MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán hơn 22 cây vàng, chốt lời 50% rồi đem tiền đi đầu tư BĐS

02-01-2024 - 19:08 PM | Lifestyle

Nhiều người đã hình thành thói quen mua vàng tích lũy từ khi kiếm ra tiền.

Thời gian gần đây, có thời điểm giá vàng tăng mạnh vượt mức 80 triệu đồng/lượng. Một số người cảm thấy khá tiếc nuối vì đã không mua sớm. Trong khi đó, có nhiều người lại “hoang mang” không biết có nên mua vào hay không vì sợ quá FOMO.

Có lẽ “hội” vui nhất là những người đã mua vàng tích lũy từ trước đó. Song, câu hỏi đặt ra bây giờ lại là có nên bán vàng hay không?

Bán hơn 22 cây vàng trong tháng 11

Thúy Ngân (sinh năm 1993, TP Hồ Chí Minh) đã bắt đầu mua vàng từ năm 2018. Bởi vì dù thị trường biến động ra sao, chẳng hạn giá BĐS hay cổ phiếu giảm, vàng vẫn thường giữ được giá trị khá tốt và luôn tăng. Từ năm 2018-2020, cô mua khoảng 2 cây vàng. Tuy nhiên, những năm sau đó, thu nhập cao hơn, số lượng vàng Thúy Ngân mua cũng nhiều hơn. Từ năm 2021 đến năm 2023, cô lần lượt mua 5 cây, 10 cây và 5 cây vàng.

“Mình luôn theo dõi hàng ngày để mua được giá tốt nhất. Bên cạnh đó, mình thường mua vàng nhẫn. Đối với mình vàng nhẫn được sờ rõ và biết chắc được vàng thật hay vàng giả. Thông thường mình sẽ dành thời gian tích lũy một khoản tiền và mua theo cây. Còn mua chỉ vàng sẽ trong những dịp đặc biệt chẳng hạn như ngày Thần tài”.

Vào tháng 11 năm nay, cô đã bán toàn bộ vàng bao gồm 22 cây 4 chỉ với giá 59,9 triệu/ cây. Bởi vì mua vàng nhẫn 999, giá thấp hơn vàng miếng nhưng giữ giá tốt hơn. So với thời điểm giá vàng đạt đỉnh gần đây, dao động khoảng 63-64 triệu/cây, mức giá Thúy Ngân bán vẫn khá tốt. Cô lãi khoảng gần 50% so với giá mua trung bình trong vòng hơn 5 năm.

Mặt khác, cô cảm thấy không nuối tiếc khi thấy giá tăng cao bởi vì mục đích bán vàng vừa để chốt lời vừa đầu tư sang lĩnh vực BĐS nhà đất. Thúy Ngân nhận thấy giá BĐS đang xuống và cho rằng đây là lĩnh vực khá tốt để đầu tư sinh lời trong tương lai.

Bán hơn 22 cây vàng, chốt lời 50% rồi đem tiền đi đầu tư BĐS- Ảnh 1.

Thuý Ngân

Mua vàng từ khi mới bắt đầu đi làm

Cũng giống Thúy Ngân, Thanh Thảo (sinh năm 1995, TP Hồ Chí Minh) đã mua vàng từ rất sớm, khi vừa mới đi làm vào năm 2017.

Thông thường, cô không quá kế hoạch cụ thể về tần suất và nguyên tắc mua vàng. Thay vào đó, mỗi khi nhận lương, cô sẽ trích ra một phần dành riêng cho mua vàng. Sau khi tích lũy vài tháng được một khoản tiền kha khá, cô sẽ mua vàng. Hoặc vào những dịp đặc biệt, vừa để tự thưởng cũng như tiết kiệm như ngày sinh nhật, ngày Thần tài, cô cũng sắm vàng. Trước khi quyết định “xuống tay”, cô luôn tính toán cân nhắc thời điểm phù hợp, tránh mua giá quá cao. Số vàng cô bạn thời gian gần đây mua tăng gấp đôi so với những năm mới đi làm.

“Nhu cầu mua vàng là để tích lũy, tiết kiệm lâu dài xây dựng mái ấm gia đình trong tương lai hoặc dùng trong những lúc có những sự cố bất ngờ. Do vậy, mình thường mua cả 2 loại là vàng nhẫn và vàng miếng. Vì vàng miếng phù hợp tích trữ lâu dài, còn vàng nhẫn có thể sử dụng linh hoạt hơn, hợp với đầu tư ngắn hạn và những lúc cần bán gấp. Vậy nên cũng tuỳ vào kinh tế mỗi thời điểm, mình sẽ quyết định mua loại nào vì giá vàng nhẫn và vàng miếng khá chênh lệch”. Do nhu cầu tích trữ dài hạn, cô hầu như không có nhu cầu bán vàng.

Bán hơn 22 cây vàng, chốt lời 50% rồi đem tiền đi đầu tư BĐS- Ảnh 2.

Thanh Thảo

Tạm kết

Khác với Thúy Ngân, Thanh Thảo vẫn chưa có ý định bán vàng vào thời điểm này. Tuy nhiên, giá vàng đợt này khá “căng thẳng”, cô bạn cũng không có ý định mua vào vì quá rủi ro. Trong dài hạn, Thanh Thảo vẫn cho rằng đây là phương án tích lũy khá tốt bên cạnh gửi ngân hàng. Chưa kể đến trong những thời điểm nền kinh tế biến động, vàng sẽ giữ giá khá tốt, giúp đồng tiền không mất giá theo thời gian.

Còn đối với Thúy Ngân, vàng không còn là công cụ để đầu tư tích lũy trong hiện tại. Tuy nhiên, nếu biết nắm bắt thời điểm, vàng vẫn có thể phù hợp với nhu cầu của một số người. Chẳng hạn như số lãi cô nhận được từ vàng cao hơn khá nhiều so với gửi tiết kiệm ngân hàng.

Theo Tô Diệp - Thiết kế: Minh Trang

Phụ nữ số

Trở lên trên