MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Băn khoăn lãi dự thu

09-05-2016 - 14:53 PM | Tài chính - ngân hàng

Một số chuyên gia khuyến nghị, các NH nên xem xét tính toán lại khoản lãi dự thu để đưa ra con số lợi nhuận thực chất, chính xác hơn không chỉ để các cổ đông mà chính các NH đừng ảo tưởng về sức khoẻ thật của mình.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
308 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn

Lãi tăng do cơ cấu lại các khoản nợ?

Theo báo cáo tài chính của các NH tại ĐHCĐ vừa được tổ chức, lợi nhuận các NH trong năm 2015 cải thiện hơn so với năm trước. Như Vietcombank lãi 6.655 tỷ đồng trước thuế của riêng ngân hàng mẹ và lãi hợp nhất lên đến 6.829 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm trước. Techcombank có lợi nhuận trước thuế 2.037 tỷ đồng, tăng 44% so với năm trước. Các NH quy mô nhỏ hơn lợi nhuận cũng khá khả quan: NCB đạt 111 tỷ đồng tăng 88% so với năm 2014.

Hay như tại SCB năm qua thu nhập lãi thuần hợp nhất đạt 4,509 tỷ đồng, cao gấp 2,2 lần so với năm trước… Lợi nhuận NH khả quan hơn do nhiều yếu tố: tăng trưởng tín dụng tốt mà lãi từ hoạt động tín dụng chiếm tới 80% trong cơ cấu lợi nhuận của các NH; thu từ dịch vụ cũng được cải thiện như tại SCB lãi từ hoạt động dịch vụ của NH tăng đột biến từ 34 tỷ đồng lên 337 tỷ đồng…

Nhưng theo phân tích của một số chuyên gia NH, trong cơ cấu lợi nhuận của các NH lãi dự thu vẫn tương đối nhiều. Theo phân tích của TS Cấn Văn Lực, do thời gian vừa qua kinh tế khó khăn, nếu ép các DN phải trở nợ ngay thì họ không thể chịu được dẫn đến phá sản. Vì thế các NH buộc phải giãn, hoặc cơ cấu khoản nợ theo quy định cho phép. Cho nên lãi từ các khoản vay DN này đưa dưới dạng dự thu.

“Những khoản vay NH để lãi dự thu là các khoản có triển vọng để thu chứ không phải khoản vay khó đòi. Nếu không có triển vọng thì NH sẽ đưa vào danh mục nợ xấu để xử lý và bán cho VAMC”, ông Lực bổ sung thêm.

Phân tích chi tiết hơn, theo một chuyên gia NH, nếu hạch toán đúng thì tất cả những món nợ quá hạn từ 10 ngày trở lên sẽ không được hạch toán vào trong sổ sách. Như vậy, NH phải ngưng dự thu lãi nếu nợ đó quá hạn 10 ngày. Nếu các NH thực hiện nghiêm túc như vậy thì không có lãi dự thu “ảo”.

Nhưng trên thực tế, vị này không loại trừ khả năng có những NH bằng cách này hay cách khác vẫn giữ các khoản nợ trên ở nhóm 1,2 thay vì để chúng ở nhóm 3 – 5. Như thế lãi dự thu vẫn được hạch toán bình thường.

Theo chia sẻ của vị này, chính do hoạt động cơ cấu lại bằng nhiều cách, thực hiện nhiều lần có thể bản thân các NH cũng khó bóc tách số tiền lãi dự thu cho các khoản vay mới, cũ lẫn lộn. Vì lãi dự thu kỳ hạn này nối tiếp kỳ hạn sau nếu lãi dự thu cũ chưa xử lý xong, lãi dự thu mới lại phát sinh sẽ khiến các NH cũng đau đầu để bóc tách xem đâu là lãi thật đâu là ảo.

Lợi trước mắt, hại lâu dài

Cho đến giờ này chưa có một con số thống kê chính thức về lãi dự thu của các NH là bao nhiêu. Và đâu là lãi thật đâu là ảo vẫn còn ẩn số. Dù đồng tình với việc trong thời điểm khó khăn vừa qua, các NH buộc phải thực hiện cơ cấu lại hỗ trợ khách hàng nhưng khi giai đoạn khó khăn nhất đã qua đi, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng thì việc áp dụng theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế, công khai minh bạch ngày càng trở nên cần thiết để đảm bảo sức khoẻ tài chính NH bền vững.

Vì thế, rất nhiều ý kiến cho rằng việc bóc tách lãi dự thu cho đúng, cho đủ rất quan trọng để giảm bớt những thiệt hại mà NH cũng như khách hàng gặp phải, gia tăng lòng tin của nhà đầu tư, đặc biệt đảm bảo hệ thống NH phát triển bền vững hơn. Ví như nếu nhà đầu tư căn cứ dựa vào kết quả kinh doanh, lợi nhuận NH để mua cổ phiếu. Nếu con số lãi NH công bố không chính xác, cổ phiếu xuống giá thì cổ đông, nhà đầu tư sẽ bị thiệt hại và NH đánh mất lòng tin đối với khách hàng.

Năm 2016 dự báo kinh doanh NH có thể chỉ như năm 2015 thậm chí còn gặp khó khăn hơn. Bởi những khoản nợ xấu bán cho VAMC vẫn phải trích lập 20% xử lý theo quy định. Mặt khác, NH vẫn phải kiểm soát chặt chẽ tín dụng để không tăng nợ xấu, giữ tỷ lệ nợ xấu ở mức 3%.

Một yếu tố nữa ảnh hưởng đến lợi nhuận NH là lãi suất đầu vào nhích lên trong khi đầu ra không tăng, thậm chí khá nhiều NH vừa công bố giảm lãi suất cho vay từ 0,5 – 1% nên NIM của NH bị thu hẹp dần. Trong khi đó nguồn thu từ các dịch vụ chưa thể đột phá ngay để giúp NH tăng thu lợi nhuận.

Do vậy, một số chuyên gia khuyến nghị, các NH nên xem xét tính toán lại khoản lãi dự thu để đưa ra con số lợi nhuận thực chất, chính xác hơn không chỉ để các cổ đông mà chính các NH đừng ảo tưởng về sức khoẻ thật của mình. Còn nếu NH vẫn thực hiện cách này thì sẽ thành ra lấy đá ghè chân mình.

“Gốc, lãi, chi phí trích lập dự phòng rủi ro, nếu không thu hồi nợ xấu, có thể đến giai đoạn nào đó NH kiệt quệ mất khả năng thanh toán. Trường hợp này đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới”, vị chuyên gia trên cảnh báo.

Để hạn chế tình trạng lãi dự thu ảo, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các cổ đông NH không nên thụ động như thời gian vừa qua mà chủ động tích cực tìm hiểu, bám sát định hướng kinh doanh của NH mình đầu tư để nắm được hoạt động NH có thực chất, lợi nhuận có bền vững, báo cáo tài chính công khai minh bạch hay không.

Thậm chí khi thấy có dấu hiệu không bình thường trong báo cáo tài chính, nhà đầu tư có thể tìm hiểu thông qua đại diện hoặc làm việc trực tiếp với công ty kiểm toán để xem báo cáo đó có xảy ra “sai sót” gì không.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng đề xuất, thời gian tới thanh tra NHNN cần “để mắt” đến nhiều hơn đối với phần lãi dự thu của NHTM để giữ an toàn cho hệ thống cũng như đảm bảo hoạt động NH công bằng, minh bạch, phát triển bền vững hơn.

Theo Nguyễn Vũ

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên