm 300.000 - 500.000 đồng, bởi nghĩ rằng mức giá 1 triệu với người Việt Nam là khá cao. Nhưng sau khi tiếp xúc với rất nhiều các khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp, thì Giang nhận được góp ý rất bất ngờ...

Nhiều anh/chị nói rằng, họ thực chất chẳng quan tâm lắm tới giá hoa, miễn đẹp, độc, vừa ý họ là được. Bởi xét cho cùng, hoa chủ yếu mang giá trị tinh thần, mà đã là tinh thần thì rất khó để định giá. Càng bán, Giang càng nhận ra khách hàng của mình vốn là những người rất sành hoa. Họ yêu hoa, yêu cái đẹp, nên với họ, cách thể hiện cũng rất quan trọng".

Từ đó, Fancy Florist không chỉ đầu tư vào nguồn hoa nhập khẩu - đảm bảo yếu tố độc, lạ, bắt mắt cho sản phẩm, còn mà tập trung vào cách gói hoa, cách trình bày sao cho ấn tượng. Bản thân founder Vũ Hương Giang đã bỏ ra 3 tháng trời trước khi khởi nghiệp chỉ để học cách gói hoa theo phong cách châu Âu và Hàn Quốc.

Và thành quả là sau 6 tháng kinh doanh, Fancy Florist đã có được một lượng khách ổn định và cực kì trung thành với thương hiệu này. Mức giá khoảng 1 - 1,5 triệu đồng cho một bó hoa đẹp của Fancy Florist được khách đánh giá là hợp lí, vì rẻ hơn 38 Degree Flowers, nhưng vẫn đẳng cấp hơn hoa truyền thống.

TVC được startup Fancy Florist của Vũ Hương Giang dày công đầu tư

Bó hoa đẹp cũng chính là chìa khóa để giải bài toán mà bất kì startup kinh doanh hoa online nào cũng gặp phải

Khởi điểm là một startup kinh doanh hoa, Fancy Florist của Vũ Hương Giang cũng phải đối mặt với bài toán muôn thuở đó là: giải quyết hàng tồn.

Bởi hoa tươi thường không để được lâu, không bán được đồng nghĩa hoa phải vứt đi. Hoặc người bán hoa sẽ phải bảo quản bằng kho lạnh. Nhưng mới kinh doanh, dòng tiền luân chuyển chậm, luôn thiếu vốn, hiếm startup nào có thể đầu tư được kho lạnh riêng. Mà để chung sẽ khó tránh được tình trạng hoa bị dập nát.

Chung quy lại, mới bán hoa tươi, khách mua chưa ổn định, ước lượng sai dẫn tới hàng tồn lớn, startup không xoay xở được trong thời gian dài sẽ tự khắc phải giải thể.

Đứng trước bài toán khó khăn này, Vũ Hương Giang kể lại:

"Trong 3 tháng đầu kinh doanh online, chuyện tồn hoa xảy ra rất thường xuyên với Fancy Florist. Nhập số lượng ít quá thì nhà cung cấp không đồng ý, nhập nhiều thì chẳng biết bán cho ai. Vậy là kể từ tháng thứ 4 trở đi, Giang phải mở thêm cửa hàng offline để giải quyết vấn đề hoa tồn đọng, bán chủ yếu cho các khách vãng lai trong ngày.

Bên cạnh đó, thời gian order khi khách đặt hàng qua mạng cũng được dãn ra, từ 1 ngày thành 3 ngày, sẽ tính toán trước số lượng đơn hàng. Trong trường hợp tồn hoa nữa, Giang sẽ chủ động gửi tặng hoa cho các đối tác, những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng trên mạng.

Hoa mình đẹp, được chuẩn bị công phu, nên khi được tặng vài lần thì người ta quý, lại giới thiệu bạn bè, người thân và khách hàng cho. Kết hợp với việc đẩy mạnh marketing, nên doanh số của Fancy Florist đã sớm đi vào ổn định, tạm thời thoát hiểm".

Founder này chỉ ra, để kích sale nhanh, Fancy Florist đã phải vận dụng cả 2 phương pháp là truyền miệng và quảng cáo trên mạng xã hội Facebook. Nhưng cốt lõi vẫn là một sản phẩm tốt, đáp ứng được cả 2 tiêu chí: hoa đẹp, được đầu tư kĩ lưỡng về mặt hình thức.


Sản phẩm hoa dạng hộp của startup Fancy Florist

Sản phẩm hoa dạng hộp của startup Fancy Florist

Tới đây, khó khăn vẫn chưa chịu buông tha startup Fancy Florist. Bài toán hàng tồn vừa mới giải quyết xong, Vũ Hương Giang lại tiếp tục gặp phải vấn đề: ship hoa.

"Trước khi ship hoa, Giang thường chụp ảnh gửi cho khách trước. Ảnh khách nhận được thường rất đẹp, nhưng tới lúc cầm hoa trên tay thì ôi thôi bị dập, rồi xộc xệch, rất khó nhìn. Vì là thuê ship nên cũng không đòi hỏi được gì hơn, đành chỉ biết xin lỗi, tặng voucher mong khách thông cảm.

Sau này Giang nghĩ rằng, kể cả việc ship hoa cũng phải là người của mình. Hoa của Fancy Florist khi ship đi sẽ được bọc bông, shipper phải là người biết chỉnh sửa lại bó hoa, mang thêm nước để xịt khi cần thiết. Và nhất là hoa ship luôn có sẵn voucher mang theo, để nếu có sự cố xảy ra, khách sẽ dễ dàng cảm thông cho mình", Vũ Hương Giang chia sẻ.

Founder này khẳng định, vì giá trị một bó hoa của Fancy Florist cao, nên trải nghiệm khách hàng rất quan trọng. Hoa đẹp thôi chưa đủ, mà khách hàng bỏ số tiền lớn ra còn mong muốn được phục vụ tận tình, chu đáo. Vũ Hương Giang luôn tâm niệm, khách hàng tìm tới Fancy Florist không chỉ mua hoa, mà còn mua cả những giá trị tinh thần không đâu có được.

Nhờ vậy, tỉ lệ khách quay trở lại với Fancy Florist rất cao. Theo lời founder này, 90-95% khách sẽ quay lại mua hàng lần 2, lần 3

"Cùng là hoa của nhà Fancy Florist, khách hầu như chỉ mua được một bó như vậy, rất khó để mua được một bó thứ hai. Có thể ngày 8/3 khách mua một bó có tông màu hồng nhạt, tới ngày 20/10 khách mua vẫn tông màu như vậy, nhưng loại hoa chắc chắn sẽ khác đi", Vũ Hương Giang bật mí về phương pháp để giữ chân khách hàng.


Theo lời founder Fancy Florist, 90-95% khách sẽ quay lại mua hoa lần 2, lần 3

Theo lời founder Fancy Florist, 90-95% khách sẽ quay lại mua hoa lần 2, lần 3

Sở dĩ founder này tỏ ra tự tin về tỉ lệ khách quay lại là bởi, ngoài việc đầu tư vào nguồn hoa nhập, cách trình bày hoa, Fancy Florist còn sở hữu một hệ thống quản lí dữ liệu riêng. Các thông tin như số điện thoại, địa chỉ, dữ liệu về lần đặt mua trước sẽ được cẩn thận lưu lại.

Tới khi khách hàng quay lại lần 2, lần 3, đội ngũ sale sẽ tư vấn cho khách một loại hoa khác, có thể là vẫn tông màu đấy, nhưng cách trình bày khác đi, phong cách cũng được làm mới. Nhờ vậy, người được tặng hoa sẽ không bao giờ cảm thấy nhàm chán.

"Giang cũng là phụ nữ, nên Giang thừa hiểu, chẳng ai muốn nhận lại cùng 1 bó hoa tới 2, thậm chí 3 lần. Phụ nữ vốn rất nhạy cảm và tinh tế. Nên mình cũng nghĩ cho khách, lần trước họ từng mua bó này rồi, thì lần tới mình sẽ phải tư vấn khác.

Làm sao để đến với Fancy Florist, khách luôn cảm thấy sự tươi mới và được phục vụ chu đáo nhất. Còn trong tương lai, Giang sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống này, gia tăng được càng nhiều giá trị cho khách hàng càng tốt", Vũ Hương Giang chia sẻ.

Bên cạnh đó, mong muốn lớn nhất của vị founder này còn là việc tiến sâu hơn vào thị trường hoa tươi vốn rất màu mỡ trong năm 2017. Bởi theo Vũ Hương Giang, quy mô cũng như số lượng nhân viên có tay nghề cao tại cửa hàng đang là hạn chế của Fancy Florist.

Founder này cho biết, hiện tại, hệ thống Fancy Florist có 3 cửa hàng, 2 đặt tại Hà Nội, còn lại là TP. HCM. Mỗi cửa hàng có khoảng 6 nhân viên thường trực, nhưng số lượng nhân viên có tay nghề cao không nhiều, rất khó để tăng số đơn hàng.

Bởi thế mạnh của Fancy Florist vốn là kĩ năng, bó, bọc hoa, cũng như cảm thụ màu sắc. Do đó, để có thợ tay nghề cao, Vũ Hương Giang thường mất từ 2-3 tháng để đào tạo, chưa kể người thợ còn cần tới năng khiếu để cho ra những sản phẩm tốt. Điều này giải thích tại sao, dù muốn mở rộng quy mô nhưng Fancy Florist vẫn chưa thực hiện được.

Trên thực tế, Vũ Hương Giang cho biết đã có một số nhà đầu tư để ý tới startup hoa tươi này. Bởi họ đánh giá hoa tươi là một thị trường rất tiềm năng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Vũ Hương Giang vẫn muốn tự mình giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, như chủ động sở hữu kho lạnh riêng, cũng như tìm ra phương pháp bảo quản hoa tốt hơn, trước khi nghĩ tới những mục tiêu xa hơn.

Theo Chu Lang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên