MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Băn khoăn từ phiên đấu giá mỏ cát xuyên đêm

Phiên đấu giá 3 mỏ cát ở TP Hà Nội mới đây đã lập nhiều kỷ lục, từ thời gian dài nhất cho tới giá trúng cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm, phần nào cho thấy những điều mà trước đây người ngoài khó biết trong hoạt động khai thác loại tài nguyên này.

Giám đốc công ty tổ chức đấu giá phải thốt lên rằng đây là phiên đấu giá "lịch sử về thời gian". Với 10 năm hoạt động trong lĩnh vực này, ông chưa thấy cuộc nào dài như vậy. Thông thường, các phiên khác chỉ khoảng 2-3 giờ song phiên đấu giá 3 mỏ cát ở Hà Nội mới đây đã kéo dài tới gần 22 giờ và diễn ra xuyên đêm, từ 9 giờ hôm trước đến tận 5 giờ 33 phút hôm sau.

Cùng với thời gian được xem là kỷ lục, giá cuối cùng được chốt của 3 mỏ cát cũng thuộc loại đỉnh với tổng cộng gần 1.690 tỉ đồng - gấp từ hàng chục tới hàng trăm lần giá khởi điểm. Trong đó, chênh lệch thấp nhất là mỏ cát Tây Đằng - Minh Châu có trữ lượng 4.899.000 m3 với giá khởi điểm hơn 19,2 tỉ đồng nhưng trúng đấu giá gần 884 tỉ đồng - cao gấp gần 46 lần. Mức chênh lệch còn cao hơn nhiều với mỏ Thượng Cát có trữ lượng hơn 508.000 m3 khi trúng đấu giá gần 410 tỉ đồng - cao gấp gần 200 lần giá khởi điểm, hơn 2 tỉ đồng.

Phiên đấu giá 3 mỏ cát ở Hà Nội với những kỷ lục được ghi nhận đã gây xôn xao dư luận với nhiều vấn đề được đặt ra. Trong đó, băn khoăn lớn nhất là giá trúng cao bất thường. Dù giá cuối cùng được bỏ càng cao thì càng lợi cho ngân sách nhưng cao bất thường, hơn cả giá thị trường, là điều cần phải suy nghĩ, xem xét.

Theo trữ lượng các mỏ cát được quyền khai thác khi đưa ra đấu giá, giá trúng cao nhất tại mỏ Liên Mạc lên tới hơn 800.000 đồng/m3. Trong khi đó, giá cát xây dựng người dân mua vào khoảng 150.000 - 250.000 đồng/m3 tùy thời điểm; giá bán tại mỏ còn thấp hơn, chỉ dao động 60.000 - 80.000 đồng/m3. Từ góc độ tư duy kinh tế thông thường, không ai có thể hiểu vì sao lại đấu giá cao gấp nhiều lần giá thị trường như thế.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nêu rõ trong khoảng 10 ngày sau khi đấu giá, các tổ chức và cá nhân trúng đấu giá 3 mỏ cát phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Trường hợp không hoàn thành đủ nghĩa vụ tài chính, họ sẽ bị hủy kết quả trúng đấu giá, mất số tiền đặt cọc (thấp nhất 300 triệu đồng, cao nhất 2,8 tỉ đồng) và 1 năm không được tham gia các phiên đấu giá.

Có thể nói thời gian qua, việc khai thác cát là một vấn đề trên địa bàn TP Hà Nội. Đã có những vụ việc "cát tặc" gây lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường và gây mất an ninh trật tự xã hội được phản ánh, xử lý. Thế nên, việc tổ chức đấu giá 3 mỏ cát được trông đợi góp phần giải quyết vấn đề lâu nay này. Song, những kỷ lục từ vụ đấu giá lại khó có thể khiến người ta an tâm. Bởi thế, rất cần cơ quan hữu trách của Hà Nội giám sát chặt chẽ sau khi đấu giá 3 mỏ cát để những điều mà có ý kiến cho là vô lý, bất thường không nảy sinh, biến tướng thành tiêu cực. 

Theo Phạm Dương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên